Công an TP Hà Nội vừa đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo tuyển cộng tác viên bán hàng online. Theo cơ quan công an, nạn nhân mà các đối tượng nhắm đến là những người nhẹ dạ cả tin và những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm. Luật sư cảnh báo gì để người dân cần cảnh giác tránh bị lừa.
Trước thực trạng tội phạm lừa đảo tuyển cộng tác viên bán hàng online, Công an TP. Hà Nội đã đưa ra những cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo này. Chúng ta không khó để có thể bắt gặp những tin tức tuyển dụng cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội với mức chiết khấu hậu hĩnh. Vì vậy, mgười dân cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác khi tiếp nhận các thông tin tuyển dụng trên trang mạng xã hội, bởi có thể ẩn đằng sau đó là một kế hoạch lừa đảo có tổ chức.
Loại đối tượng này thực hiện hành vi phạm tội qua nhiều giai đoạn, hết sức công phu và thủ đoạn rất tinh vi. Trước hết, chúng lập các hội nhóm trên mạng xã hội, thành lập công ty, mạo danh các sàn thương mại điện tử uy tín và tiến hành “mua bán” bình thường trong vòng một vài ngày đầu nhằm tạo sự tin tưởng cho cộng tác viên. Sau đó, khi các “cộng tác viên” đã vào tròng thì lúc này mới thực hiện hành vi lừa đảo, đặt đơn hàng lớn, yêu cầu đặt cọc cho công ty số tiền lớn rồi chiếm đoạt.
Thủ đoạn lừa đảo này được nhân rộng ở các tỉnh, thành phố khác nhau thông qua mức độ lan truyền, phổ biến rộng rãi của mạng xã hội và nạn nhân mà các đối tượng nhắm đến là những người nhẹ dạ cả tin. Nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. Người dân cần phải cảnh giác cao độ khi gặp những trường hợp tuyển cộng tác viên bán hàng như vậy. Hãy tự đặt câu hỏi tại sao lại có mức chiết khấu cao đến như vậy? Và sao lại phải trả tiền mua hàng trước?
Luật sư có thể kể một số thủ đoạn lừa tuyển cộng tác viên bán hàng online điển hình gần đây?
Thủ đoạn của các đối tượng là mạo danh nhân viên của công ty thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… và đăng tải thông tin quảng cáo tìm công tác viên bán hàng online trên mạng xã hội. Sau đó các đối tượng yêu cầu cộng tác viên phải thanh toán đơn hàng trước cho công ty sau đó sẽ nhận lại được tiền gốc cộng thêm chiết khấu. “Mồi nhử” mà bọn chúng đưa ra rất hấp dẫn với mức hưởng chênh lệch 10-20%...
Cụ thể như trường hợp gần đây, Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa triệt phá đường dây lừa đảo tuyển cộng tác viên bán hàng online chiếm đoạt số tiền “khủng” do 2 đối tượng Lê Huy Nhật (28 tuổi, trú tại tỉnh Thanh Hóa) và Nguyễn Hữu Hiếu (28 tuổi, trú tại tỉnh Thái Bình) cầm đầu. Đường dây này có hàng trăm đối tượng tham gia, hoạt động theo phương thức lập các trang fanpage bán hàng mỹ phẩm rồi thuê người chạy quảng cáo, tăng lượt tương tác trên Facebook để tuyển cộng tác viên bán hàng.
Những kẻ lừa đảo này tung ra “mồi nhử” rất hấp dẫn với mức lương mỗi tháng 10-15 triệu đồng, công việc chỉ cần đăng bài viết và hình ảnh do công ty cung cấp. Nếu khách có nhu cầu mua sản phẩm của công ty thì cộng tác viên nhập hàng từ công ty về bán cho khách và hưởng tiền chênh lệch lớn. Các đối tượng trong đường dây lừa đảo đã lừa hàng nghìn người với số tiền chiếm đoạt lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Hay tại Hà Nội, Công an quận Đống Đa đã khởi tố các đối tượng Nguyễn Thành Đại, Đào Thị Thu Hà, Đào Tiến Anh, Nguyễn Kim Tuyền về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, Đại lập Fanpage bán hàng “Hanmi’s shop”, “Kiera shop” rồi đăng tải các bài viết bán hàng túi xách cao cấp, giá từ 8-12 triệu đồng. Đại tuyển cộng tác viên bán hàng và quảng cáo, nếu cộng tác viên nhập hàng về bán sẽ được chiết khấu 2 triệu đồng - 3 triệu đồng cho 1 sản phẩm. Đại giao túi xách giá rẻ từ 200 nghìn đồng -500 nghìn đồng để chuyển cho cộng tác viên. Với loại túi xách kém chất lượng này, cộng tác viên phải trả từ 6-10 triệu đồng. Khi gửi hàng cho cộng tác viên và lấy được tiền thì Đại sẽ cho các tài khoản Facebook đã đặt hàng chặn liên lạc với cộng tác viên.
Nhiều đối tượng cho rằng lừa đảo người khác số tiền dưới 2.000.000 đồng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hiểu như vậy có đúng không thưa luật sư?
Nhiều đối tượng cho rằng lừa đảo người khác số tiền dưới 2.000.000 đồng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do nhận thức hạn chế như vậy nên các đối tượng càng củng cố niềm tin để thực hiện nhiều hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền dưới 2.000.000 đồng đối với một nạn nhân.
Tuy nhiên theo Khoản 1 - Điều 174 - BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, hành vi được xác định là “ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội” hoặc “đã bị phạt hành chính mà còn vi phạm” thì dù lừa đảo người khác tài sản dưới 2.000.000 đồng thì vẫn bị xử lý hình sự. Cụ thể, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ. Như vậy, trong trường hợp nêu trên dù mỗi nạn nhân bị mất chưa đến 2.000.000 đồng thì vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự để xử lý các đối tượng này theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cũng theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự này thì đối tượng thực hiện hành vi nêu trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Với số tiền lớn đến hàng trăm tỷ đồng, cùng với các tình tiết định khung theo Điều 174 là “phạm tội có tổ chức”, “có tính chất chuyên nghiệp” và “dùng thủ đoạt xảo quyệt” thì các đối tượng này có thể phải chịu mức hình phạt từ 12 -20 năm tù hoặc tù chung thân.
Luật sư đánh giá gì về việc cần xử lý nghiêm các đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn trên, theo Luật sư cần có biện pháp gì để ngăn chặn loại tội phạm này?
Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, kinh tế đang khó khăn, hành vi của các đối tượng lừa đảo này là vi phạm quy định pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, gây mất an toàn an ninh và trật tự xã hội. Do đó, cần thiết phải có những biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội để đảm bảo an ninh và duy trì trật tự xã hội, loại bỏ tội phạm ra khỏi đời sống người dân. Thời gian qua, lực lượng công an nhân dân bằng những biện pháp nghiệp vụ, chuyên môn của mình đã truy bắt được số lượng lớn những đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng. Tuy nhiên, số đối tượng chưa bị phát hiện và xử lý vẫn còn lớn hơn như thế vẫn đang hoạt động. Do đó, cần có sự chỉ đạo quyết liệt và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng và người dân để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản này.
Bên cạnh các biện pháp phối hợp truy vết tội phạm nêu trên, Nhà nước cũng nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về loại tội phạm này để răn đe cũng như ngăn chặn những thành phần đang có ý định thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Các cơ quan truyền thông và cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục người dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa trước những thủ đoạn lừa đảo tinh vi, xảo quyệt của loại tội phạm này. Kết hợp nhiều biện pháp sẽ mang lại hiệu quả cao và ngăn chặn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Xin cảm ơn luật sư!
Ánh Phương( thực hiện)