Vụ nghệ sĩ làm từ thiện: Không cần đơn tố cáo, cơ quan điều tra có thể vào cuộc

'Không nhất thiết phải có đơn tố cáo hoặc tố giác tội phạm thì cơ quan điều tra mới vào cuộc xác minh. Cơ quan điều tra có thể nắm bắt dư luận về sự việc, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cần vào cuộc điều tra, làm rõ…', là quan điểm của Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội về việc các nghệ sĩ làm từ thiện.

 

 

 Ông nghĩ gì về việc các nghệ sĩ tham gia từ thiện và sự minh bạch khi tham gia từ thiện?

Hoạt động từ thiện của cá nhân các nghệ sĩ luôn là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc. Đây là một điều đáng được khuyến khích, hoan nghênh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vấn đề minh bạch trong hoạt động từ thiện của các nghệ sĩ được dư luận quan tâm nhiều. Sự việc ngày càng nóng lên khi hoạt động từ thiện này bị dư luận hoài nghi về tính minh bạch. Do đó, việc đòi hỏi sự minh bạch trong hoạt động từ thiện là chính đáng và cần thiết, nhằm bảo đảm sự phát triển đúng hướng, đồng thời cũng là điều kiện tiên quyết để các hoạt động tương thân tương ái thật sự phát huy hiệu quả. Bởi thực tế, vẫn còn tình trạng một số người cố tình lợi dụng hoạt động quyên góp từ thiện chỉ nhằm trục lợi, đánh bóng tên tuổi hoặc phục vụ cho mục đích, động cơ thiếu trong sáng, hoạt động tùy hứng, ….

Việc không sao kê của một số nghệ sĩ đã gây nhiều tranh cãi  về tính minh bạch, ông nhận định thế nào về vấn đề này?

Theo quy định tại tại Điều 5 Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/05/2008 của Chính phủ thì cá nhân không được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng hóa cứu trợ. Vì vậy, pháp luật Việt Nam cũng không có quy định cụ thể về việc bắt buộc các nhà hảo tâm, các nghệ sĩ, doanh nhân hoạt động từ thiện phải sao kê tài khoản Ngân hàng để đảm bảo tính minh bạch.

Song, việc không sao kê tài khoản của một số nghệ sĩ như vợ chồng Thủy Tiên và Đàm Vĩnh Hưng đã gây nhiều tranh cãi về tính minh bạch trong dư luận xã hội. Bởi vậy, để làm sáng tỏ sự nghi ngờ của dư luận thì việc công khai minh bạch thông tin sao kê tài khoản ngân hàng là yếu tố khách quan, khẳng định sự trong sạch về danh dự, uy tín của người nghệ sĩ. Các nghệ sĩ, thay vì tranh cãi, lời qua tiếng lại trên mạng xã hội hay tuyên bố kiện người nọ, tố cáo người kia thì có lẽ, cần giải trình các khoản chi tiêu một cách có trách nhiệm, công khai, minh bạch. Vì suy cho cùng, người nghệ sĩ làm thiện nguyện dù có cái tình lớn đến đâu thì vẫn cần cái lý để làm điểm tựa trước yêu cầu không phải không có lý của dư luận xã hội.

Trước sức ép của dư luận, các nghệ sĩ như: Hoài Linh, Trấn Thành, Thủy Tiên - Công Vinh đã lần lượt công bố những bản sao kê từ ngân hàng về các khoản tiền kêu gọi từ thiện. Tuy nhiên, động thái đó vẫn chưa đủ thuyết phục dư luận về tính minh bạch của hoạt động từ thiện. Bởi việc sao kê chỉ có thể chứng minh thời điểm tiền về tài khoản là bao nhiêu, thời điểm rút bao nhiêu và tài khoản đó có số dư như thế nào. Nó không có tác dụng chứng minh, xác thực số tiền đã rút được sử dụng để làm gì. Do đó, việc sao kê tài khoản không làm rõ được tính minh bạch mà phải thông qua Cơ quan kiểm toán để kiểm kê minh bạch số tiền từ thiện một cách khách quan và bảo mật được thông tin cá nhân.

Theo ông, cơ quan điều tra có nên vào cuộc làm rõ vụ nghệ sĩ tham gia từ thiện hay không, căn cứ vào điều luật nào?

Theo Khoản 5 Điều 2 Nghị định 64/2008/NĐ-CP, ngày 14/5/2008 của Chính phủ quy định thì: “Việc sử dụng tiền, hàng ủng hộ theo đúng mục đích huy động để khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng; giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; nghiêm cấm sử dụng sai mục đích dưới bất kỳ hình thức nào. Do đó, việc vận động, tiếp nhận phân bổ sử dụng tiền, hàng, phải được thực hiện kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng, minh bạch, công khai. Pháp luật nghiêm cấm hoạt động cứu trợ, thiện nguyện để vụ lợi; nghiêm cấm việc gian lận, báo cáo sai sự thật để chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng của tổ chức, cá nhân quyên góp, lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi.

Anh minh họa: Nguồn: Báo Giao Thông

Cơ quan cảnh sát điều tra có thể nắm bắt dư luận về sự việc, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cần vào cuộc điều tra, làm rõ. Về nguyên tắc, thông tin dư luận cũng là một nguồn tin tố giác tội phạm. Bởi, theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự 2015: “Nguồn tin về tội phạm gồm tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lời khai của người phạm tội tự thú và thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện”. Quy định này cho thấy phạm vi nguồn tin về tội phạm được xác định khá rộng, nhằm tăng khả năng phát hiện và xử lý tội phạm tới mức tối đa tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm.

Như vậy, không nhất thiết phải có đơn tố cáo hoặc tố giác tội phạm thì cơ quan điều tra mới vào cuộc xác minh. Khi có dấu hiệu về việc chiếm đoạt tài sản, tiền, hàng từ hoạt động quyên góp, ủng hộ, thì cơ quan chức năng xem xét xử lý với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 và 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nếu cơ quan điều tra phát hiện có sự “biển thủ” tiền từ thiện thì các nghệ sĩ sẽ đối mặt với những hình phạt gì, mức phạt như thế nào?

Nếu trong quá trình điều tra, phát hiện các nghệ sĩ có sự “biển thủ” tiền từ thiện thì các nghệ sĩ sẽ bị xử phạt tiền từ 1.000.000 - 5.000.000 đồng theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính phủ và tịch thu số tiền đã quyên góp được; Hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 với mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; Hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 -100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, tùy theo tính chất mức độ thực hiện hành vi phạm tội.

Để tạo được sự minh bạch trong việc làm từ thiện, pháp luật cần có những quy định gì, thưa ông?

Việc đứng ra kêu gọi tiền cứu trợ hoạt động từ thiện trong trường hợp với tư cách là cá nhân thì không phải là đối tượng điều chỉnh của Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/05/2008 của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu đã tham gia từ thiện thì vẫn phải có trách nhiệm đảm bảo tính khách quan, minh bạch khi sử dụng các nguồn tiền từ thiện.

Việc các cá nhân nghệ sĩ là những người nổi tiếng, có ảnh hưởng trong xã hội tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện là rất đáng trân trọng. Với ảnh hưởng của mình thông qua việc làm nhân văn, ý nghĩa, họ có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng. Vì vậy, chủ động minh bạch chính là cách để các nghệ sĩ thể hiện trách nhiệm và nhân cách của mình.

Để giúp cho việc minh bạch, tạo hành lang pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động từ thiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã soạn Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, bao gồm Quy tắc trong công tác xã hội, trong đó yêu cầu nghệ sĩ có trách nhiệm: “Công khai, minh bạch thông tin trong các hoạt động xã hội, tích cực đóng góp cho cộng đồng và tạo ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân; phát huy uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hóa trong xã hội đến cộng đồng”. Đây là những yêu cầu đúng đắn và cần thiết của ngành chức năng trong bối cảnh hiện nay.

Như vậy, để tránh những sự cố đáng tiếc liên quan đến hoạt động từ thiện của các nghệ sĩ thì việc thực hiện quyên góp và nhận tiền ủng hộ từ thiện cần thực hiện một cách chuyên nghiệp trên cơ sở pháp luật. Những hành vi lợi dụng, trục lợi từ thiện khi bị phát hiện cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Như thế, mới đáp ứng được nguyện vọng, tạo niềm tin cho người dân, đồng thời bảo vệ quyền lợi, uy tín, hình ảnh của nghệ sĩ.

Xin cảm ơn ông!

Ánh Phương (thực hiện)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận