Quận Long Biên, Hà Nội: Có hay không chuyện san lấp 'hồ tự nhiên'?

Có hay không chuyện phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội san lấp "hồ tự nhiên"?

 

Trong những ngày gần đây, người dân phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội kiến nghị dừng san lấp 2 hồ câu Xuân Quế, Sơn Thủy trên địa bàn với quan điểm cho rằng đây là hồ tự nhiên hình thành lâu đời, là "lá phổi xanh" của thành phố. Thực hư câu chuyện này như thế nào?

 

Liệu có chuyện đánh tráo khái niệm?

 

Mọi chuyện bắt đầu khi UBND quận Long Biên tái khởi động dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật các ô quy hoạch A4/NO4, A8/NO1, A8/NO2, A4/HH2, A4/HH3 và các tuyến đường phụ cận theo quy hoạch phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất phường Ngọc Thụy đã được phê duyệt tại Quyết định số 7648/QĐ-UBND, ngày 31/10/2016 theo quy hoạch phân khu đô thị N10, tỷ lệ 1/2000 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.

Mục tiêu dự án để giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật tạo quỹ đất sạch để quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai trên địa bàn quận; tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố và quận. Đồng thời cải thiện cảnh quan khu vực, vệ sinh môi trường, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kết nối giao thông nội bộ và khu vực, đóng góp vào quá trình phát triển đô thị. Đường giao thông theo quy hoạch sẽ có mặt cắt 15,5m; 13,5m, đường giao thông nội bộ trong khu đất có mặt cắt 9m. Tổng diện tích dự án là 4,26 ha với tổng mức đầu tư dự án là hơn 117 tỷ đồng.

Hồ câu Xuân Quế trước khi GPMB

Trước việc tái triển khai dự án sau gần 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 dẫn tới đình trệ, mới đây, một số người dân thuộc tổ 11, phường Ngọc Thụy cùng viết đơn kiến nghị lên chính quyền để phản đối việc quận chuẩn bị san lấp hai hồ câu Xuân Quế và Sơn Thủy. Trong đó, bà Nguyễn Thị Lan (sinh năm 1958, là chủ khai thác hồ câu Sơn Thủy) cho rằng, nguồn gốc lịch sử của hai hồ trên có từ lâu đời và là hồ tự nhiên (trong đơn gọi là hồ Bà Đồ). Năm 1990, chính quyền xã Ngọc Thụy (nay là phường Ngọc Thụy) giao thầu các hồ câu này cho một số hộ gia đình cải tạo. Hàng chục năm qua, những người thuê thầu kinh doanh tại đây đã mở dịch vụ câu cá, tạo việc làm cho nhiều lao động. Ngoài ra, khu hồ còn tạo cảnh quan thiên nhiên thoáng đãng, trong lành, sạch đẹp và có tác dụng nâng cao hiệu quả trong việc tiêu thoát nước, phòng, chống ngập lụt mùa mưa… Câu chuyện này đã thu hút sự quan tâm của dư luận, báo chí, trong đó có những ý kiến không đồng tình việc san lấp hồ tự nhiên.

Thế nhưng, thực tế lại khác hẳn...

 

 

"Hồ tự nhiên lâu đời" mới chỉ hình thành năm 2005?

 

Để đảm bảo tiến độ dự án đã được thành phố phê duyệt, ngày 27/12/2019, ngày 16/01/2020, ngày 20/01/2020, UBND quận Long Biên đã ban hành các quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tổ chức chi trả tiền đối với 1 hộ thuê thầu nhưng hộ dân không nhận tiền. Ngày 11/3/2020, UBND phường Ngọc Thụy phối hợp với các ngành đã tổ chức mời các hộ dân đến họp vận động. Ngày 29/4/2020, UBND quận đã ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ thuê thầu. Ngày 20/12/2021, ông Phạm Xuân Quế (chủ nhà hàng Xuân Quế với dịch vụ câu cá giải trí và ẩm thực khá nổi tiếng, thu hút đông thực khách nhiều năm qua, người khai thác ao câu Xuân Quế) đã ký biên bản bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận.

Khu đất nông nghiệp (nay là hồ câu Xuân Quế và Sơn Thủy) trước khi được cho thuê thầu năm 2005

Giải thích lý do ban đầu chưa chấp thuận nhưng sau khi được vận động gia đình đồng ý bàn giao, ông Phạm Kim Sơn, anh ruột của ông Phạm Xuân Quế,  đại diện gia đình cho biết: "Nếu nói về quyền lợi gia đình thì việc giữ lại hồ câu gia đình tôi sẽ được hưởng lợi hơn bởi hoạt động kinh doanh đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, về lợi ích cộng đồng thì khi hoàn thành quy hoạch sẽ cải thiện cảnh quan khu vực, vệ sinh môi trường, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kết nối giao thông nội bộ và khu vực, đóng góp vào quá trình phát triển đô thị. Ở Ngọc Thụy chúng tôi lâu nay vẫn bị tình trạng mưa xuống là ngập nên cải thiện được vấn đề này thì tất cả đều được hưởng lợi".

Về nguồn gốc hồ câu Xuân Quế, ông Phạm Kim Sơn xác nhận đây không phải là khu hồ tự nhiên mà do gia đình ông tự thuê người đào múc, với diện tích khoảng 3.000m2: "Tôi sống trên mảnh đất hồ câu Xuân Quế đã trên 60 năm. Trước đó, mẹ tôi là Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Ngọc Thụy, khi về hưu có thuê thầu lại khu đất nông nghiệp này và gia đình khai thác từ năm 2005 đến nay. Gọi hồ câu là theo thói quen, chứ thực tế khu này chỉ có mương lạch, đất ruộng, hoang hóa được gia đình tôi đào thành ao để khai thác, kinh doanh ăn uống."

Ông Nguyễn Kim Trí, tổ 11, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên cho biết: "Tôi chính là người đứng ra nhận đào ao cho nhà ông Quế để cho anh trai tôi làm. Thời ấy tôi ra giám sát thi công cho nhà ông Quế, còn bên nhà bà Lan là một nhóm thợ khác đào, nhưng tôi có thể khẳng định là toàn bộ chỗ ao này đều được đào sau khi được thuê thầu, bao gồm đào ruộng thành ao và cải tạo thêm. Vốn dĩ khu đất này là đất trũng rồi nên chỉ có cách tốt nhất là cải tạo để đào ao thả cá thôi, chứ canh tác cũng khó".

Thi công đào ao câu (hay còn gọi là hồ câu) Xuân Quế sau khi thuê thầu

Khu đất hồ câu Xuân Quế và hồ câu Sơn Thủy do ông Phạm Xuân Quế thuê thầu ở tổ 11 phường Ngọc Thụy từ năm 2005, có tổng diện tích khoảng 8.000m2, trong đó diện tích hồ câu là 3.000m2, nằm trong ranh giới thu hồi đất thực hiện dự án nêu trên.

Cung cấp cho phóng viên bản đồ địa chính năm 1993, ông Hoàng Văn Lực, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy cho biết, hồ Bà Đồ không thuộc vị trí thực hiện dự án, mà thuộc thửa 173 tờ bản đồ 29 diện tích 604m2 là đất ao của gia đình bà Mùi, bản đồ đo vẽ năm 1986 là thửa 263 tờ bản đồ 07 diện tích 574m2, sổ đăng ký tên bà Mùi - con bà Đồ.

Còn trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 0476, cấp ngày 10/11/2000 được UBND huyện Gia Lâm ký ngày 10/11/2000 cấp cho bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Gia Quất, xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên ngày nay) cũng ghi rõ: cấp cho hộ gia đình bà Nguyễn Thị Lan 01 thửa đất thuộc tờ bản đồ số 330 VIII diện tích 1290m2 với mục đích sử dụng sản xuất nông nghiệp trong thời hạn 20 năm. Như vậy, không có cơ sở để khẳng định ao câu Sơn Thủy mà gia đình bà Lan đang khai thác là hồ tự nhiên. Đó là chưa kể, mặt hồ được mô tả trong đơn là "tạo cảnh quan thiên nhiên thoáng đãng, trong lành, sạch đẹp" thực chất lại là ao tù nước đọng với rác nổi lềnh bềnh.

Mặt nước ao lềnh bềnh rác

 

Bình luận

    Chưa có bình luận