Thời điểm xảy ra vụ án thuốc giả VN Pharma, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đang giữ vị trí Cục trưởng Cục Quản lý Dược. Ông Trương Quốc Cường bị truy tố về việc đã thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao, thiếu giám sát, kiểm tra... để 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam.
Tại phiên tòa sáng 13/5, HĐXX đã tiến hành xét hỏi ông Trương Quốc Cường. Theo ông Cường, từ năm 2007 ông đã nhận trách nhiệm làm Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế. Khi sự việc xảy ra năm 2009, Cục Quản lý Dược đã thực hiện thẩm định thuốc theo quy trình thẩm định mới, trong đó không cần phải báo cáo Cục trưởng đối với từng loại thuốc được cấp phép
“Tôi xin nhận trách nhiệm là người đứng đầu Cục Quản lý Dược. Tôi rất tiếc là khi các sự việc xảy ra, tôi đã không được báo cáo. Từ chuyên viên đến lãnh đạo phòng, đến Phó Cục trưởng được phân công phụ trách đều không có báo cáo... Tuy nhiên, là một Cục trưởng đứng đầu, mọi việc xảy ra trong Cục thì tôi xin chịu trách nhiệm” - ông Trương Quốc Cường khai tại tòa.
Cũng theo ông Cường, thời điểm nắm giữ vị trí Cục trưởng Cục Quản lý dược, ông có trách nhiệm quản lý chung, phân công, điều hành các vị trí chủ chốt của Cục, mỗi người chịu trách nhiệm về mảng công việc của mình.
Sau đó, HĐXX hỏi về việc lực lượng công an đã “cảnh báo” dấu hiệu thuốc giả từ trước đó, nhưng vì sao Cục Quản lý dược không có động thái quyết liệt để thu hồi. Ông Trương Quốc Cường khai: “Nội dung này tôi rất quan tâm. Sự việc xảy ra cách đây hơn chục năm, tôi là người đầu tiên chỉ đạo đi xác minh những cảnh báo này. Nhưng do thông tin chưa rõ ràng, các phòng chức năng cũng không có phòng nào tham mưu cho tôi để thu hồi.” Bởi vậy, theo ông Cường sau đó Cục Quản lý dược đã không có động thái thu hồi thuốc dù được cảnh báo.
Câu trả lời của ông Cường được HĐXX nhận định là “Rất thờ ơ và cho rằng phải đủ các văn bản pháp lý mới làm (việc thu hồi thuốc giả)".
Cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường khai thêm, ở thời điểm đó, Cục Quản lý Dược sử dụng quy trình thẩm định tập thể. Đối với việc cấp thuốc sẽ do nhóm 3 thẩm định viên cùng làm và phải thống nhất để chọn 1 trong 3 phương án: không cấp, cho bổ sung và đồng ý cấp. Sau khi đã tích vào một trong 3 ô thì cả 3 người đều phải ký tên đằng sau.
Chính quy trình thẩm định có phần bất cập này đã khiến những lô thuốc giả được thông qua trót lọt. “Một loại thuốc mà tổ thẩm định chỉ gồm 3 người, mỗi người làm 1 hôm rồi tích, xóa và lãnh đạo cũng chẳng biết. Mỗi hồ sơ thuốc chỉ gồm 2 trang, 1 ô tích và sau đó là các chữ ký. Quy trình như vậy bản thân bị cáo có thấy hợp lý hay không?” - HĐXX hỏi.
“Bản thân tôi cũng thấy được những lỗ hổng lớn trong Cục Quản lý Dược” - Ông Trương Quốc Cường trả lời.
Liên quan đến vụ án này, cơ quan truy tố xác định có hơn 800.000 hộp thuốc tổng trị giá hơn 1,2 triệu USD được nhập tương đương 26 tỷ đồng, nhưng được "nâng khống" thành hơn 2,5 triệu USD, tương đương 54 tỷ đồng.
Đây là những hộp thuốc giả không được Canada cấp phép, tuy nhiên nhóm các bị cáo vẫn cấu kết để nhập về Việt Nam tiêu thụ. Hơn 600.000 hộp thuốc giả sau đó được bán cho các doanh nghiệp, bệnh viện… giúp các bị cáo thu lợi bất chính hơn 31 tỷ đồng./.
Võ Nam/VOV.VN