“Thông đồng” cấp Giấy xác nhận hỗ trợ?
Bỗng nhiên nhận được quyết định miễn, giảm tiền sử dụng đất trong chuyển đổi mục đích sử dụng lên tới hơn nửa tỷ đồng của Chi cục Thuế quận Long Biên, Hà Nội, trong khi chưa một lần xin làm thủ tục miễn giảm tiền sử dụng đất, miễn giảm tiền mua nhà và cũng không hay biết về chính mảnh đất mình đang được đứng tên, nhiều thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hoá học của huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội đã làm đơn “gõ cửa” các cơ quan chức năng và Báo TNVN đề nghị xác minh, làm rõ.
Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã làm đúng quy trình?
Ông Lại Trí Thức, thương binh hạng 1/4, sinh sống tại xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ, Hà Nội và nhiều thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hoá học thuộc đối tượng người có công huyện Chương Mỹ, phản ánh: Theo Quyết định 118-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở, trong đó thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh bị mất sức lao động từ 21 - 80%, tùy từng trường hợp, được hỗ trợ từ 70 - 90% tiền sử dụng đất.
Tuy nhiên, khi đến Sở LĐ-TB&XH Hà Nội xin cấp Giấy xác nhận hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở các thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học thuộc đối tượng người có công với cách mạng của huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội, họ nhận được câu trả lời Giấy này đã được cấp cho người khác rồi.
Không đồng tình với câu trả lời này bởi lẽ, chưa từng một lần xin trợ cấp về nhà ở, cũng không nhờ ai xin hỗ trợ này, và cũng chưa được cầm tờ giấy xác nhận này, các ông đã làm đơn thư phản ánh lên Sở LĐ-TB&XH Hà Nội về việc tổ chức, cá nhân lừa đảo một số trường hợp là người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Chương Mỹ để lấy Giấy xác nhận hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở do Sở LĐ-TB&XH cấp, nhằm trục lợi bất hợp pháp từ chính sách ưu đãi người có công, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của công dân.
Về nội dung này, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã có buổi làm việc trả lời. Biên bản làm việc ngày 8/10/2019 giữa đại diện Sở LĐ-TB&XH Hà Nội và các ông Lại Trí Thức, Vũ Thanh Bình, Nguyễn Minh Bầu có nội dung trả lời phản ánh nêu trên như sau: Sở đã thể hiện đúng quy trình khi cấp Giấy xác nhận hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở. Trong số những trường hợp có tên trong đơn gửi Sở, các ông Lại Trí Thức, Lại Duy Sang, Nguyễn Hồng Quang, Phạm Văn Sắc, có ký ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Minh ở Long Biên, Hà Nội để “xin giấy xác nhận hỗ trợ theo quyết định 117 và 118”, có chứng thực của UBND xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ. Các trường hợp còn lại có tên trong đơn gửi Sở không có ủy quyền nhưng người ký nhận thay giấy xác nhận là bà Nguyễn Thị Hương, trú tại số nhà 31, ngõ 71, phố Lệ Mật, phường Việt Hưng, quận Long Biên, TP. Hà Nội.
Tuy nhiên, các ông cho rằng câu trả lời của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội không thuyết phục, bởi các ông khẳng định chưa từng thực hiện thủ tục ủy quyền cho người khác làm thủ tục giấy xác nhận nêu trên và cũng không biết ông Nguyễn Văn Minh là ai. Và dù không có giấy ủy quyền của người trực tiếp được thụ hưởng nhưng Sở LĐ-TB&XH Hà Nội vẫn cấp giấy xác nhận trên cho bà Nguyễn Thị Hương là đã đúng với quy định của pháp luật?
Lừa đảo lấy hồ sơ thương binh, hợp thức để trục lợi?
Cũng trong đơn thư, ông Thức trình bày, trước khi đến Sở LĐ-TB&XH Hà Nội làm việc, cuối tháng 7/2017, ông Nguyễn Đăng Khoa là thương binh, địa chỉ số nhà 5, khu Bình Sơn, thị trấn Trúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, đến gặp gỡ các ông và giới thiệu về bà Nguyễn Thị Hương, trú tại số nhà 31, ngõ 71, phố Lệ Mật, phường Việt Hưng, quận Long Biên, TP Hà Nội, có “ngoại giao” xin được một số tiền trợ cấp nhân đạo phi Chính phủ để giúp đỡ đối tượng là thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học đang gặp khó khăn.
Để được hưởng khoản trợ cấp này, các ông phải nộp giấy tờ gốc gồm: thẻ thương binh, thẻ chứng nhận nhiễm chất độc hoá học, chứng minh nhân dân, sổ lĩnh trợ cấp, sổ hộ khẩu. Tin lời, các ông đã nộp hết những giấy tờ trên cho ông Khoa.
Sau khoảng một tháng, ông Khoa có thông báo và đưa các ông cùng vợ các ông đến quận Long Biên để nhận tiền trợ cấp với số tiền 20 triệu đồng mỗi người. Tại đây, các ông cũng nhận lại đầy đủ giấy tờ gốc đã đưa nêu trên.
Các ông cho biết, khi nhận tiền các ông và vợ của mình đều phải ký vào một tập giấy tờ do bà Hương đưa nhưng không biết nội dung do bà Hương không cho xem và bảo phải ký mới được nhận tiền. Sau đó anh em chúng tôi còn cảm ơn và biếu lại ông Khoa và bà Hương mỗi suất là 2 triệu đồng.
Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản và đẹp đẽ như các ông nghĩ. Ít tháng sau, một trong số các ông bỗng nhiên nhận được quyết định miễn, giảm tiền sử dụng đất của Chi cục Thuế quận Long Biên, mà các ông không hề biết về những mảnh đất này và các ông cũng chưa từng làm thủ tục miễn giảm tiền sử dụng đất, miễn giảm tiền mua nhà.
Một trong những quyết định trên có nội dung như sau: “Ngày 18/7/2017, Chi cục thuế quận Long Biên nhận được phiếu chuyển số 2339/PC-TTĐC, ngày 8/2/2018 kèm theo hồ sơ về việc chuyển mục đích sử dụng của ông Nguyễn Văn Viên đối với thửa đất số 147-2 (1) tờ bản đồ số 6, tại địa chỉ: Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội. Theo hồ sơ, ông được UBND quận Long Biên ban hành Quyết định số 258/QĐ/-UBND ngày 30/1/2018 về việc miễn giảm 90% tiền sử dụng đất với diện tích 90m2. Sau khi kiểm tra xử lý hồ sơ, Chi cục thuế quận Long Biên đã ban hành Quyết định miễn, giảm tiền sử dụng đất số 2142/ QĐ-CCT-TB&TK ngày 23/2/2018 số tiền ông Nguyễn Văn Viên được miễn giảm là: 539.460.000 đồng”.
Ông Viên có địa chỉ thường trú tại xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội là người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, mất 65% sức khoẻ, thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng đất theo Quyết định 118-TTg.
Sẽ không có gì đáng nói nếu như thửa đất số 147-2 (1) tờ bản đồ số 6 trên đúng thật là của ông Nguyễn Văn Viên. Nhưng sự thật là ông Viên không hề quản lý, sử dụng thửa đất trên. Phóng viên tìm hiểu thì được biết ông Viên mới mất. Tuy nhiên, vợ ông Viên là bà Nguyễn Thị Cử, xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội cam kết: “Chúng tôi không mua mảnh đất nào ở Long Biên, và không biết mảnh trên. Nay chồng tôi đã mất, mong cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ trả lại công bằng cho người có công với Nhà nước. Tôi cam kết lời nói trên là đúng sự thật”.
Trao đổi với phóng viên ông Thức cho biết: “Việc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội “tự ý” cung cấp giấy xác nhận cho bà Hương mà không có sự ủy quyền của chúng tôi là vi phạm pháp luật. Chúng tôi có quyền nghi ngờ có sự “thông đồng”, “cấu kết” giữa những người thực hiện chính sách của Sở LĐ-TB& XH Hà Nội với nhóm có dấu hiệu lừa đảo là ông Nguyễn Đăng Khoa, bà Nguyễn Thị Hương, để “chiếm đoạt” giấy trên, nhằm thực hiện các bước tiếp theo trục lợi chính sách, gây thất thoát ngân sách Nhà nước”.
“Chúng tôi, hầu hết là những thương binh nặng, bị cụt chân, cụt tay, nay lại bị lợi dụng để lừa đảo, trục lợi chế độ ưu đãi mà Đảng và Nhà nước đã ưu tiên cho chúng tôi, nên rất phẫn nộ trước hành động này” - ông Nguyễn Thanh Bình bức xúc cho biết.
Để những chính sách “đền ơn đáp nghĩa”, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” phát huy giá trị và có ý nghĩa thực tiễn, trả lại quyền lợi và lợi ích hợp pháp của những người có công với cách mạng, Báo TNVN đề nghị các cơ quan chức năng liên quan sớm vào cuộc làm rõ vụ việc
Năm 2020, cơ quan chức năng tỉnh Trà Vinh đã khởi tố hàng chục đối tượng để điều tra về hành vi lợi dụng chính sách có tính “hệ thống” để làm thủ tục miễn, giảm tiền sử dụng đất không đúng đối tượng, gây thiệt hại cho Nhà nước khoảng 120 tỷ đồng.
|
.