Sâm Ngọc Linh là dược liệu đặc hữu rất quý của tỉnh Kon Tum với giá trị dược lý và kinh tế rất cao. Mỗi năm cũng có thêm nhiều doanh nghiệp công bố đầu tư sản xuất sâm Ngọc Linh và xuất bán các sản phẩm có thành phần là dược liệu quý hiếm này.
Khai trương rầm rộ và công bố diện tích sâm Ngọc Linh... trên giấy?!
Cuối tháng 11/2021 tại số 740 đường Phạm Văn Đồng, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, Công ty Cổ phần Đầu tư sâm Việt Nam rầm rộ tổ chức Lễ khai trương trụ sở Sâm Việt Nam với khách mời cấp bộ và tỉnh.
Ngay tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư sâm Việt Nam khẳng định sẽ phấn đấu đưa sâm Ngọc Linh ra thế giới. Doanh nghiệp cũng có sự đầu tư và chuẩn bị chu đáo để có được 10ha sâm Ngọc Linh gốc, ở xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông) và xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei).
Tuyên bố của bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư sâm Việt Nam và Thông cáo báo chí của công ty này về việc sở hữu vườn sâm Ngọc Linh gốc 10ha, trong đó có 8ha ở xã Ngọc Lây và 2ha ở xã Mường Hoong đã gây ngạc nhiên cho chính quyền 2 xã.
Lãnh đạo UBND xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei khẳng định: Doanh nghiệp vừa nêu không có diện tích sâm nào tại địa phương. Còn ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây cho biết, chính quyền xã quản lý rất chặt việc bảo tồn nguồn giống sâm gốc Ngọc Linh cũng như thương hiệu sâm Ngọc Linh. Ông chưa từng nghe thấy tên Công ty Cổ phần Đầu tư sâm Việt Nam nên càng không có chuyện công ty này có 8ha sâm Ngọc Linh trồng trên đất thuộc địa bàn xã.
Mở rộng thông tin trên toàn địa bàn Tu Mơ Rông, địa chỉ lớn về sâm Ngọc Linh - Kon Tum, chính quyền địa phương cũng bác bỏ khả năng có doanh nghiệp trồng nhiều ha tại địa bàn mà chính quyền không biết.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Quy trình thống nhất cho chủ trương để trồng sâm trên địa bàn thì huyện giới thiệu, sở nông nghiệp là cơ quan tham mưu để tỉnh ra quyết định. Hiện nay trên địa bàn huyện theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum chỉ có 5 đơn vị được tỉnh giới thiệu để trồng sâm, liên kết trồng sâm. Huyện chưa giới thiệu cho doanh nghiệp này trồng sâm trên địa bàn”.
Trước khi công bố 10ha sâm Ngọc Linh ảo được "trồng" trên giấy vào ngày khai trương Trụ sở sâm Việt Nam cuối tháng 11/2021, vào tháng 4/2021 Công ty Cổ phần Đầu tư sâm Việt Nam cũng đã có đơn gửi Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ với số lượng lên tới 500.000 cây.
Trước thông tin sở hữu vườn nguyên liệu sâm quý tại tỉnh của Công ty Cổ phần Đầu tư sâm Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: “Tỉnh vừa rồi đã tổ chức một đoàn đi kiểm tra. Thực ra là họ cũng mua đi bán lại thôi”.
Cần làm rõ việc trồng "sâm ảo" trên giấy và ngăn chặn trục lợi thương hiệu sâm Ngọc Linh
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum, đến cuối tháng 5/2021 có 1.165 hộ gia đình, 30 nhóm hộ và 5 doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh. Đến tháng 12/2021 đã có thêm 3 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này và đều tuyên bố có sở hữu vườn sâm Ngọc Linh.
Riêng với Công ty Cổ phần Đầu tư sâm Việt Nam, sáng ngày 4/1/2022, Công an xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông đã mời các hộ dân có tên trong hợp đồng trồng và chăm sóc sâm Ngọc Linh với công ty này lên làm việc.
Ông A Groi, nhà ở làng Lộc Bông, một người có tên trong hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư sâm Việt Nam khẳng định, năm ngoái có bán 50 cây sâm Ngọc Linh với giá 100 triệu đồng cho người của doanh nghiệp. Do người mua bảo phải ký tên vào thì ký chứ cũng không xem nội dung tờ giấy viết gì.
Về thông tin ông Nguyễn Tuấn Vũ, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư sâm Việt Nam tuyên bố trên báo chí vào tháng 7/2019, Công ty Cổ phần dược liệu Núi Ngọk (tiền thân của Công ty Cổ phần Đầu tư sâm Việt Nam) có hợp đồng hợp tác đầu tư trồng cây dược liệu với Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông - Kon Tum trên diện tích 3ha, tại làng Moza, xã Ngọc Lây thời hạn 20 năm.
Trước khẳng định của ông Vũ việc hợp tác đầu tư hiện vẫn diễn ra bình thường, bà Nguyễn Thị Duyên, Giám đốc Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông- Kon Tum khẳng định: Hợp đồng là có thật nhưng công ty này đã bỏ hoang đất đai từ năm 2019 đến nay và công ty của bà đã lấy lại đất chứ: “Không thể để đất hoang hóa để cỏ mọc được”.
Trong một diễn biến khác, trên thị trường hiện đã xuất hiện nhiều sản phẩm gắn mác sâm Ngọc Linh, được sản xuất ở TP Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Đà Nẵng.... Có một điểm giống nhau giữa các sản phẩm này là được bán với giá rất cao, nhưng không có thông tin hoặc thông tin rất mập mờ về hàm lượng sâm Ngọc Linh trong mỗi sản phẩm.
Trong khi đó 3 công ty, gồm: Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum, Công ty Cổ phần VINGIN, Công ty TNHH Một thành viên viên lâm nghiệp Đăk Tô sở hữu phần lớn vườn sâm trong tổng diện tích gần 1.160 héc ta của tỉnh Kon Tum đến thời điểm này khẳng định, chưa bao giờ bán cây giống cũng như nguyên liệu cho doanh nghiệp khác để trồng, chế biến sâm Ngọc Linh.
Vụ thổi giá kít test COVID-19 của Công ty Việt Á hoàn toàn không liên quan gì đến cây Quốc bảo sâm Ngọc Linh. Thế nhưng diễn biến 2 sự việc lại có điểm chung rất giống nhau, đó là cố tình thổi phồng năng lực, tùy tiện tô hồng, đánh bóng thông tin về sản phẩm và bán với giá trên trời.
Nếu tỉnh Kon Tum không có động thái quyết liệt, ngăn chặn những doanh nghiệp đầu tư theo kiểu “trồng sâm ảo trên giấy” cốt chỉ để bán sản phẩm với giá cao thì không biết đến bao giờ người tiêu dùng mới được sử dụng sản phẩm sâm Ngọc Linh chất lượng tương ứng với số tiền bỏ ra; không biết đến khi nào tỉnh Kon Tum mới phát triển được sản phẩm sâm Ngọc Linh nói riêng, cây dược liệu nói chung thành ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực./.
Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên