Vào những ngày cuối năm, nạn buôn lậu, gian lận thương mại tại Đà Nẵng diễn biến phức tạp và tinh vi hơn. Sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, hoạt động thương mại dần hồi phục, thị trường sôi động hơn cũng là điều kiện để các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại hoạt động mạnh hơn. Đã có hàng trăm vụ buôn bán hàng lậu, gian lận thương mại được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nghiêm.
Thượng Tá Trần Văn Thọ, Phó trưởng Công an quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phát hiện, xử lý 45 vụ vi phạm trong lĩnh vực kinh tế và môi trường, xử phạt hành chính gần 500 triệu đồng, tịch thu tang vật trị giá hơn 3 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là các vụ kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; giả mạo nhãn mác, bao bì...
“Những hành vi buôn lậu, gian lận thương mại càng ngày càng tinh vi. Trong đó, các hóa đơn điện tử đã gây ra không ít khó khăn cho cơ quan chức năng. Khi bắt lô hàng không có hóa đơn, nhưng chỉ 5 phút sau các đối tượng điện ra ngoài, yêu cầu xuất hóa đơn điện tử là lô hàng lại được hợp thức. Đối tượng chủ yếu lợi dụng các công ty chuyển phát nhanh, công ty bưu chính. Éo le ở chỗ, muốn kiểm tra hàng hóa những công ty bưu chính đó rất khó vì nhiều quy định ngặt nghèo” - Phó trưởng Công an quận Thanh Khê chia sẻ.
Vùng biển Đà Nẵng cũng là nơi được đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại tuồn hàng lậu từ nước ngoài về. Năm nay, Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng đã điều tra, xử lý 113 vụ buôn bán trái phép chất ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại.
Điển hình là vụ phát hiện 9 container lợi dụng “luồng xanh” trong thời gian giãn cách để chở hàng hóa không rõ nguồn gốc trị giá hơn 50 tỷ đồng, hay vụ buôn lậu hơn 3000 lít dầu DO. Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng phối hợp với Cục Hải quan Đà Nẵng phát hiện vụ nhập khẩu trái phép 1 container chứa hơn 3 tấn xương sư tử và gần 140 kg sừng tê giác.
Đại tá Nguyễn Viết Cử, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và Tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng cho biết: “Với địa bàn thành phố Đà Nẵng có Cửa khẩu cảng, chúng tôi dự báo việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt hàng hóa qua cửa khẩu cảng bằng đường container và đấu tranh, tội phạm lợi dụng chính sách về hệ thống phân luồng để các đối tượng khai sai về chủng loại, số lượng là hai vấn đề lớn. Trên biển, Bộ đội Biên phòng thành phố cũng đã xác định buôn bán xăng dầu là mục tiêu đơn vị mà cần triển khai”.
Sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, thành phố Đà Nẵng thực hiện các biện pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhanh chóng khôi phục kinh tế. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục kinh tế, nhất là dịp cuối năm, Cục Hải quan Đà Nẵng hạn chế kiểm tra, tạo điều kiện doanh nghiệp xuất và nhập khẩu thuận lợi. Lợi dụng chính sách này, các đối tượng buôn lậu thực hiện nhiều thủ đoạn tinh vi, gian lận thương mại.
“Hiện nay chúng tôi đánh giá địa bàn nào cũng đáng quan tâm để thực hiện biện pháp chống buôn lậu, bảo vệ sản xuất kinh doanh trong nước. Với tình hình thực tế hiện nay, lượng hàng hóa qua cửa khẩu cảng Đà Nẵng rất lớn, nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại cũng gia tăng" - ông Trần Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng cho biết./.
Thành Long/VOV - Miền Trung