(Kỳ 1: Học trò thành đạt 'đuổi' thầy cô giáo)
Thay vì hướng dẫn hoàn thiện thủ tục và cấp giấy chứng nhận để quản lý đất đai rõ ràng, minh bạch, xã Ninh Hiệp và huyện Gia Lâm đã ban hành nhiều văn bản dựa trên báo cáo gian dối và căn cứ sai lệch, vì thế đã và đang làm rối mù sự việc lên. 20 hộ dân ở Khu tập thể giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ninh Hiệp nơm nớp ngày đêm không biết cuộc sống sẽ đi về đâu, mặc dù họ đã có 3,4 thế hệ ăn ở ổn định trên mảnh đất này hơn 40 năm.
Cựu giáo viên Nguyễn Thị Lạng - đại diện các hộ dân, cho biết: Khi được hỏi về Thông báo 76 của UBND xã Ninh Hiệp phát trên loa truyền thanh đuổi các hộ giáo viên di dời đi nơi khác, bàn giao lại nhà đất cho UBND xã quản lý, thì cậu họ trò (cũ) Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch xã Ninh Hiệp lạnh lùng: "Lấy đất để làm gì các cô không cần biết. Chúng tôi thực hiện theo Văn bản 3521 của UBND huyện và Văn bản 254 của phòng Tài nguyên Môi trường huyện”. Khi các thầy, cô đề nghị cung cấp 2 văn bản đó, vị Chủ tịch xã nhất định không cho với lý do: "Đây là văn bản ngành dọc, lưu hành nội bộ, các ông, các bà không có quyền được biết".
Văn bản số 3521 (17/11/2020) nêu: “Khu đất tập thể giáo viên các Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ninh Hiệp có nguồn gốc là đất công, do xã quản lý... Nay cần giải tỏa để thực hiện dự án". Văn bản số 254 (02/02/2021) của huyện Gia Lâm một lần nữa đốc thúc giải tỏa thực hiện dự án. Cả hai văn bản này đều do ông Trương Văn Học - Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm ký.
Để ban hành hai văn bản 3521 và 254, UBND huyện Gia Lâm đã căn cứ vào bản Báo cáo số 267/UBND ngày 21/9/2020 của UBND xã Ninh Hiệp, cho rằng: “Khu nhà ở tập thể giáo viên là đất công, do xã quản lý...”. Thực tế UBND xã Ninh Hiệp đã “gian dối” làm báo cáo sai sự thật về nguồn gốc đất khu tập thể giáo viên.
Về việc làm gian dối này, các hộ giáo viên viết đơn tập thể khiếu nại Thông báo số 76/TB-UBND (15/3/2021) của UBND xã Ninh Hiệp… Ngay lập tức, xã ra Thông báo số 119/TB-UBND - trả lời không thụ lý giải quyết Đơn khiếu nại của công dân(?) Chủ tịch xã cho rằng: “Thông báo 76 là căn cứ vào các văn bản “thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục Nhà nước do Chính phủ quy định”(!?).
Thông báo số 76/TB-UBND của xã Ninh Hiệp không phải là Quyết định hành chính trong nội bộ cơ quan Nhà nước, mà đối tượng là 20 hộ gia đình giáo viên. Thông báo số 76, theo lời Chủ tịch xã Nguyễn Văn Tuấn là “căn cứ vào”, chứ không nằm trong diện văn bản thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục Nhà nước quy định; do vậy UBND xã Ninh Hiệp phải thu hồi Thông báo số 119/TB-UBND ngày 28/4/2021 (trái Luật) và tiếp tục giải quyết theo trình tự việc công dân khiếu nại Thông báo số 76/TB-UBND ngày 15/3/2021 đúng pháp luật.
Luật sư Hoàng Văn Doãn - Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích, việc UBND xã Ninh Hiệp và UBND huyện Gia Lâm từ chối tiếp nhận đơn khiếu nại của công dân là vi phạm Luật khiếu nại năm 2011. Ở đây, rõ ràng UBND xã Ninh Hiệp đọc thông báo trên loa nhưng không gửi văn bản đến các hộ dân, và người dân không hề hay biết về nội dung và sự chính xác viện dẫn hai văn bản của UBND huyện... UB xã đáng lẽ phải ra văn bản giải quyết khiếu nại thì mới đúng.
Để thu hồi đất của dân, UBND huyện Gia Lâm ban hành 2 văn bản và 1 hướng dẫn, còn UBND xã Ninh Hiệp ban hành 1 báo cáo và 1 thông báo. Trong số 5 văn bản này có tới 4 văn bản liên quan đến người dân nhưng họ lại không được biết và không tới tay họ.
Theo Luật sư Hoàng Văn Hướng - Trưởng văn phòng luật Hoàng Hưng: Người dân không có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện một dự án (DA) mơ hồ, chưa tuân theo các quy định của pháp luật, cũng như các văn bản chưa tới tay họ.
Trong các văn bản của UBND huyện và UBND xã chứa hai thông điệp. Thứ nhất, người dân phải di dời không điều kiện đi nơi khác, chấp nhận không có chính sách đền bù hay hỗ trợ để chính quyền thực hiện một DA chưa rõ ràng. Thứ hai, nếu không đồng thuận, họ sẽ bị UBND xã lập hồ sơ xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai theo NĐ 91/2019/NĐ-CP ngày 19-11-2019 của Chính phủ và Hướng dẫn số 01/HD-UBND ngày 2/1/2020 của UBND huyện.
Vậy NĐ 91/2019/NĐ-CP ngày 19-11-2019 của Chính phủ có áp dụng được đối với các hộ giáo viên? Luật sư Hoàng Văn Hướng phân tích, khi tiến hành các biện pháp xử phạt hành chính cũng đồng nghĩa với việc UBND huyện và xã muốn chứng minh các hộ dân này đang vi phạm về đất đai. Nhưng giả thiết các hộ dân có vi phạm thì cũng không thể xử phạt được, bởi đây là “Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành”. Mặt khác, trong các tài liệu liên quan từ phía UBND huyện thể hiện rõ Khu tập thể giáo viên được UBND xã và nhà trường xây dựng nhằm mục đích phục vụ chỗ ăn nghỉ cho giáo viên nên không thể coi đây là công trình vi phạm đất đai.
Về trình tự tiến hành một DA, trước hết, DA đó phải có thật, phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đương nhiên DA đó phải được công khai theo Điều 69, Luật Đất đai về thủ tục thu hồi giải phóng mặt bằng (GPMB)… Vì vậy, việc UBND huyện Gia Lâm và UBND xã Ninh Hiệp chưa có DA cụ thể là chưa tuân thủ các quy định của pháp luật và không thể di dời dân bằng những văn bản này.
Ngày 16/10/2015, ông Nguyễn Ngọc Thuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm ký văn bản số 1463/UBND-TN&MT về việc giải quyết đơn của 20 giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ninh Hiệp đề nghị được xem xét, giải quyết việc thanh lý mua nhà, cấp Giấy CNQSD đất... Văn bản nêu rõ, về hồ sơ địa chính: “Theo bản đồ đo vẽ năm 1984 và sổ lập kèm theo, thửa đất Khu tập thể giáo viên thuộc một phần khuôn viên trường thể hiện tại thửa đất số 169, diện tích 15.103m2, tờ bản đồ số 04. Theo bản đồ đo vẽ (1993 – 1994) và sổ lập kèm theo, thửa đất khu tập thể giáo viên thuộc một phần khuôn viên của trường thể hiện tại thửa đất số 53, diện tích 13.872m2, tờ bản đồ số 21”. Như vậy, cả 2 thời điểm đo vẽ và xác lập Bản đồ, UBND huyện Gia Lâm đều khẳng định đất khu tập thể giáo viên thuộc một phần khuôn viên đất của trường…
Nhưng sau đó, UBND huyện Gia Lâm lại nêu: “Bản đồ đo vẽ năm 1984 và bản đồ đo vẽ năm 1993 - 1994 thể hiện khu đất tập thể giáo viên nằm trong khuôn viên thửa đất của nhà trường là chưa chính xác. Khu tập thể giáo viên nằm ngoài khuôn viên nhà trường, là đất công do UBND xã Ninh Hiệp quản lý. Năm 2004, Trường Tiểu học và Trung học Ninh Hiệp được UBND huyện cấp Giấy CNQSD đất không bao gồm diện tích đất và công trình nhà ở của khu tập thể…”.
Vậy tại sao cùng 01 thửa đất, UBND huyện Gia Lâm lại bất nhất quan điểm, nhận định trái ngược về Khu đất tập thể giáo viên này(?) Về chức năng quản lý Nhà nước, chính quyền huyện Gia Lâm qua các thời kỳ có sự buông lỏng, hay có sự toan tính đến thửa đất này(?) Vì sao năm 2004 trường Tiểu học và Trung học Ninh Hiệp được cấp Giấy CNQSD đất còn Khu đất tập thể giáo viên lại không được xét cấp? Vấn đề này cần phải được Thanh tra TP. Hà Nội làm rõ, không thể để “nhóm lợi ích” cố tình “bẻ cong” sự thật(?)
Và Biên bản làm việc với đoàn xác minh của UBND huyện Gia Lâm ngày 24/4/2015 cũng đã thể hiện: Đất, nhà trong Khu tập thể giáo viên Trường cấp 1-2 Ninh Hiệp được phân cho 20 hộ giáo viên từ trước năm 1993. Quyết định số 06/QĐ-UBND ngày 5/1/2015 của UBND TP Hà Nội cũng nói rõ, đất Khu tập thể giáo viên xã Ninh Hiệp là đất ở chứ không phải đất công.
Luật sư Hoàng Văn Doãn - Đoàn luật sư TP Hà Nội cũng nhận định: việc UBND huyện chỉ đạo UBND xã Ninh Hiệp lập hồ sơ xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai theo NĐ 91/2019/NĐ-CP ngày 19-11-2019 của Chính phủ và Hướng dẫn số 01/HD-UBND huyện ngày 2-1-2020 đối với các hộ dân là không đúng. Đất của các hộ dân ở ổn định, không phải đất lấn chiếm nên không thể áp dụng hình thức xử phạt hành chính để lái sang hướng sử dụng đất vi phạm pháp luật rồi sau đó có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Đến giờ không chỉ các cựu giáo viên mà dư luận cũng đặt ra câu hỏi vì sao UBND xã Ninh Hiệp và UBND huyện Gia Lâm lại sốt sắng yêu cầu dân di dời đi nơi khác cho một DA còn chưa hình thành trên bản vẽ?
Báo Tiếng nói Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!
Kỳ 1: Học trò thành đạt 'đuổi' thầy cô giáo