Thanh Thủy, Phú Thọ: Núp bóng hạ cốt nền để khai thác cao lanh trái phép

Lấy lý do xin hạ cốt nền, người dân có đất đã câu kết với nhiều đối tượng huy động máy móc để khai thác đất san lấp, cao lanh đem đi tiêu thụ. Việc khai thác này đã hủy hoại đất, nhà nước thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường, hư hỏng đường giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân...

 

Rầm rộ khai thác “lậu” tài nguyên

Báo Tiếng nói Việt Nam nhận được phản ánh của nhân dân xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ về tình trạng khai thác tài nguyên trái phép, gây ô nhiễm môi trường, xe tải trọng lớn cày nát đường dân sinh, tiềm ẩn tai nạn giao thông cho người dân nơi đây. Điều đáng nói, tình trạng khai thác trái phép diễn ra công khai, trong suốt thời gian dài vẫn không bị cơ quan chức năng xử lý khiến người dân nơi đây hoài nghi rằng đang có sự “chống lưng” cho sai phạm nên các đối tượng mới xem thường pháp luật, thách thức dư luận.

Vị trí khai thác đất, cao lanh tại khu 7, xã Sơn Thủy là của hộ ông Lê Văn Hảiị trí khai thác đất, cao lanh tại khu 7, xã Sơn Thủy là của hộ ông Lê Văn Hải

Từ những phản ánh của nhân dân, ngày 27/7/2022, phóng viên Báo TNVN đã có mặt tại vị trí khai thác đất san lấp, cao lanh tại khu 7, xã Sơn Thủy. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, diện tích đất đồi đã bị khai thác diện rộng cả nghìn m2, với khối lượng chục nghìn m3 đất san lấp, cao lanh. Tại thời điểm này, có máy xúc hạng nặng đang hoạt động, nhiều phương tiện ô tô ra vào tấp nập ăn hàng, tiếng còi xe, tiếng gầm rú, tiếng va đập vang vọng. Nếu thoạt nhìn ai cũng hình dung ra đây là một đại công trường khai thác tài nguyên được nhà nước cấp phép chứ không phải là một điểm khai khác nhỏ lẻ tài nguyên “lậu”.

Tấp nập xe tải trọng lớn ra vào ăn hàng, chở quá ngọn, không che chắn, cày nát tuyến đường dân sinh...

Trong quá trình khai thác, các đối tượng phân loại đất san lấp được chuyển thẳng lên những chiếc xe tải đang chờ ăn hàng như các xe mang biển kiểm soát: 37C - 020.25; 19C - 096.75; BKS: 89C - 094.62; 89K - 7994; 75C - 065.61... Ngoài ra, khối lượng đất màu trắng (cao lanh) được máy múc tập kết thành đống.

Những chiếc xe tải trọng lớn, chở quá tải, không che chắn nên trong quá trình vận chuyển đã rơi vãi đất, đá xuống đường gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, đây là tuyến đường dân sinh nhỏ bé, việc những chiếc xe tải trọng lớn hoạt động tiềm ẩn tai nạn giao thông cho người dân nơi đây.

Trao đổi với phóng viên, những người dân nơi đây xin giấu tên đã thể hiện rõ sự bức xúc, lo lắng. Ông N.V.T cho biết: Tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản diễn ra đã nhiều tháng nay. Kể từ khi họ khai thác, cuộc sống của người dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Con đường bê tông này mới đưa vào sử dụng không lâu, nay ngày đêm bị xe tải trọng cày xéo, đã xuất hiện nhiều ổ gà, sống trâu, sớm muộn thì tuyến đường này cũng bị tan nát, điều đó không những gây khó khăn cho người dân trong việc lưu thông mà còn gây lãng phí tiền ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân khi bỏ ra xây dựng tuyến đường này. Lợi nhuận họ bỏ vào túi, hậu quả ai chịu trách nhiệm?..”, ông N.V.T bày tỏ.

Sai phạm đã rõ, kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc

Theo tìm hiểu, vị trí khai thác đất, cao lanh tại khu 7, xã Sơn Thủy là của hộ ông Lê Văn Hải, đất bị khai thác là đất rừng sản xuất. Ông Hải đã “câu kết” với bà Lưu Thị Dung, tổ 16b, phố Đoàn Kết, Tiên Cát, TP Việt Trì - là người địa phương khác, đưa máy móc, phương tiện, nhân lực để hạ cốt, khai thác đất san lấp, cao lanh trái phép.

Việc làm của ông Hải, bà Dung đã gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, hủy hoại đất, gây thất thoát tài nguyên quốc gia, gây hỏng hóc đường giao thông, tiềm ẩn tai nạn giao thông cho người dân nơi đây.

Để có thông tin khách quan, cùng ngày, phóng viên Báo TNVN đã làm việc với ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy. Sau khi xem hình ảnh, video tình hình khai thác đất san lấp, cao lanh tại vị trí đất nhà ông Hải và các phương tiện ô tô chở đất san lấp đi tiêu thụ lưu thông trên tuyến đường dân sinh, ông Dũng thừa nhận: “Hoạt động khai thác tài nguyên tại vị trí đất nhà ông Hải chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, việc người dân phản ánh là hoàn toàn chính xác”.

 

Khi phóng viên hỏi, việc người dân khai thác tài nguyên khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là trái quy định của pháp luật, vi phạm trong thời gian dài đến khi phóng viên thực tế vẫn diễn ra rầm rộ, công khai, chính quyền có nắm bắt được?

Về vấn đề này, ông Dũng cho biết: “Việc khai thác tài nguyên khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là trái quy định của pháp luật. Chúng tôi đã hai lần kiểm tra lập biên bản yêu cầu chủ đất là ông Hải, bà Dung là người đứng ra khai thác, vận chuyển dừng ngay hoạt động. Thế nhưng, khó xử lý...”.

Phóng viên yêu cầu ông Dũng cung cấp hồ sơ có liên quan đến việc xử lý sai phạm, ông Dũng cung cấp những văn bản như: Biên bản làm việc; Biên bản xử phạt hành chính; Biên bản lời khai; Báo cáo đề xuất; Quyết định xử phạt hành chính; Hợp đồng thuê Quyền sử dụng đất… Như vậy, thay vì chấp hành, hộ ông Hải và bà Dung vẫn tiếp tục tái phạm hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, khai thác tài nguyên trái phép là xem thường pháp luật.

Tội khai thác khoáng sản trái phép như sau:

Tại Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định cụ thể:

Đối với cá nhân:

a, Phạt tiền từ 300 triệu - 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:Thu lợi bất chính từ 100 - dưới 500 triệu đồng; Khoáng sản trị giá từ 500 triệu - dưới 01 tỷ đồng; Đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…

b, Phạt tiền từ 1,5 - 05 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 - 07 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên; Khoáng sản trị giá từ 01 tỷ đồng trở lên; Có tổ chức; Gây sự cố môi trường...

Mặt khác, ngoài hành vi hủy hoại đất, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, hộ ông Hải đã sử dụng, chuyển nhượng đất rừng sản xuất trái mục đích. Điều đó được thể hiện, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CO: 324419, do UBND huyện Thanh Thủy, Phú Thọ cấp ngày 01/8/2018 cấp cho hộ ông Hải diện tích đất diện tích 12.465,1m2 tại thửa đất số 21, tờ bản đồ số 33, khu 7, xã Sơn Thủy. Mục đích sử dụng: Đất rừng sản xuất, nguồn gốc sử dụng đất nhà nước công nhận quyền sử dụng đất giao đất không thu tiền sử dụng đất và thời hạn sử dụng đến ngày 01/7/2064.

Thay vì sử dụng đất đúng mục đích, đến ngày 20/8/2018, ông Hải đã ký hợp đồng cho thuê toàn bộ diện tích đất rừng sản xuất nêu trên cho ông Lỗ Bá Hùng, hộ khẩu thường trú tại thôn Hòa Bình, xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc là người địa phương khác thuê với giá 1,5 tỷ đồng để canh tác, sản xuất, thời hạn thuê 10 năm.

Đất bị thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai

Theo khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013, các trường hợp thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai gồm: Sử dụng đất không đúng mục đích và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm; Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất; Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền...

Như vậy, việc sai phạm trong quản lý, sử dụng đất, hủy hoại đất, tài nguyên khoáng sản đã rõ. Báo Tiếng nói Việt Nam kiến nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý sai phạm, đồng thời quy trách nhiệm cụ thể đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra sai phạm.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận