Chuyện gì đang xảy ra tại dự án Cụm công nghiệp Hòa Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình? - Kỳ 2

Kỳ 2: Không đủ điều kiện, căn cứ pháp lý

 

Nội dung tờ trình bổ sung cụm công nghiệp Hòa Sơn vào quy hoạch của UBND huyện Lương Sơn có nhiều tình tiết lạ kỳ, bất thường, không đáp ứng điều kiện pháp lý mà Nghị định 68, ngày 25/5/2017 quy định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Không đủ điều kiện, căn cứ pháp lý và tình tiết ngạc nhiên

Trong số báo trước, Báo TNVN đã phản ánh sự bức xúc, thất vọng của người dân thôn Bùi Trám khi nói về dự án Cụm công nghiệp Hòa Sơn. Ngày 1/3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ký quyết định 423, về việc thành lập Cụm công nghiệp Hòa Sơn, trên diện tích 74,8ha thuộc hai thôn Bùi Trám và Tân Sơn do Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng công nghiệp Hòa Sơn (Cty Hòa Sơn) là chủ đầu tư.

Thế nhưng, đến giai đoạn quy hoạch chi tiết 1/500 thì dự án vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân thôn Bùi Trám. Theo người dân thôn Bùi Trám, việc thành lập mới Cụm công nghiệp Hòa Sơn có nhiều tình tiết ngạc nhiên, với nhiều điểm bất thường. Điểm bất thường đầu tiên là, chủ đầu tư hai cụm công nghiệp Vitaco và Hòa Sơn sau nhiều năm phơi sương, phơi nắng đã bất ngờ đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch cụm công nghiệp để quy hoạch khu đô thị tại vị trí trên. Cùng với việc đề xuất đưa hai cụm công nghiệp Vitaco và Hòa Sơn ra khỏi quy hoạch cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Lương Sơn, UBND huyện Lương Sơn đã đề xuất UBND tỉnh Hòa Bình bổ sung Cụm công nghiệp Hòa Sơn mới vào quy hoạch. Và ngày 19/3/2020, UBND tỉnh Hòa Bình đã có quyết định 539, về việc đưa Cụm công nghiệp Hòa Sơn và Vitaco ra khỏi quy hoạch mạng lưới cụm công nghiệp tỉnh Hòa Bình.

Người dân thôn Bùi Trám phản đối việc xây dựng Cụm công nghiệp Hòa Sơn.

Điểm bất thường tiếp theo, ngay trong Tờ trình số 116, ngày 9/9/2019, về việc bổ sung quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, do ông Nguyễn Văn Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn ký thì Cty Hòa Sơn được xác định là chủ đầu tư khi doanh nghiệp này ra đời chỉ vỏn vẹn 3 ngày, tức là vừa được thành lập ngày 6/9/2019.

Ngạc nhiên hơn nữa là ngày 3/9/2019, Huyện ủy Lương Sơn có Thông báo 931 về chủ trương đề nghị UBND tỉnh bổ sung Cụm công nghiệp Hòa Sơn tại thôn Bùi Trám và Tân Sơn, theo văn bản đề nghị xin chủ trương của chính Cty Hòa Sơn. Như vậy, Cty Hòa Sơn còn chưa “ra đời” thì Huyện ủy Lương Sơn đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình bổ sung quy hoạch Cụm công nghiệp Hòa Sơn?!.

Chưa hết, trong khi Điểm a, Khoản 1, Điều 7, Nghị định 68, ngày 25/5/2017 của Chính phủ quy định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, quy định: Điều kiện bổ sung cụm công nghiệp vào quy hoạch: Phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp tỉnh… thì nội dung Tờ trình 116 do ông Nguyễn Văn Danh ký đã che giấu việc không đủ điều kiện, căn cứ pháp lý để bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp.

Cụ thể, tại thời điểm ký tờ trình 116 ngày 9/9/2019, huyện Lương Sơn chưa có quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; chưa có quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất thôn Bùi Trám, Tân Sơn cho mục đích công nghiệp… Sự thật này đã được Sở TM-MT tỉnh Hòa Bình chỉ ra trong văn bản số 253/STNMT-QLDD, ngày 22/11/2019, với nội dung: “Dự án cụm công nghiệp chưa có tên danh mục trong: Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện Lương Sơn được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt tại Quyết định 521, ngày 18/3/2019; kế hoạch sử dụng đất của huyện Lương Sơn được tỉnh Hòa Bình phê duyệt tại Quyết định 1171. Theo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện Lương Sơn, vị trí khu đất được quy hoạch chủ yếu là đất thương mại, dịch vụ và đất trồng cây lâu năm, còn lại là đất ở nông thôn…”. Còn trong văn bản số 2570, ngày 22/11/2019, Sở GT-VT tỉnh Hòa Bình, khẳng định: “Đối chiếu đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/5000 thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được UBND tỉnh Hòa Bình tại quyết định 1763, ngày 14/9/2017 thì khu vực trên chưa được quy hoạch là đất khu, cụm công nghiệp…”.

Người dân không biết việc quy hoạch sử dụng đất

Những đóng góp ý kiến của các sở cho thấy, nội dung Tờ trình 116 của UBND huyện Lương Sơn là chưa đủ căn cứ pháp lý để bổ sung quy hoạch Cụm công nghiệp Hòa Sơn. Quyết tâm theo đuổi việc thành lập cụm công nghiệp được Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình cụ thể hóa qua việc đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh Hòa Bình có văn bản thỏa thuận với Bộ Công Thương về việc bổ sung quy hoạch Cụm công nghiệp Hòa Sơn vào quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 để làm cơ sở thành lập cụm công nghiệp theo quy định...

Chủ đầu tư liệu có đủ kinh nghiệm đầu tư cụm công nghiệp khi địa hình không bằng phẳng?

Sau khi được Bộ Công Thương thống nhất chủ trương bổ sung Cụm công nghiệp Hòa Sơn tại thôn Bùi Trám và thôn Tân Sơn vào quy hoạch, UBND tỉnh Hòa Bình có văn bản 1333, ngày 15/6/2020, về việc phê duyệt bổ sung cụm công nghiệp vào quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Căn cứ văn bản 1333 của UBND tỉnh Hòa Bình, ngày 15/10/2020 UBND huyện Lương Sơn có tờ trình 129 về việc thành lập Cụm công nghiệp Hòa Sơn.

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Báo cáo thẩm định số 250/BC-SCT, ngày 22/2/2021, ngày 1/3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ký quyết định 423 về việc thành lập Cụm công nghiệp Hòa Sơn.

Ông Ngô Quang Chung, Bí thư thôn Bùi Trám, cho biết: “Chúng tôi không biết, không hiểu quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan chức năng thay đổi từ khi nào. Chỉ đến khi lấy ý kiến người dân về quy hoạch 1/500 thì người dân mới biết là có Cụm công nghiệp Hòa Sơn. Vì thế, người dân rất bất ngờ và bức xúc…”. Bức xúc và lo lắng của người dân thôn Bùi Trám là hoàn toàn có cơ sở, bởi đất ở, đất ruộng, đất vườn… họ sinh sống 40 năm qua, đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bỗng bất ngờ được quy hoạch làm Cụm công nghiệp, trong khi Điểm b, Khoản 1, Điều 7, Nghị định 68 quy định: chỉ bổ sung quy hoạch phát triển cụm công nghiệp khi “Có quỹ đất công nghiệp đủ để thành lập cụm công nghiệp mới”.

Cần nhắc lại, Điểm a, Khoản 1, Điều 7, Nghị định 68 quy định rất rõ về điều kiện bổ sung cụm công nghiệp vào quy hoạch: Phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp tỉnh;… Điều này có nghĩa là, trước khi UBND huyện Lương Sơn có Tờ trình 129 và trước khi UBND tỉnh Hòa Bình có văn bản thỏa thuận với Bộ Công Thương việc bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp thì quy hoạch sử dụng đất cho mục đích công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… đã phải được các cơ quan chức năng phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, Điểm a, đ, Khoản 1, Điều 39, Luật Đất đai năm 2013, quy định, căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phải dựa vào quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia. Nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, của cấp tỉnh;…; Căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải dựa vào quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh… Về trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Điều 42, quy định: Chính phủ tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia. Bộ TN-MT chủ trì giúp Chính phủ trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia. UBND cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh… Khoản 2, Điều 43 có quy định: Việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh được thực hiện thông qua hình thức công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Bộ TN-MT, UBND cấp tỉnh; việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được thực hiện thông qua hình thức tổ chức hội nghị, lấy ý kiến trực tiếp và công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Thời gian lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là 30 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tổ chức lấy ý kiến.

Như trên đã phân tích, khu vực thôn Bùi Trám, Tân Sơn chưa có quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất cho mục đích công nghiệp nên không đủ căn cứ pháp lý bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp được quy định tại Nghị định 68; cán bộ thôn Bùi Trám và nhân dân đều khẳng định họ không hề biết việc thay đổi quy hoạch sử dụng đất.

UBND huyện Lương Sơn, UBND tỉnh Hòa Bình có căn cứ Luật Đất đai năm 2013 để quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, rồi công khai, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong thời gian 30 ngày hay không là những thông tin mà dư luận đang quan tâm?/.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận