“Bóp méo và trục lợi” chính sách nhà ở công nhân tại KCN Thăng Long (Đông Anh, TP Hà Nội):
Bài 1: Biến nhà ở công nhân thành “trung tâm đào tạo”
UBND TP Hà Nội đi ngược lại “tôn chỉ” của dự án?
Như Báo TNVN đã đề cập, Khu nhà ở phục vụ công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội là dự án được UBND thành phố thí điểm đầu tư xây dựng với kỳ vọng trở thành “khu đô thị kiểu mẫu” dành cho công nhân, sau khi cả hai giai đoạn đi vào hoạt động, khu nhà ở công nhân sẽ là “nơi ăn, chốn ở” cho gần 12.000 công nhân hiện đang làm việc tại KCN Thăng Long
Theo tìm hiểu của PV, năm 2007, giai đoạn 1 hoàn thành đưa vào sử dụng 24 tòa nhà đơn nguyên 5 tầng chỉ dành riêng cho công nhân chưa lập gia đình. Sau một thời gian đi vào hoạt động có nhiều “bất cập” mà chủ yếu là công năng sử dụng và nội quy về giờ giấc chưa phù hợp nên nhiều công nhân không chọn thuê tại đây khiến phòng bị để trống. Có thời điểm phòng trống lên đến 316 phòng.
Tòa nhà đơn nguyên 5 tầng ban đầu dành cho công nhân độc thân, sau đó được mở rộng đối tượng cho thuê nhà là công nhân đã có gia đình. Ảnh PV
Đến năm 2015, giai đoạn 2 hoàn thành và đưa vào sử dụng 04 tòa nhà đơn nguyên 15 tầng, trong đó tòa CT1 A và CT1B dành cho các hộ gia đình công nhân thuê, tòa CT2, CT3 dành cho công nhân chưa lập gia đình thuê. Cho đến thời điểm hiện tại, các tòa CT1A, CT1B, CT3 hoạt động có hiệu quả , tòa nhà CT2 đi vào sử dụng nhiều năm nhưng không có công nhân đến thuê, vì vậy UBND TP Hà Nội sử dụng làm khu cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19.
Văn bản 913 của TP Hà Nội mở rộng đối tượng cho thuê không phải là công nhân khiến hàng nghìn công nhân khó tiếp cận "quyền lợi" của mình.
Trước thực trạng khu nhà ở cho công nhân hoạt động không hiệu quả, thay vì đi tìm ngọn ngành nguyên nhân vì sao công nhân lại không “mặn mà” đến thuê nhà ở để có điều chỉnh phù hợp cho công nhân thì các cơ quan chức năng như: UBND TP Hà Nội; Sở Xây dựng; Công ty TNHHMTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội; Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đi đến quyết định mở rộng đối tượng cho thuê với mục đích lấp sao cho đầy phòng đang bị trống, thể hiện tại văn bản số 913/TB - UBND về việc thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND Thành phố tại cuộc họp về công tác quản lý, vận hành sử dụng các diện tích tại khu nhà ở công nhân. Văn bản thể hiện nội dung chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chung, thời điểm đó là Chủ tịch UBND TP Hà Nội: “Chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng về việc mở rộng đối tượng thuê nhà ở công nhân, trong đó cần ưu tiên dành cho công nhân làm việc tại KCN Thăng Long, và các KCN lân cận trên địa bàn TP Hà Nội, sau đó mở rộng thêm các đối tượng là học viên học nghề thuê để ở thực hiện việc đào tạo và cung ứng lao động có tay nghề cao cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng ý cho phép gia hạn hợp đồng thuê với các doanh nghiệp hoạt động trong mục đích nêu trên”.
Những quy định “làm khó” công nhân tiếp cận nhà ở
Thực hiện văn bản số 913, Sở Xây dựng, Công ty TNHHMTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã ban hành các văn bản hướng dẫn các đối tượng thuê nhà ở tại khu nhà ở công nhân. Cụ thể: Sở Xây dựng đã có văn bản số 10469/SXD - QLN gửi Công ty TNHHMTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội về việc hướng dẫn quy trình, thủ tục thực hiện ký hợp đồng thuê nhà ở công nhân. Nội dung văn bản có yêu cầu, Công ty TNHHMTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra rà soát, phân loại, tổng hợp báo cáo Sở Xây dựng để kiểm tra, xét duyệt hồ sơ theo quy định tại khoản 2 điều 14; điều 16 của Thông tư số 19/2016/TT - BXD.
Trên cơ sở đó, Công ty TNHHMTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội có văn bản số 3559/TB - QLPTNXH - TĐC về việc hướng dẫn, quy trình, thủ tục thực hiện ký hợp đồng cho thuê nhà đối với cá nhân và hộ gia đình. Trong đó, mục 2, 3 khoản I có nội dung như sau: Giấy tờ chứng minh về điều kiện cư trú và tham gia bảo hiểm xã hội căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 4, Thông tư 19/2016/TT - BXD: Trường hợp có đăng ký hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua thì phải có bản sao có chứng thực hộ khẩu thường trú hoặc giấy đăng ký hộ khẩu tập thể tại địa phương đó; Trường hợp không có hộ khẩu thường trú theo quy định tại Điểm a Khoản này thì phải có các giấy tờ sau: Bản sao có chứng thực giấy đăng ký tạm trú thời gian từ 01 năm trở lên; Hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 năm trở lên tính đến thời điểm nộp đơn kèm theo giấy xác nhận của cơ quan bảo hiểm (hoặc giấy tờ chứng minh)…
Có thể thấy việc áp dụng các quy định nêu trên đồng nghĩa với việc “cửa đóng, then cài” với hàng loạt công nhân mới đi làm tại KCN Thăng Long, bất chấp việc văn bản số 913 có nêu “cần ưu tiên dành cho công nhân”.
Dư luận đang đặt câu hỏi, văn bản 913 đang hợp thức hóa cho sai phạm? "ưu ái" cho doanh nghiệp được hưởng "quyền lợi" của công nhân?. Ảnh PV
Trong khi đó, đối với các đối tượng mở rộng, hơn 10 năm nay, các tòa nhà đơn nguyên 5 tầng như: C1, C2, C3, D3, D4, D5 đáp ứng hơn hai nghìn chỗ ở cho công nhân đã bị Xí nghiệp Quản lý nhà ở xã hội thuộc Công ty TNHHMTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội ký hợp đồng cho thuê với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động như: Hoàng Long (JHL Ggruop); Công ty Cổ phần Mirai international; Công ty CP phát triển Quốc tế Nhật Việt; Công ty CP phát triển nhân lực thương mại và dịch vụ TVC. Các công ty này đã “biến” nhà ở cho công nhân thành trung tâm đào tạo tiếng, nghề, nơi lưu trú cho học viên.
Cần phải nhắc lại, Công ty TNHHMTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã ký hợp đồng cho các doanh nghiệp thuê trước thời điểm văn bản 913 ngót nghét 10 năm. Điều này khiến dư luận cho rằng, Công ty TNHHMTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội “tiền trảm hậu tấu” và văn bản 913 để “hợp thức hóa cho sai phạm” và đang “ưu ái” cho doanh nghiệp được “thụ hưởng mợi ưu đãi” lẽ ra phải dành cho công nhân?
Có “lợi ích nhóm”…?
Việc UBND TP Hà Nội quyết định mở rộng đối tượng cho thuê khiến cơ hội “an cư” của công nhân đã hẹp nay “càng thêm hẹp”. Điều này còn cho thấy, Dự án Khu nhà ở phục vụ công nhân xã Kim Chung đưa vào sử dụng không hiệu quả. Hay nói cách khác, Dự án khu nhà ở công nhân thí điểm đầu tiên của cả nước đã không tiếp cận được đúng đối tượng cần được hỗ trợ, thụ hưởng là công nhân. Thậm chí, đối tượng được thụ hưởng trái với “tôn chỉ” ban đầu khi thực hiện dự án. Đó là chưa nói đến việc phá vỡ công năng sử dụng của các tòa nhà: Từ nhà ở biến thành “các trung tâm đào tạo”.
Được biết, Dự án này được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách của TP Hà Nội, việc các cơ quan chức năng cho các doanh nghiệp thuê có đúng với quy định? Và giá cho các doanh nghiệp thuê được áp dụng theo khung giá quy định nào? Có gây thất thoát tài sản của nhà nước?
Làm rõ câu chuyện này, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hồng Giang, Trưởng phòng Quản lý nhà, Xí nghiệp Nhà ở xã hội. Ông Giang cho biết, các doanh nghiệp thuê được áp dụng theo giá đã được phê duyệt cho công nhân thuê. Mức giá thuê được tính theo từng thời điểm như: 90.000/ người/ tháng; 100.000/ người/ tháng và hiện nay đang tính là 120.000 đồng/người/ tháng.
“Hoàng Long Group thuê nguyên tòa nhà C1; C2; C3; D5 chúng tôi tính tổng số lượng người ở của các tòa nhà này nhân với 120.000 đồng là ra tổng số tiền doanh nghiệp phải trả” - ông Giang lý giải.
Bị "đánh tráo" quyền lợi, hàng nghìn công nhân phải sống tạm bợ nơi xóm trọ tư nhân, chi phí gấp nhiều lần so với ở trong khu nhà ở dành cho công nhân. Ảnh PV
Hơn 2.000 suất ở đó giao cho các doanh nghiệp đồng nghĩa với việc hơn 2.000 công nhân phải thuê trọ tư nhân giá thuê cao gấp nhiều lần so với thuê khu nhà ở công nhân. Theo khảo sát của PV, phòng trọ không khép kín có diện tích 10m2 giá thuê 500.000 - 600.000 đồng/tháng; Phòng trọ khép kín diện tích từ 15m2 giá 1,4 triệu/tháng; phòng 20m2 giá 1,8 triệu - 2 triệu đồng/tháng; Tiền điện tính theo giá điện kinh doanh là 3,000 đồng/số; tiền nước sinh hoạt 25.000 đồng/số.
Thực tế cho thấy hoài nghi của dư luận về việc “có lợi ích nhóm” trong việc sử dụng toà nhà là có cơ sở. Dư luận bức xúc bởi quyền lợi của công nhân đang bị “hoán đổi”?