BÀI 2: TỪ VĂN BẢN CHỈ ĐẠO ĐẾN THỰC TẾ RẤT KHÁC NHAU
Nhiều chỉ thị vẫn đang “ngủ yên” trên giấy...
Trước diễn biến xe vi phạm về tải trọng, vi phạm về kích thước thành thùng tái diễn, theo chiều hướng gia tăng, phức tạp tại nhiều tỉnh, thành, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, tiềm ẩn mất an toàn giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh, bức xúc trong dư luận, ngày 25/11/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông.
Mục 6, Chỉ thị 32 có nội dung, đối với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và Bộ GTVT về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện. Chỉ đạo Sở GTVT quản lý, vận hành các trạm kiểm tra tải trọng xe do Bộ GTVT trang bị; kiện toàn, tổ chức lại hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe phù hợp với tình hình của địa phương; kiểm tra, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đối với vi phạm trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô; kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị vận tải, đầu mối hàng hóa vi phạm cam kết về xếp hàng hóa lên xe ô tô không vượt quá tải trọng cho phép.
Tại thôn Văn Trưng, Ngọc Mỹ, Lập Thạch, xe gắn "logo Huệ Anh" vô hiệu hóa biển báo..
Ngày 6/11/2020, Bộ GTVT có văn bản số 11219/BGTVT-ATGT về việc tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe. Tại văn bản, Bộ GTVT đề nghị: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở GTVT, Công an tỉnh và chính quyền cấp cơ sở tăng cường các lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện, kích thước thùng xe ngay tại các đầu nguồn hàng như: cảng thủy nội địa, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô…
Trước thực trạng trên, ngày 24/3/2022, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Chỉ thị số 11/CT-CTUBND về việc tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe ô tô vận tải hàng hóa, nguyên vật liệu trên địa bàn tỉnh. Tại chỉ thị, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu cơ quan chức năng có liên quan, Chủ tịch UBND huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát tải trọng, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tải trọng, kích thước thùng xe tại điểm dừng, điểm xuất phát nguồn hàng.
Như vậy có thể thấy, cơ quan hữu trách, chính quyền địa phương nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ngăn chặn xử lý xe vi phạm về tải trọng, vi phạm kích thước thành thùng phải được kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm ngay từ khi mới “manh nha” nơi đầu nguồn hàng. Đó mới là mấu chốt giải quyết vấn nạn xe quá tải bùng phát trên các tuyến đường giao thông.
Thế nhưng từ văn bản chỉ đạo đến thực tiễn lại rất khác nhau; thậm chí đầu nguồn hàng - mắt xích quan trọng lại đang bị cơ quan chức năng bỏ ngỏ. Thời gian vừa qua, theo tìm hiểu thực tế của phóng viên Báo TNVN, tại các địa phương như: huyện Bình Xuyên, huyện Tam Dương, huyện Tam Đảo, huyện Lập Thạch của tỉnh Vĩnh Phúc, ngay tại vị trí mỏ khai thác, xe quá tải, vi phạm kích thước thành thùng tấp nập ra vào ăn hàng mà không thấy lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.
Cũng theo quan sát của phóng viên, tuyến đường vận chuyển từ vị trí mỏ nối với các tuyến đường giao thông gần như độc đạo, nếu như lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát tại đây thì làm sao có cảnh từng đoàn xe vi phạm về tải trọng, vi phạm về kích thước thành thùng nườm nượp ra vào ăn hàng.
Tung hoành nơi “cửa mỏ”...
Như Báo TNVN đã đăng tải, xe tải gắn Logo Thạch Anh vi phạm tải trọng, có dấu hiệu cơi nới kích thước chiều cao thành thùng, sau khi ăn hàng tại vị trí mỏ đất thuộc xã Trung Mỹ, tung hoành trên các tuyến đường của huyện Bình Xuyên.
Ngày 26/8/2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy phép số 2335/GP-UBND, gia hạn lần cuối về khai thác khoáng sản - đất san lấp cho Công ty TNHH Thương mại Tỉnh Tuấn, vị trí khai thác tại đồi Đồng Giang, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên. Theo ghi nhận của phóng viên, hằng ngày có hàng trăm lượt xe tải trọng lớn gắn logo Thạch Anh, có dấu hiệu cơi nới kích thước thành thùng xếp hàng ra vào “ăn hàng”. Hằng ngày, từ 17h đến gần 18h, hàng chục chiếc xe tải trọng lớn gắn Logo Thạch Anh tấp nập lưu thông. Đơn cử như các xe: 88H-006.58; 88C-190.17; 88C-184.67; 88C-209.57; 88C-200.83; 88H-012.67; 88H-007.97; 88H-211.48; 88C-171.97; 88H-006.58…
Điều đó cho thấy, Cty TNHH Thương mại Tỉnh Tuấn chưa tuân thủ chấp hành kiểm soát tải trọng hàng bốc lên xe, chưa kiểm soát xe vi phạm kích thước thành thùng, trái với Chỉ thị 32/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ, trái với văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT, Chỉ thị số 11 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc mới ban hành.
Nhiều nguời dân sinh sống ven tuyến đường ĐT 302C còn cho biết: Nhiều năm qua, doanh nghiệp này khai thác từ 4h30 sáng cho đến 20h, thậm chí có hôm đến 22h đêm mà không bị cơ quan chức năng xử lý. Từ phản ánh của nhân dân và ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, Công ty TNHH Thương mại Tỉnh Tuấn còn không tuân thủ quy định về thời gian khai thác gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quang điểm mỏ và hai bên tuyến đường vận chuyển.
Xe chở đầy ngọn, vi phạm về tải trọng, kích thước thành thùng tung hoành vị trí mỏ của Cty CP Tập Đoàn Mê Linh thuộc xã Minh Quang, huyện Tam Đảo...
Tương tự, tại xã Minh Quang, huyện Tam Đảo có 02 đơn vị được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp Giấy phép khai thác khoáng sản gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Mê Linh khai thác khoáng sản - đất san lấp làm vật liệu thông thường tại điểm mỏ khu đồi Rừng Đình, thôn Cam Lâm, theo Giấy phép số 1565/GP-UBND, ngày 3/7/2020; Công ty cổ phần tập đoàn Toàn Vĩ khai thác khoáng sản - đất san lấp làm vật liệu thông thường tại điểm mỏ khu đầu Gò Phấng, theo Giấy phép số 1958/GP-UBND ngày 08/8/2020. Tại thời điểm phóng viên tác nghiệp, hàng chục xe tải trọng lớn cơi nới thùng, chở quá tải có gắn “logo” nhưng khi phát hiện bị chú ý các lái xe đồng loạt gỡ logo xuống.
Người dân thôn Cam Lâm, xã Minh Quang đã sáng chế ra bẩy nhằm ngăn chặn xe tải trọng lớn. Trao đỏi với PV, người dân cho biết: "Việc dùng chướng ngại vật bầy ra đường giao thông là vi phạm pháp luật, tiềm ẩn tai nạn cho người và phương tiện tham gia giao thông, nhưng cực chẳng đã mới làm vậy..."
Người dân thôn Cam Lâm rất bức xúc về hoạt động của hai mỏ nói trên, việc khai thác, vận chuyển làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân nơi đây. Nhiều lần phản ánh nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra, người dân cực chẳng đã tạo các bẫy đinh đúc trên khối bê tông để giữa đường, ngăn xe tải trọng lớn lưu thông. Hành vi tự phát này thậm chí làm căng thẳng thêm những mâu thuẫn trên địa bàn.
Trước thực trạng xe vi phạm về tải trọng, vi phạm kích thước thành thùng có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân khiến dư luận đang đặt câu hỏi UBND các huyện: Bình Xuyên, Tam Dương; Tam Đảo; Lập Thạch thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND tỉnh Vĩnh Phúc như thế nào? Công tác kiểm tra tải trọng đầu nguồn hàng, xử lý xe vi phạm về tải trọng, vi phạm kích thước thành thùng ra sao cũng như việc xử lý các doanh nghiệp vi phạm cam kết tải trọng, vi phạm thời gian quy định hoạt động trong quá trình khai thác khoáng sản?
Báo TNVN sẽ phản ánh trong số báo tiếp theo.
BÀI 1: NHỮNG "KẺ PHÁ ĐƯỜNG" BẤT CHẤP DƯ LUẬN