Dự án thủy điện Bắc Giang (Vàng Puộc), xã Quý Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn được khởi công từ năm 2009, nhưng đến nay vẫn chưa thành hình bởi 2 lần khởi công rồi lại dừng thi công. Tính đến ngày 31/12/2020, tổng dư nợ của dự án thủy điện Bắc Giang là gần 233,5 tỷ đồng và hơn 1,1 triệu USD.
5 lần nhận giấy chứng nhận đầu tư, dự án triển khai 13 năm vẫn "đắp chiếu".
Dự án thủy điện Bắc Giang (Vàng Puộc) được UBND tỉnh Lạng Sơn chấp thuận và cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho Công ty Someco 1, ngày 22/4/2008. Sau một thời gian triển khai thi công rầm rộ, do chủ đầu tư là Công ty Someco1 không đủ năng lực tài chính nên tiến độ dự án ngày càng chậm lại rồi dừng hẳn vào tháng 7/2011. Đến năm 2018 được tái khởi động, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, dự án tiếp tục bị ngừng thi công. Dự án đã được chấp thuận điều chỉnh 05 lần, với nội dung chính được điều chỉnh như sau: công suất máy: 14 MW; Tổng vốn đầu tư: 541,383 tỷ đồng; Tiến độ thực hiện được điều chỉnh: tái khởi động dự án: từ tháng 3/2018; hoàn thành, phát điện: tháng 5/2019.
Sau gần 14 năm khởi công, dự án vẫn chưa thể đưa vào vận hành và mới chỉ hoàn thành các hạng mục: đường vận hành, cống dẫn dòng, đường dây 35kV. Đập bờ phải, đập bờ trái, đập tràn, cửa nhận nước, kênh dẫn dòng… vẫn dang dở. Một số hạng mục đã bị xuống cấp nghiêm trọng, cấu trúc sắt thép đã hoen gỉ theo thời gian, gây sự lãng phí lớn.
Dự án “đắp chiếu” còn ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân trong khu vực lòng hồ, nhất là những hộ có đất đai, tài sản trong phạm vi thu hồi đất thực hiện dự án. Mùa mưa lũ, hoa màu của người dân bị ngập úng nhiều do công trình mới ngăn chặn một phần dòng chảy, nhiều vụ bà con mất trắng. Theo thống kê sơ bộ của địa phương, có khoảng 483 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó, 42 hộ bị thu hồi nhà ở, đất ở, phải di chuyển chỗ ở; 23 công trình hạ tầng công cộng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, khi ngành chức năng tiến hành kiểm điểm tài sản các hộ dân bị thiệt hại bởi dự án thì chủ đầu tư không phối hợp nên người dân không được bồi thường đầy đủ dẫn tới nhiều hộ dân bức xúc.
Sau khi tiến hành kiểm tra dự án Thủy điện Bắc Giang, ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - đã ký Kết luận thanh tra số 18/KL-UBND ngày 15/4/2022 nêu rõ: “Công ty không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư; không hoàn thành dự án theo tiến độ đã phê duyệt, không thực hiện Dự án đúng tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được điều chỉnh; chưa chủ động tích cực trong công tác giải phóng mặt bằng đối với khu vực lòng hồ của dự án. Đến nay Công ty không chứng minh được năng lực tài chính và khả năng huy động vốn đầu tư theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được điều chỉnh”. Kết luận thanh tra số 18 cũng nêu hàng loạt sai phạm khác trong thực hiện hợp đồng thuê đất, bảo vệ môi trường, cung cấp hồ sơ…
Trả lời phóng viên, ông Hà Mạnh Cường, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Trưởng đoàn thanh tra dự án - cho biết: "Hiện nay tỉnh đang giao các cơ quan xem xét các quy trình để xử lý theo quy định của pháp luật. Đây là vụ việc kéo dài và phức tạp, quy trình theo quy định của Luật Đầu tư mới cũng khá phức tạp nên Sở đang tiến hành rà soát lại các bước để kịp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trong tháng 7/2022".
Vốn chủ sở hữu 7 tỷ đồng, vay gần 300 tỷ đồng?
Nguyên nhân khiến tiến độ thi công chậm trễ được xác định là do năng lực tài chính yếu kém của chủ đầu tư. Đáng lo ngại là khoản vốn được cho vay ban đầu đang trở thành nợ xấu, nợ khó đòi và có nguy cơ gây thất thoát vốn nhà nước, trong khi một số cán bộ tín dụng thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn (NHNo Lạng Sơn) để xảy ra những sai phạm trong kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn và trả nợ của chủ đầu tư đã "hạ cánh an toàn" hoặc ung dung nhận vị trí mới.
Văn bản số 65/NHNo-TDDN chấp thuận cho vay đối với dự án có quy định rõ các điều kiện trước khi ký hợp đồng tín dụng: Chủ đầu tư phải tham gia đủ vốn tự có vào dự án tối thiểu 30% tổng mức đầu tư, tương đương 94 tỷ đồng. Đồng thời phải sử dụng tối thiểu 50% vốn tự có, tương ứng 47 tỷ đồng, để thực hiện dự án. Thế nhưng, Kết luận thanh tra số 07/KL-LAS.TTGSNH, ngày 5/1/2012 của NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh Lạng Sơn về việc thanh tra đột xuất đối với NHNo Lạng Sơn cho thấy: vốn chủ sở hữu của Công ty Someco1 tại thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng, ngày 21/01/2009 là 7 tỷ 086 triệu đồng. Như vậy, mức vốn tự có tham gia chưa được nổi 1/10 con số 30% tổng mức đầu tư theo yêu cầu của văn bản số 65/NHNo-TDDN, không đáp ứng đủ điều kiện để vay vốn.
Chưa hết, nhóm cán bộ này thêm một lần nữa cố tình làm trái với nội dung văn bản 65 về "giải ngân: theo tiến độ thực hiện dự án trên cơ sở khối lượng nghiệm thu hợp lệ, hợp pháp và theo tỷ lệ vốn tự có tham gia vào các dự án đã được xác định", khi tháng 7/2009, tiếp tục giải ngân số tiền 20 tỷ đồng cho Công ty Someco1 để tạm ứng thi công công trình. Đồng thời, các thỏa thuận đã ký trong Hợp đồng tín dụng vi phạm quy định “điều kiện vay vốn” của Thống đốc NHNN.
Kết luận thanh tra số 624/KLTT-LAS.3 ngày 17/12/2009, NHNN Chi nhánh Lạng Sơn đã nêu các tồn tại, sai phạm đối với khoản vay này và yêu cầu NHNo Lạng Sơn thực hiện đúng các điều kiện vay vốn, giải ngân. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn không thực hiện theo kết luận thanh tra, cố tình tiếp tục giải ngân trái quy định đối với khoản vay của Công ty Someco1, không tiến hành chỉnh sửa, khắc phục các hành vi sai phạm.
Kết luận thanh tra số 07 của NHNN Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn khẳng định: "hành vi sai phạm của chi nhánh diễn ra liên tục và có hệ thống, từ cán bộ phòng tín dụng, lãnh đạo phòng tín dụng và lãnh đạo chi nhánh trong việc giải quyết cho vay đối với dự án nói trên là vi phạm" rất nhiều điều khoản trong Luật các tổ chức tín dụng". Việc chi nhánh đã xét duyệt cho Công ty CP công nghiệp xây dựng vay mới để trả nợ cũ, sử dụng vốn vay sai mục đích, làm sai lệch chất lượng tín dụng tại đơn vị.
Từ việc phát hiện các sai phạm, tại thời điểm 5/01/2012, NHNN Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn kiến nghị Agribank Việt Nam kỷ luật và xử lý trách nhiệm đối với ông Vi Văn Việt - Giám đốc, ông Nông Văn Như - Phó Giám đốc, đồng thời kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của ông Hoàng Văn Cảm - Trưởng phòng và ông Hoàng Kim Vượng - Phó trưởng phòng Tín dụng. Nếu những kết luận thanh tra không được thực hiện nghiêm thì yêu cầu cách chức đối với những người vi phạm.
Do Công ty Someco1 không có khả năng trả nợ, Agribank Việt Nam đã phải phát đi thông báo tìm người mua toàn bộ khoản nợ với giá khởi điểm hơn 264,8 tỷ đồng. Sau lần rao bán đầu tiên không thành công, Agribank đã "giảm giá" 10%, rồi 24% nhưng vẫn không có ai mua.
Kết luận thanh tra số 07/KL-LAS.TTGSNH của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn: “Việc Chi nhánh Agribank Lạng Sơn cấp tín dụng dự án Thủy điện Bắc Giang đối với Công ty Someco1 và Công ty Toàn Phát đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc và điều kiện vay vốn, vi phạm trong việc thẩm định, kiểm tra và giám sát vốn vay; Không tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Agribankk Việt Nam; Không chấp hành kết luận thanh tra của Ngân hàng nhà nước chi nhánh Lạng Sơn”.
|
Trong khi ngân hàng gánh khoản nợ khổng lồ và "hạ giá" để tìm người mua, thì sau 10 năm, các cán bộ mắc sai phạm nghiêm trọng lại chỉ bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức "khiển trách bằng văn bản". Đến thời điểm này, ông Vi Văn Việt và ông Nông Văn Như đã nghỉ hưu - "hạ cánh an toàn" để lại khoản nợ khổng lồ treo trên đầu cán bộ công nhân viên chức đơn vị, trong đó có những người thời điểm đó chưa làm việc tại đó, vì chưa thể thu hồi vốn đối với dự án, khi thời gian ân hạn đã hết từ lâu.
Vì sao vấn đề trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đơn vị của ông Vi Văn Việt không được xem xét đầy đủ khi cho vay sai quy định khiến gần 300 tỷ đồng vốn Nhà nước có nguy cơ bị thất thoát, và đời sống người dân nơi có dự án chị ảnh hưởng nặng nề? Vụ việc xảy ra tại NHNo Lạng Sơn có dấu hiệu vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng đã được quy định rất rõ tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017./.