Không rõ nguồn kinh phí để chi trả
Luật Trách nhiệm Bồi thường Nhà nước năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành đều quy định rất rõ về thời gian phải thực hiện chi trả tiền bồi thường cho người bị oan do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Vậy nhưng, thực tế rất ít vụ việc nguời bị khởi tố, truy tố, xét xử oan sai nhận được khoản bồi thường đúng thời gian quy định.
Việc chậm trễ giải quyết và chi trả tiền bồi thường cho người bị oan do bất cập của quy định pháp luật hay sự tắc trách của cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường?
Năm 2013, tại bản án 04-2013 của Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình tuyên buộc Tòa án tỉnh Thái Bình, cơ quan gây oan sai cho ông Lương Ngọc Phi trong vụ án Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản Xã hội Chủ nghĩa và Trốn thuế xảy ra tại Thái Bình ngày mùng 1/5/1998 phải bồi thường thiệt hại cho ông Phi 21,4 tỷ đồng. Nhưng phải hơn đến 3 năm sau, ông Phi mới nhận được khoản tiền bồi thường này.
Trường hợp ông Phan Văn Lá bị Công an huyện Châu Thành, tỉnh Long An, bắt giam oan từ năm 1991. Nhưng mãi tới cuối tháng 9/2015, ông Lá mới được xin lỗi và bồi thường 300 triệu đồng.
Hay mới đây nhất là vụ việc bà Huỳnh Thị Ngọc Bích - chủ nhiệm hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Ngọc Bích bị truy tố, xét xử về tội Tham ô tài sản. Sau 9 năm ròng rã với 24 phiên tòa, tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ ba ngày 28/5/2018, Hội đồng xét xử trả hồ sơ điều tra lại để làm rõ nhiều vấn đề chưa được sáng tỏ.
Sau khi tiến hành điều tra, xét thấy hành vi của bà Bích không cấu thành tội phạm nên ngày 3/7/2018, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với bà Bích. Ngày 28/5/2019, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức xin lỗi và cải chính công khai với bà Huỳnh Ngọc Bích.
Sau nhiều lần thương lượng về bồi thường oan sai, ngày 15/11/2021, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ban hành quyết định giải quyết bồi thường cho bà Bích tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.
Tại Điều 5 Quyết định này nêu rõ, quyết định có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Sau nhiều lần làm đơn yêu cầu để được nhận khoản tiền bồi thường chưa được Viện kiểm sát nhân dân Sóc Trăng hồi âm, bà Huỳnh Ngọc Bích cho biết: “Việc thương lượng bồi thường thống nhất là hơn 1 tỷ đồng, trong Quyết định nêu là có hiệu lực sau 15 ngày. Nhưng tôi gửi đơn cho Viện kiểm sát từ trước Tết đến giờ mà chưa nhận được trả lời cho vấn đề này.”
Để tìm câu trả lời cho vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi qua điện thoại với ông Đinh Gia Hưng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng và nhận được lời giải thích. Theo ông Hưng, điều này do bất cập của luật về Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, khi giao cho Viện kiểm sát cấp địa phương ban hành quyết định giải quyết bồi thường và ấn định ngày thực hiện. Nhưng Viện kiểm sát địa phương không có nguồn kinh phí để chi trả bồi thường nên chưa biết khi nào sẽ chi trả được.
Theo ông Đinh Gia Hưng, sau khi làm các thủ tục thì phải chuyển lên Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Sau đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Bộ Tài chính, để Bộ Tài chính cấp kinh phí bồi thường oan sai. Sau khi Bộ Tài chính cấp kinh phí thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ rót kinh phí cho địa phương chi trả.
“Vấn đề không hợp lý ở chỗ: Địa phương không có nguồn kinh phí nhưng lại phải ấn định thời gian trả chi trả bồi thường. Trên thực tế, kinh phí này sau khi hoàn thành các thủ tục báo cáo theo hệ thống ngành dọc thì Viện kiểm sát tối cao thẩm định xong báo cáo tài chính, Bộ Tài chính cấp kinh phí. Sau đó mới chuyển về tỉnh Sóc Trăng, chúng ta mới thực hiện được việc chi trả tiền bồi thường.” – Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng Đinh Gia Hưng cho biết.
Quyết định bồi thường chỉ là căn cứ để trình cơ quan Trung ương
Ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp cho rằng không phải có quyết định giải quyết bồi thường là người được bồi thường oan sai có thể nhận được tiền, mà đó chỉ là căn cứ để trình cơ quan Trung ương và Bộ Tài chính thẩm định phê duyệt. Tuy nhiên, thời gian để thẩm định phê duyệt chỉ có 5 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ bồi thường.
“Không phải sau 15 ngày kể từ khi có quyết định là lấy được tiền. Khi có quyết định có hiệu lực rồi thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ làm hồ sơ gửi cơ quan tài chính. Sau khi cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gửi hồ sơ lên, nếu không có vấn đề gì thì cơ quan tài chính phải cấp tiền để cơ quan ra quyết định chi trả cho người bị thiệt hại” – ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp nhấn mạnh.
Thực tiễn luật về Trách nhiệm Bồi thường Nhà nước có những bất cập, nhưng vấn đề lớn hơn nằm ở tinh thần, thái độ của cơ quan quản lý người thi hành công vụ đã gây oan sai cho người dân.
Bởi dù phải trình cơ quan cấp trên để phê duyệt, nhưng nếu người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm và đặt mình vào cương vị của người bị oan để nhanh chóng lập hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền và cấp có thẩm quyền phê duyệt đúng hạn thì các vụ việc bồi thường cũng không thể chậm trễ đến như vậy.
Việc giải quyết kịp thời, bồi thường cho các trường hợp oan sai là cần làm, qua đó người bị oan và gia đình họ phần nào được an ủi, tránh nỗi đau kéo dài làm ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại và tương lai của họ./.
Tiến Anh/VOV1