Ngày 24/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định số 190-01/QĐ về việc khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự; đồng thời ra Quyết định số 300-50/QĐ về việc Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam số 300-04/LB và Lệnh khám xét đối với Nguyễn Phương Hằng, sinh năm 1971, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, trú tại 17-19 Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, Quận 1 về hành vi nêu trên.
Các Quyết định và Lệnh trên đã được Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê chuẩn.
Quyết định trên được đưa ra sau một thời gian dài Nguyễn Phương Hằng lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng mạng xã hội tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp (livestream) nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Những hành vi của Nguyễn Phương Hằng không chỉ gây bức xúc dư luận mà còn trực tiếp gây mất an ninh trật tự ở địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác. Quá trình điều tra, bị can có thái độ không hợp tác, coi thường pháp luật.
"Khởi tố Nguyễn Phương Hằng là thích đáng"
Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật Thiên Thanh cho rằng việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Nguyễn Phương Hằng về tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là hoàn toàn đúng căn cứ pháp luật.
Theo luật sư, việc khởi tố này là tất yếu khi vụ việc kéo dài 1 năm nay, với tần suất liên tục, gây bức xúc trong dư luận: “Tôi cho rằng đây cũng là 1 cách làm đảm bảo quy trình của tố tụng. Trong suốt 1 năm vừa rồi, Nguyễn Phương Hằng thường xuyên có dấu hiệu của tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của tổ chức cá nhân. Nhân vật này thể hiện rất nhiều quyền đang bị quá khi sử dụng mạng livetream xâm phạm rất nghiêm trọng vào quyền tự do, dân chủ, lợi ích của các cá nhân, tổ chức khác”.
Còn luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc Công ty luật TGS thì cho rằng: “Tất cả mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, thể hiện các ý kiến, quan điểm của mình trên mạng xã hội. Tuy nhiên, không phải thích nói gì thì nói, hay phát ngôn như thế nào cũng được mà đó phải là sự phát ngôn chuẩn mực, có văn hóa và đúng pháp luật, không được phép xuyên tạc, vu khống, xúc phạm trái pháp luật đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác, đó đều là các hành vi trái pháp luật và sẽ phải chịu các tài xử lý theo quy định của pháp luật.
Vụ việc này cũng là bài học quý giá cho tất cả chúng ta trong việc sử dụng mạng xã hội nói chung, cũng như phát ngôn trên mạng xã hội nói riêng, khi một người đã phát ngôn công khai trên không gian mạng, công khai trước công chúng thì người đó sẽ phải chịu các trách nhiệm xã hội và các trách nhiệm pháp lý đối với các phát ngôn của mình”.
"Việc Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố theo tôi là thích đáng bởi những hành vi gây bất ổn trên mạng xã hội, công kích các cá nhân có ảnh hưởng trong xã hội trong khi chưa thể đưa ra được những bằng chứng xác đáng cho những cáo buộc của bà ta. Đây cũng là lời cảnh tỉnh đến những người có nhận thức chưa đúng đắn hoặc cố tình lạm dụng mạng xã hội, gây tổn hại đến lợi ích, danh dự của các cá nhân, tổ chức. Hãy dừng ngay hành vi sai trái này lại trước khi mọi việc đi quá xa và gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về pháp luật đối với chính bản thân họ", độc giả Trần Ngọc Anh, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội nêu quan điểm.
Việc khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Phương Hằng là sự cảnh báo cần thiết khi ngày càng xuất hiện những trường hợp lợi dụng ngôn luận trên không gian mạng xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, việc khởi tố này mang tính cảnh tỉnh kịp thời để bảo vệ môi trường trong sạch, phát ngôn đúng chuẩn mực trên không gian mạng: “Ở đâu đó chưa đến mức như của Nguyễn Phương Hằng nhưng cũng đang có rất nhiều người đang lợi dụng quyền tự do, dân chủ này để xâm phạm đến lợi ích của tổ chức cá nhân khác, cần có một tiếng nói cảnh tỉnh rất rành mạnh từ pháp luật để cho những người đang có dấu hiệu vi phạm, hoặc đang có ý định sẽ dừng lại ngay...”.
Cảnh báo hành vi lệch chuẩn của Nguyễn Phương Hằng, Báo Điện tử VOV từng bị tấn công mạng
Tháng 6/2021, sau khi Nguyễn Phương Hằng xuất hiện qua các buổi livestream trên mạng xã hội, Báo Điện tử VOV đã phê phán về hiện tượng xã hội lệch chuẩn này qua 2 bài viết "Không thể cho mình quyền xúc phạm bất kỳ ai trên mạng" và “Bà Phương Hằng với các livestream lệch chuẩn: Đã đến lúc cần xử lý nghiêm”.
Từ trưa 12/6/2021, toàn bộ các nền tảng mạng xã hội của Báo Điện tử VOV trên Google, Facebook bị các nhóm đối tượng tổ chức spam, đe dọa và kêu gọi đánh giá 1* (1 sao) trên Google Maps nhằm làm giảm uy tín của báo, khiến báo đang ở thứ hạng 4,5* bị tụt xuống 1,9* vào chiều 12/6.
Đỉnh điểm là việc tấn công DDoS (từ chối dịch vụ) nhằm vào VOV.VN từ ngày 13/6/2016 làm tràn băng thông, khiến việc truy cập vào báo bị gián đoạn.
Số điện thoại của Tòa soạn cũng liên tục nhận các cuộc gọi chửi bới và đe dọa. Không chỉ nhằm vào Báo Điện tử VOV, nhóm đối tượng này còn truy tìm facebook cá nhân, người thân của phóng viên để gọi điện, nhắn tin khủng bố, đe dọa và chửi bới.
Thời điểm đó, Nguyễn Phương Hằng đã liên tục lên mạng xã hội livestream hô hào, kích động, xúc phạm, lăng mạ Báo Điện tử VOV và cá nhân nhà báo Nguyễn Đức Hiển (người trả lời phỏng vấn của VOV).
Trước sự việc trên, Báo Điện tử VOV đã báo cáo và đề nghị Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin Truyền thông) đề điều tra làm rõ và xử lý nghiêm.
Sau đó, Bộ Công an đã khởi tố vụ án tấn công mạng Báo Điện tử VOV, Cục An ninh Chính trị nội bộ và Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với công an các địa phương khẩn trương vào cuộc điều tra, truy vết, làm rõ tính chất vụ việc, xác định các đối tượng thực hiện tấn công mạng Báo Điện tử VOV. Cơ quan chức năng đã khởi tố 2 đối tượng ở Quảng Nam, Bình Định và phạt hành chính 1 cá nhân ở Lâm Đồng.
Việc tấn công vào Báo Điện tử VOV trực thuộc VOV - cơ quan thuộc Chính phủ, là hành vi thách thức hệ thống truyền thông chính thống của Nhà nước, gián tiếp thách thức hệ thống chính trị.
Việc làm gián đoạn thông tin trên VOV.VN - một cơ quan truyền thông chính thống của Nhà nước - tạo cơ hội cho các thế lực thù địch trong và ngoài nước quấy phá, xuyên tạc tình hình, làm mất ổn định an ninh chính trị, khiến nhân dân hoang mang. Bên cạnh đó, VOV đã phải huy động một nguồn lực (thiết bị, tài chính, nhân lực) không nhỏ và phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết sự cố nghiêm trọng này./.
Theo VOV.VN