Những chuyện 'đắng lòng' tại HTX Đông Ba.

Hợp tác xã Đông Ba gần như bị 'xóa sổ'… các xã viên HTX nảy sinh mâu thuẫn quyền lợi rồi làm đơn tố cáo gửi đến nhiều cơ quan công quyền.

 

Bài 1- Quyền lợi xã viên còn hay mất?

-

 “Hiến” đất để được làm xã viên HTX

Từ khi đất nước chuyển sang cơ chế “thị trường”, mô hình Hợp tác xã thay đổi khá nhiều cả về quy mô lẫn phương thức hoạt động… Thực tế đó buộc các xã viên HTX và gia đình cũng phải đổi thay và bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn quyền lợi từ đây. Câu chuyện tại HTX Đông Ba là một ví dụ…

Năm 1962, HTX Tiền Phong được thành lập, nhiệm vụ là tăng gia sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Đến năm 1971, Ủy ban Hành chính quận Hai Bà Trưng, Hà Nội ra quyết định nhập 3 đội: trồng lúa, trồng rau, nuôi cá thành HTX Đông Ba. Qua xác minh, khi thành lập HTX Đông Ba, quận Hai Bà Trưng và TP.Hà Nội không có một diện tích đất nào giao cho HTX Đông Ba mà toàn bộ đất, ao nuôi cá là của các hộ gia đình tự nguyện hiến đất, ao góp vào HTX để được trở thành là xã viên của HTX thời điểm lúc bấy giờ.

Ông Thái Văn Sự - 75 tuổi (con của ông Thái Văn Tích và bà Nguyễn Thị Quỳ đều là cựu xã viên HTX Tiền Phong) cho biết: HTX đã từng hiến nhiều đất cho các dự án như năm 1968, gần 3 mẫu đất trồng rau xanh được TP.Hà Nội ra quyết định thu hồi để xây dựng Nhà máy bánh kẹo Hải Châu; năm 1992, thành phố Hà Nội thu hồi gần 5000m2 đất, ao thuộc Đội trồng rau của HTX Đông Ba để xây dựng Nhà máy nước chấm Maggi (sau chuyển thành Nhà máy bia Halida).

Những cựu xã viên và con em xã viên HTX Đông Ba gặp các nhà báo. 

Chủ trương của thành phố Hà Nội khi ấy là xây dựng 2 nhà máy để sản xuất (đường, sữa, sấy rau khô) phục vụ quốc phòng và phát triển nên các xã viên HTX Đông Ba hoàn toàn ủng hộ không ai đòi hỏi khoản tiền hỗ trợ nào.

Không chỉ những dự án kể trên được xây dựng trên đất HTX Đông Ba mà còn nhiều dự án khác… Có thể nêu ra đây dự án xây dựng Nhà thi đấu quận Hai Bà Trưng, tại ngõ 176 Trương Định. Để thực hiện dự án này, TP.Hà Nội ra quyết định thu hồi hơn 1.000m2, HTX Đông Ba được đền bù một khoản tiền khá lớn thế nhưng ông Chủ nhiệm HTX Đông Ba đã duyệt danh sách những xã viên được (chia tiền) không công bằng, dẫn đến sự bất đồng gay gắt của các xã viên diễn ra trong một thời gian dài không chia được tiền. Về phần này, Báo TNVN sẽ phân tích ở kỳ sau.

Dự án xây dựng Nhà văn hóa phường, nay thành Trụ sở UBND phường Trương Định cũng đã thu hồi 552m2 đất của HTX Đông Ba tại số 323 Trần Đại Nghĩa. Dự án này được UBND thành phố Hà Nội ra Quyết định.

Để thực hiện đường vành đai 2 trong giai đoạn tới, UBND quận Hai Bà Trưng đã chỉ đạo giải phóng chợ tạm Đồng Tâm trên đường Đại La về khu đất 3.900m2 tại phường Trương Định, ngách 20, ngõ Trại Cá trên nền đất ao Thống Nhất 1 + 2 đã được san lấp của HTX Đông Ba.

Cự xã viên và con em xã viên đến báo TNVN trực tiếp tố cáo

Dự án mở rộng Trường Tiểu học Trung Hiền, sẽ thu hồi của 32 hộ dân (đều là những hộ xã viên HTX Đông Ba) và một tổ chức (là HTX Đông Ba) với diện tích trên 1.000m2. Dự án Trường Tiểu học Trung Hiền do Ban quản lý dự án quận HBT làm chủ đầu tư. Đã làm xong công tác GPMB. Phương án cho những hộ dân bị giải tỏa thuộc dự án này, gồm: 10 hộ được tái định cư (mua nhà); 15 hộ dân đã có quyết định hỗ trợ; còn lại 6 hộ dân đang triển khai để thực hiện phương án.

Nói chung, cả 5 dự án nêu trên đều nằm trong diện tích đất - đầm ao của HTX Đông Ba. Có những dự án an sinh xã hội, dự án công trình công cộng.v.v. mỗi dự án đều có cơ chế chính sách rất cụ thể theo quy định của pháp luật - được đền bù, bồi thường hoặc hỗ trợ. Nhưng không phải dự án nào cũng được “bồi thường” bằng tiền…

Lấy đấy của HTX, xã viên phải được hưởng quyền lợi

Vào những năm đầu của thập kỷ 90, khi mô hình HTX dần dần co hẹp, nhiều HTX bị xóa bỏ hoàn toàn, các thành phần kinh tế - doanh nghiệp cũng bắt đầu phát triển… Theo bà con xã viên HTX Đông Ba, Ủy ban Hành chính quận Hai Bà Trưng đã tổ chức cuộc họp với các hộ gia đình xã viên HTX Đông Ba gồm nhiều thành phần tham gia bàn về việc thu hồi một số diện tích đất, ao của HTX để triển khai xây dựng một số công trình trên địa bàn quận Hai Bà Trưng… Các xã viên cũng tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. Nhưng quyền lợi các xã viên sẽ được gì khi đất, ao bị thu hồi không còn diện tích ao để nuôi cá? Và câu hỏi đặt ra, HTX Đông Ba có trách nhiệm như thế nào về quyền canh tác của những xã viên bị thu hồi đất, ao mà trước đó HTX đã có quyết định giao khoán đất, ao cho họ?

Người dân cũng có quyền đặt câu hỏi, một số doanh nghiệp lấy đất của HTX có trả tiền đất cho quận hay không? HTX Đông Ba có được nhận tiền bồi thường, hoặc hỗ trợ gì không? Ông Thái Văn Sự khẳng định: “toàn bộ xã viên và con em họ đều không nhận được bất cứ một khoản tiền hỗ trợ nào từ việc thu hồi đất giao cho các doanh nghiệp”.

Ông Trần Ngọc Thế - cựu xã viên đang trực tiếp viết tố cáo những nội dung mới tại báo TNVN

Câu chuyện những hộ dân bị GPMB tại Dự án mở rộng Trường Tiểu học Trung Hiền vẫn còn nhiều phức tạp, chưa có sự thống nhất về việc xác định số hộ - vẫn còn “bất nhất”, dù đã có phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tưởng như rất cụ thể và rõ ràng. Bước đầu, xác định: có 10 hộ tái định cư; 15 hộ đã có quyết định hỗ trợ; còn lại 6 hộ đang triển khai xem xét. Bởi trong 6 hộ dân này đang khởi kiện ra tòa, nên UBND phường Trương Định sẽ thực hiện cuốn chiếu về chính sách cho những hộ dân còn lại.

Nhiều người cho rằng: “Gia đình họ đã ăn ở ổn định từ nhiều năm, không có tranh chấp, đã đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước - là thuộc quyền sở hữu của họ, và phải được công nhận là đất ở, là chủ của mảnh đất ấy”. Phải khẳng định rằng, những mảnh đất, ao, đầm mà HTX trước đây đã từng quản lý thì chủ của những đất, ao này vẫn là HTX Đông Ba. Việc người dân tự lấp ao của HTX, rồi tự ý xây dựng nhà không phép trên mảnh đất, ao này là vi phạm. Các hộ xã viên “hiến” đất, ao vào HTX Đông Ba là câu chuyện khác về tính pháp lý. Nhưng không thể lý giải được tình trạng xã viên HTX Đông Ba không được hưởng lợi gì trong khi nhiều dự án (trừ dự án An ninh - quốc phòng) lấy đất của HTX để làm việc khác.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận