Những tưởng vụ việc tranh chấp giữa Công ty cổ phần Quan hệ quốc tế - đầu tư sản xuất và Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ thương mại Vạn Niên đã khép lại bằng bản án công minh của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội, nào ngờ, sau gần 10 năm kể từ khi bản án có hiệu lực, ngày 12/8/2021, Viện VKSNDTC đã ra Quyết định kháng nghị tái thẩm số 09/QĐKNTT-VKS-KDTM đối với bản án phúc thẩm số 253. Điều đáng nói, kháng nghị 09 có những nội dung trùng lặp so với kháng nghị trước đây được dùng để làm căn cứ kháng nghị tái thẩm đối với bản án phúc thẩm số 253.
Bản án đã có hiệu lực gần 10 năm bị kháng nghị
Năm 2005, Công ty cổ phần Quan hệ quốc tế - đầu tư sản xuất (CIRI) trúng đấu giá quyền sử dụng đất đợt 5 tại lô C/D13, diện tích 7.220,9m2, khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, TP. Hà Nội. Tiền sử dụng đất phải nộp là 65.124.000.000 đồng.
Ngày 10/11/2006, CIRI (Bên A) ký Hợp đồng cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 458/HĐCNQSDĐ đối với lô đất trên cho Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ thương mại Vạn Niên (Vạn Niên - Bên B). Nội dung Hợp đồng, Bên A cam kết chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng lô đất trên cho Bên B ngay sau khi Bên A được cơ quan có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ đối với lô đất này. Giá trị chuyển nhượng là trên 89 tỷ đồng.
Trong khi CIRI chưa nhận được GCNQSDĐ đối với lô đất trên thì ngày 20/11/2007, Vạn Niên khởi kiện CIRI ra TAND: Đề nghị CIRI thực hiện đúng tiến độ Hợp đồng cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà hai bên đã ký kết.
Trong khoảng thời gian 5 năm (2007-2011), vụ việc được xét xử sơ thẩm, phúc thẩm ở các cấp TAND quận Đống Đa; TAND TP Hà Nội, Tòa kinh tế TAND, TAND tối cao tại Hà Nội... Ngày 21/12/2011, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đã ra bản án 253 về vụ tranh chấp này. Theo đó, Tòa không chấp nhận kháng cáo của Vạn Niên; Tuyên bố “Hợp đồng cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất” số 458/HĐCNQSDĐ, ngày 1/11/2005 giữa CIRI và Vạn Niên bị vô hiệu toàn bộ; Buộc CIRI trả Vạn Niên số tiền gốc là trên 65 tỷ đồng và số tiền lãi trên 24 tỷ đồng; CIRI tiếp tục được sử dụng lô đất C/D13, theo GCNQSDĐ do UBND TP Hà Nội cấp; Buộc Vạn Niên phải tự tháo dỡ căn nhà cấp 4 mái tôn đã xây dựng ngày 14/11/2007, vi phạm chỉ giới quy hoạch và hoàn trả lại nguyên trạng mặt bằng như trước đây đối với diện tích đã xây dựng trên lô đất C/D13 cho CIRI.
Đáng lưu ý, vụ tranh chấp dân sự này nhận được sự quan tâm của dư luận bởi bản án sơ thẩm, phúc thẩm khó hiểu của các cấp TAND quận Đống Đa và TAND TP Hà Nội. Vụ việc gây tranh cãi, đến mức năm 2008, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chính thức có ý kiến đề nghị Chánh án tòa án nhân dân tối cao xem xét vụ án này; lãnh đạo Đảng cũng có ý kiến đề nghị các cơ quan tư pháp giải quyết sự việc theo đúng quy định của pháp luật.
Thực hiện việc thi hành án, ngày 27/11/2019, Cục Thi hành án dân sự đã tiến hành lập biên bản cưỡng chế thi hành án dân sự đối với bên được thi hành án là CIRI, bên phải thi hành án là Vạn Niên. Theo đó, Vạn Niên phải tự tháo dỡ căn nhà cấp 4 mái tôn đã xây dựng ngày 14/11/2007 vi phạm chỉ giới quy hoạch và hoàn trả lại nguyên trạng mặt bằng như trước đây đối với diện tích đã xây dựng trên lô đất C/D13 cho CIRI. Về phía CIRI, công ty này đã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ theo quyết định của bản án; chuẩn bị triển khai dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Những tưởng vụ việc đã khép lại bằng bản án công minh của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội, nào ngờ, sau gần 10 năm kể từ khi bản án có hiệu lực, ngày 12/8/2021, Viện VKSNDTC đã ra Quyết định kháng nghị tái thẩm số 09/QĐKNTT-VKS-KDTM đối với bản án 253. Theo đó, VKSNDTC căn cứ khoản 3, Điều 352 Bộ luật Tố tụng dân sự, cho rằng, bản án 253 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội (nay là TAND cấp cao tại Hà Nội) và bản án sơ thẩm số 12, ngày 27, 28/01/2011 của TAND TP Hà Nội nhận định và kết luận trái pháp luật. VKSNDTC cũng cho rằng: Hợp đồng 458 do Vạn Niên và CIRI xác lập hoàn toàn tự nguyện, các điều kiện thỏa thuận trong hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật...; Tại thời điểm đấu giá quyền sử dụng đất, CIRI không đủ năng lực tài chính thực hiện dự án, không đủ điều kiện tham gia đấu giá; Tại thời điểm giao kết hợp đồng 458 thì đã có lô đất được chuyển nhượng thành công.
Về sự việc này, bà Trần Huế, Chánh văn phòng CIRI, không giấu nổi bức xúc: “Không hiểu vì lý do gì, một vụ án tranh chấp đã qua xét xử 2 lần sơ thẩm, 2 lần phúc thẩm, 2 lần giám đốc thẩm và TANDTC đã 1 lần bác kháng nghị của VKSNDTC, nhưng cho đến nay, sau gần 10 năm bản án 253 của Tòa phúc thẩm - TANDTC có hiệu lực và đã hoàn thành việc thi hành án, đã hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm thì VKSNDTC lại bất ngờ quyết định kháng nghị tái thẩm (kháng nghị lần thứ 2)”.
Quá trình giải quyết vụ án
Ngày 13 và 18/3/2008, TAND quận Đống Đa có bản án sơ thẩm số 03/2008/KDTM-ST.
Ngày 27/3/2008, CIRI kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Ngày 19/5/2008, TAND TP Hà Nội có quyết định số 10/2008/QĐ-PT: Đình chỉ xét xử phúc thẩm; Bản án sơ thẩm số 03/2008/KDTM-ST ngày 18/3/2008 có hiệu lực kể từ ngày 19/5/2008.
Ngày 29/12/2008, Chánh án TANDTC ký quyết định số 13/KDTM-KN-KT, kháng nghị quyết định số 10/2008/QĐ-PT, đề nghị Tòa kinh tế TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm.
Ngày 22/4/2009, Tòa kinh tế TANDTC ra quyết định giám đốc thẩm số 10/2009/KDTM-GĐT, chấp nhận kháng nghị số 13/KDTM-KN-KT, hủy QĐ 10/KDTM-PT, giao hồ sơ cho TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm lại.
Ngày 16/6/2009, Viện trưởng VKSNDTC ký quyết định số 18/QD-KNGĐT-V12 kháng nghị QĐ 10/KDTM-GĐT, đề nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC xét xử theo hướng hủy QĐ 10/KDTM-GĐT, giữ nguyên QĐ 10/KDTM-PT của TAND TP Hà Nội.
Ngày 18/12/2009, Hội đồng thẩm phán TANDTC ra quyết định giám đốc thẩm số 14/2009/KDTM-GĐT, xác định Hợp đồng 458 có nội dung trái pháp luật nên bị bô hiệu toàn bộ ngay từ khi giao kết. Quyết định: Không chấp nhận kháng nghị của VKSNDTC, giữ nguyên QĐ 10/KDTM-GĐT của Tòa kinh tế TANDTC.
Ngày 11/3/2010, TAND TP Hà Nội ra bản án số 04/2010/KDTM-PT: Hủy bản án số 03?KDTM-ST của TAND quận Đống Đa, giữ hồ sơ để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.
Ngày 28/1/2011, TAND TP Hà Nội ra bản án số 12/2011/KDTM-ST: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Vạn Niên; Chấp nhận phản tố của CIRI; Tuyên bố hợp đồng cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất đất 458 vô hiệu.
|
Kháng nghị không có cơ sở
Có thể nói, đây là lần thứ hai VKSNDTC có kháng nghị về vụ việc này. Dù là lần thứ hai kháng nghị nhưng rất tiếc nội dung kháng nghị trùng lặp với nội dung kháng nghị số 18/QĐ-KNGĐT-V12 (kháng nghị lần 1), ngày 16/6/2009 của VKSNDTC, cho rằng Hợp đồng cam kết số 458 được ký kết giữa CIRI và Vạn Niên không bị vô hiệu. Điều đáng nói, Quyết định giám đốc thẩm số 14/2009/KDTM-GĐT ngày 18/12/2009, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã bác kháng nghị lần 1 của VKSNDTC. Trong suốt quá trình xét xử, Toà án các cấp đã xem xét toàn diện, khách quan, đầy đủ, kỹ lưỡng các tài liệu, chứng cứ và các tình tiết của vụ án; các đương sự cũng trình bày tất cả mọi vấn đề có liên quan đến vụ án và Tòa án các cấp đã giải quyết một cách toàn diện, triệt để, đúng pháp luật. Từ những phân tích cho thấy, kháng nghị của VKSNDTC không hề nêu được tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định mà Toà án, các đương sự không biết được trong quá trình tố tụng và xét xử, không đảm bảo tính chất của kháng nghị tái thẩm, không thoả mãn Điều 351 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Thêm nữa, không hiểu vì sao mà nội dung cơ bản xuyên suốt qua 2 lần kháng nghị của VKSNDTC đó là Hợp đồng cam kết số 458/HĐCNQSDĐ không vô hiệu, mặc dù tại Quyết định giám đốc thẩm số 14/2009/KDTM-GĐT ngày 18/12/2009, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã nhận định hợp đồng cam kết số 458/HĐCNQSDĐ “vô hiệu ngay từ khi giao kết. Toà án các cấp phải xem xét giải quyết đối với hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự thì mới đảm bảo đúng quy định của pháp luật”.
Hơn nữa, kháng nghị số 09/QĐKNTT-VKS-KDTM căn cứ khoản 3, Điều 352 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì trước khi áp dụng điều luật này, cần có điều kiện bắt buộc đó là: Phải có Bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật xác định người đã tiến hành tố tụng (Thẩm phán, Hội đồng xét xử) đó phạm tội ra bản án trái pháp luật hoặc tội ra quyết định trái pháp luật hoặc tội làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý nhận định, kết luận về vụ án trái pháp luật.
Tuy nhiên, đối chiếu theo khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 18/9/2012 của TANDTC thì Thẩm phán xét xử vụ án này không bị Bản án, quyết định hình sự của Tòa án xác định là phạm tội ra bản án trái pháp luật hoặc tội ra quyết định trái pháp luật hoặc tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, nên không có cơ sở để xác định Thẩm phán “cố ý” kết luận trái pháp luật trong Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên. Do đó, kháng nghị lần 2 của VKSNDTC cho rằng Thẩm phán kết luật trái pháp luật để kháng nghị tái thẩm là không có cơ sở, và đây không phải là căn cứ để kháng nghị tái thẩm.
Bên cạnh đó, kháng nghị số 09/QĐKNTT-VKS-KDTM trích dẫn khoản 3 Điều 352 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nhưng nội dung cố tình trích dẫn thiếu hai từ “cố ý” làm sai lệch nội dung cơ bản của điều khoản nên đây không phải là căn cứ để kháng nghị tái thẩm.
Việc tái thẩm, xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án. Bản án phúc thẩm 253 đã có hiệu lực gần 10 năm, trong khi các đương sự, cơ quan có thẩm quyền đã thực thi theo đúng quy định pháp luật, vậy mà ngày 12/8/2021, VKSNDTC lại ra quyết định kháng nghị tái thẩm số 09 khiến dư luận không khỏi nghi ngại, bất ngờ. Đáng nói, nội dung kháng nghị số 09 không có những tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án, có những nội dung trùng lặp với kháng nghị số 18 đã từng bị Hội đồng Thẩm phán TANDTC bác.
Kháng nghị này không chỉ gây bất ngờ, bức xúc cho doanh nghiệp, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, mà còn gây mất lòng tin của doanh nghiệp đối với pháp luật và việc thực thi pháp luật./.