Bài 4: Cơ quan chức năng yêu cầu trả nguyên trạng

  • 17/02/2022 00:29:22
  • Vân Hồng - Lê Hải
  • Pháp luật
  • 0

Sau khi Báo TNVN vào cuộc phản ánh loạt bài: ''Bóp méo và trục lợi' chính sách nhà ở công nhân tại KCN Thăng Long (Đông Anh, TP Hà Nội)', mới đây, cơ quan chức năng có liên quan đã có văn bản chỉ đạo xử lý dứt điểm sai phạm...

 

Bài 3: Công nhân mất 'quyền lợi', Nhà nước 'thất thu'

Yêu cầu trả nguyên hiện trạng

Ngày 30/11/2021, UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 13083/VP-ĐT gửi Sở Xây dựng; Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất Thành phố; UBND huyện Đông Anh. Tại văn bản này, Phó Chủ tịch UBND TP có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng nêu trên kiểm tra làm rõ, xem xét giải quyết nguyện vọng của công nhân KCN Thăng Long theo quy định.

Kế tiếp, ngày 10/12/2021, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội có văn bản số 683/LĐLĐ gửi Sở Xây dựng về việc cung cấp thông tin về các nội dung do Báo TNVN phản ánh.

Do đó, ngày 25/1/2021, Sở Xây dựng TP Hà Nội đã có văn bản số 703/SXD-QLN gửi Báo TNVN và Liên đoàn TP Hà Nội về việc trả lời kiến nghị giải quyết nội dung Báo TNVN và Liên đoàn TP Hà Nội phản ánh.

Văn bản số 703 khẳng định, việc các doanh nghiệp thuê nhà đã tự ý bố trí phòng ở thành phòng học, văn phòng là trái với quy định. Để giải quyết sai phạm trên, Sở Xây dựng đã báo cáo UBND TP Hà Nội giao Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội thực hiện các nội dung: Yêu cầu các đơn vị đã thuê nhà ở tại Khu nhà ở công nhân trả lại nguyên trạng các phòng đã bố trí sai công năng; Tăng cường kiểm tra giám sát việc sử dụng các tòa nhà đã được cho thuê theo đúng hợp đồng và quy định của pháp luật, trường hợp phát hiện sai phạm xử lý theo đúng quy định hiện hành; Kiểm tra, rà soát quỹ nhà trống để đề xuất tiếp tục cho thuê theo đúng đối tượng, tránh lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước.

Nhiều nội dung cần được sáng tỏ...

Trước đó, Báo TNVN đã vào cuộc phản ánh loạt bài: “Bóp méo và trục lợi” chính sách nhà ở công nhân tại KCN Thăng Long (Đông Anh, TP Hà Nội) với bài 1: “Biến nhà ở công nhân thành “trung tâm đào tạo”; Bài 2: “Lợi ích nhóm” trong việc mở rộng đối tượng thuê nhà?; Bài 3: Công nhân mất “quyền lợi”, nhà nước “thất thu”… trên các số báo 45; 46; 47 ra ngày 04/11/2021; 11/11/2021; 18/11/2021. Nội dung loạt bài phản ánh:

Thứ nhất: Dự án Khu nhà ở công nhân được xây dựng với mục tiêu đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp trên địa bàn xã Kim Chung nói riêng và TP Hà Nội nói chung. Tuy nhiên, theo phản ánh của các công nhân, Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội, đơn vị trực tiếp quản lý và vận hành Dự án đã “gây khó dễ” khi công nhân trực tiếp đến thuê nhà với lý do: “hết phòng”, và “ưu ái” cho một số đối tượng không phải là công nhân, dành nhiều tòa nhà cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, trụ sở không đóng trên địa bàn thuê dẫn đến tình trạng “khan hiếm” nhà ở công nhân kéo dài trong nhiều năm.

Về vấn đề này, Báo TNVN đã vào cuộc điều tra làm rõ, những phản ánh của độc giả là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, ngay tại thời điểm phóng viên tác nghiệp, nhiều tòa nhà của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng học viên học tiếng, học nghề để đi xuất khẩu lao động gần như không có. Toàn bộ số lượng phòng mà các doanh nghiệp này thuê nằm trong tình trạng “cửa đóng, then cài”. Trong khi đó, nhiều công nhân đang làm việc trong KCN Bắc Thăng Long mong muốn có “nơi ăn, chốn ở” ổn định, an toàn trong mùa đại dịch Covid-19 không ít lần đến gặp đơn vị quản lý nhà ở để liên hệ thuê nhưng đều bị từ chối với lý do “hết phòng”. Như vậy đang có sự mâu thuẫn thông tin giữa đơn vị quản lý nhà ở và công nhân đang có nhu cầu thuê nhà ở.

Thế nhưng tại văn bản số 703/SXD - QLN, Sở Xây dựng lại cho rằng, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã làm đúng chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, cụ thể là thực hiện đúng với chỉ đạo tại văn bản 913/TB-UBND ngày 09/9/2017. Văn bản thể hiện nội dung chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chung, thời điểm đó là Chủ tịch UBND TP Hà Nội: “Chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng về việc mở rộng đối tượng thuê nhà ở công nhân, trong đó cần ưu tiên dành cho công nhân làm việc tại KCN Thăng Long, và các KCN lân cận trên địa bàn TP Hà Nội, sau đó mở rộng thêm các đối tượng là học viên học nghề thuê để ở thực hiện việc đào tạo và cung ứng lao động có tay nghề cao cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng ý cho phép gia hạn hợp đồng thuê với các doanh nghiệp hoạt động trong mục đích nêu trên”.

Theo diễn biến khác, làm việc với phóng viên Báo TNVN, đại diện đơn vị quản lý nhà ở cho biết: “Việc cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động thuê đã được “cấp trên” phê duyệt, đến nay, những công ty này hoạt động trên dưới 10 năm”.

Như vậy, trước khi có văn bản 913, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã ký kết cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động thuê. Việc UBND TP Hà Nội ban hành văn bản 913 để hợp thức hóa cho sai phạm trước đó.

Thứ hai, sau khi Báo TNVN phản ánh các doanh nghiệp sau khi thuê nhà đã tự ý chuyển đổi công năng, biến nhà ở thành trung tâm đào tạo, văn phòng là trái với quy định. Về vấn đề này, tại văn bản số 703/SXD-QLN, Sở Xây dựng TP Hà Nội thừa nhận có sai phạm đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp trả nguyên hiện trạng nhưng Sở Xây dựng TP Hà Nội chưa làm rõ sai phạm trong quản lý nhà nước, để xảy ra sai phạm tập thể, cá nhân nào chịu trách nhiệm? Hình thức kỷ luật như thế nào?

Thứ ba, nhu cầu nơi ăn chốn ở của công nhân đang làm việc tại KCN là rất lớn. Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay trên địa bàn xã Kim Chung có gần 16.000 công nhân đang phải thuê trọ tại các khu nhà trọ tư nhân, chất lượng không đảm bảo, với giá thuê, chi phí điện nước cao gấp nhiều lần so với giá thuê tại khu nhà ở dành cho công nhân. Dư luận đang đặt câu hỏi, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã ký kết cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động thuê có đúng với chỉ đạo của văn bản 913? Bởi nội dung văn bản 913 nêu rất rõ: “Ưu tiên dành cho công nhân làm việc tại KCN Thăng Long, và các KCN lân cận trên địa bàn TP Hà Nội”.

Thứ tư, dư luận đặc biệt quan tâm là việc Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội “ưu ái” cho các doanh nghiệp thuê “giá bèo” sẽ làm “thất thoát” ngân sách Nhà nước?

Để làm sáng tỏ những vấn đề nêu trên, Báo TNVN tiếp tục phản ánh diễn biến vụ việc./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận