Dẹp nạn vượt biên lao động trái phép: Cần biện pháp mạnh

Để ngăn chặn nạn vượt biên đi lao động trái phép, 1 trong 3 giải pháp cần tăng cường đó là tuyên truyền để người dân không mắc bẫy "việc nhẹ lương cao".

 

Thực tiễn cho thấy, nạn vượt biên lao động trái phép rất phức tạp, liên quan đến nhiều bên, như: cá nhân và gia đình người lao động, vấn đề việc làm, công tác quản lý dân cư và quản lý biên giới, quản lý xuất nhập cảnh của các lực lượng chức năng. Điều này đặt ra bài toán cho nhiều bên liên quan, phải cùng vào cuộc để giải quyết vấn đề.

Tăng nhận thức, cảnh giác

Hầu hết nạn nhân vướng bẫy lừa việc làm ở Campuchia ở độ tuổi rất trẻ và trình độ thấp, việc làm bấp bênh. Họ dễ mắc bẫy khi nghe những lời “mật ngọt”. Từ thực tiễn đấu tranh phòng chống vượt biên lao động trái phép ở biên giới, Trung tá Đoàn Trọng Nghĩa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư, tỉnh Bình Phước cho rằng, giải pháp tuyên truyền để tăng nhận thức cho người lao động là rất quan trọng. Tại Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư từ đầu năm đến nay có hàng ngàn người xuất cảnh đi làm. Để chủ động ngăn ngừa hệ lụy của nạn vượt biên lao động trái phép, Trung tá Đoàn Trọng Nghĩa và đồng đội cùng cán bộ các xã vùng biên “đi tận ngõ, gõ tận nhà” để tuyên truyền. Cán bộ các trạm cửa khẩu cũng thường xuyên trao đổi với người lao động khi xuất nhập cảnh, giúp họ hiểu rõ thêm những thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo.

Trung tá Đoàn Trọng Nghĩa nói: “Người ta chỉ biết nghe người này, người kia nói, rằng sang bên đó làm việc lương cao. Tại khu vực cửa khẩu, khi người dân xuất cảnh thì chúng tôi có tuyên truyền trao đổi để cho công dân biết một số thông tin cần thiết trước khi sang Campuchia”.

Không chỉ các lực lượng chức năng làm công tác tuyên truyền mà cả những người lao động hợp pháp, thường xuyên qua lại làm việc vùng biên giới 2 nước cũng được khuyến khích và là nhân tố tích cực, giúp đỡ người dân hiểu, tránh dính bẫy lừa.

Bà Trần Thị Hằng, một tiểu thương hoạt động mua bán qua cửa khẩu cho biết, ở Campuchia có rất nhiều người Việt sang tìm việc làm. Đối với những người quen biết, bà Hằng khuyên họ không vượt biên trái phép, không tin lời hứa “việc nhẹ, lương cao” mà hãy liên hệ những công ty hợp pháp, nhất là của người Việt để xin việc, hoặc tìm việc làm ngay trong nước để tránh rủi ro.

“Tôi khuyên họ ở đây sống bao nhiêu năm rồi đừng nghe lời người ta dụ dỗ, không có chỗ nào làm hơn 1.000 USD. Người ta lừa qua đây sau đó bán lại. Trường hợp qua casino đánh bài tôi cũng khuyên không tốt, không được đâu", bà Hằng kể lại.

Bắt giữ người qua biên giới trái phép đi làm (Ảnh: Vinh Quang)

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, để ngăn chặn nạn mua bán người, cũng như lao động ra nước ngoài làm việc trái phép đang có chiều hướng gia tăng, cần cải thiện đời sống người dân ở vùng khó khăn và tích cực tuyên truyền để họ cảnh giác trước những thủ đoạn của bọn tội phạm.

"Người dân phải hiểu biết thì mới tránh được những chiêu lừa lọc, phải có việc làm, thu nhập đầy đủ thì mới không tìm đến những việc nhẹ lương cao. Các cơ quan, chính quyền và cá nhân, tổ chức cần cung cấp những kiến thức, kinh nghiệm để làm sao phòng tránh, để họ có cơ hội việc làm, ngăn chặn triệt để nạn buôn bán người và những hành vi vi phạm pháp luật", luật sư Nguyễn Văn Hậu nêu quan điểm.

Đào tạo nghề, tăng việc làm là căn cơ

Tiếp cận ở góc độ việc làm, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng, để góp phần ngăn nạn vượt biên lao động trái phép thì việc tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề cho lao động ở các địa phương vùng biên giới là căn cơ. Tuy nhiên, theo bà Hương, hiện tượng buôn bán người lâu nay không phải do thiếu việc làm, mà từ những thông tin sai lệch. Bởi kể cả khi có việc làm thì nhiều người vẫn sẵn sàng ra nước ngoài nếu thấy có cơ hội tốt hơn, nghe lời hứa hẹn lương cao. Cho nên, quan trọng là phải có đường dây nóng để khi có sự cố, người lao động báo về cho gia đình, cho chính quyền địa phương để các cơ quan chức năng kịp thời can thiệp.

"Phải thông tin tuyên truyền, đặc biệt đường dây nóng vô cùng quan trọng. Bộ Lao động thành lập đường dây nóng về việc lao động cưỡng bức, buôn bán người, nô lệ việc làm và đường dây này phải xuyên biên giới, để khi có chuyện người ta kêu cứu về. Mình có hệ thống cán bộ, mạng lưới tận thôn xã, khảo sát về việc làm nhân dịp này tuyên truyền rộng rãi về những cạm bẫy, thủ đoạn của bọn buôn người để mọi người biết", bà Hương kiến nghị.

Dẫn chứng lại vụ 39 người tử vong trong xe đông lạnh ở Anh, bà Hương cho rằng, cạm bẫy muốn kiếm tiền an nhàn là mối nguy, khiến nhiều nạn nhân giấu gia đình, chính quyền, rời khỏi quê hương nhưng không ngờ lại rơi vào tình cảnh bi đát. Do đó, mỗi khi có cuộc điều tra lao động việc làm thì những trường hợp vắng mặt tại địa phương cần tìm hiểu cặn kẽ, tuyên truyền về hình thức lao động khổ sai, trá hình. Riêng trường hợp hơn 40 lao động từ Campuchia trở về vừa qua thì họ cũng tham gia lên mạng lừa đảo người khác. Theo bà Hương, mặc dù những người này cũng đáng thương, nhưng cần có biện pháp xử lý thỏa đáng để răn đe, phòng ngừa.

Bộ đội Biên phòng Bình Phước tuần tra các tuyến biên giới (Ảnh: Đ.C)

Tăng cường tuần tra, kiểm soát và hỗ trợ người lao động

Sau đợt dịch COVID-19, hiện mỗi ngày tại các cửa khẩu ở biên giới Tây Nam có hàng ngàn người xuất cảnh sang Campuchia, Thái Lan để làm việc và du lịch. Nhiều nhất là tại cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh với khoảng từ 2.000 đến 3.000 người/ngày. Tại đây cũng có hơn 40 công ty dịch vụ lữ hành đăng ký thực hiện thủ tục cho khách hàng. Thời điểm đầu và cuối các kỳ nghỉ lễ, lượng du khách, người lao động qua lại cửa khẩu Mộc Bài bằng hộ chiếu có thể lên đến hơn 10.000 người.

Trước những diễn biến mới hiện nay, cũng như từ câu chuyện 42 lao động Việt Nam tháo chạy khỏi một casino ở biên giới Campuchia, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn. Cụ thể là khẩn trương làm việc với lực lượng Công an và Cục Di trú nước bạn để phối hợp xử lý các vụ việc liên quan. Chính quyền và lực lượng chức năng của Việt Nam từ Kom Tum đến Kiên Giang tiếp tục phối hợp nước bạn tăng cường tuần tra, kiểm soát và hỗ trợ lao động người Việt. Đồng thời cử các đoàn kiểm tra tại các địa phương có đường biên giới, tiếp tục có giải pháp quyết liệt trong quản lý xuất nhập cảnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng khẳng định người dân vẫn qua lại biên giới bình thường nếu đáp ứng thủ tục theo quy định của pháp luật, để cư dân vùng biên có điều kiện lao động hợp pháp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Song song đó, các đơn vị đẩy mạnh đấu tranh, xử lý triệt để các đường dây lôi kéo, móc nối đưa người qua biên giới trái phép.

"Vấn đề ngăn ngừa xuất nhập cảnh trái phép được duy trì thường xuyên. Biên phòng 10 tỉnh biên giới của Việt Nam từ Kom Tum tới Kiên Giang và 9 tỉnh của Campuchia tiếp tục thường xuyên trao đổi nắm tình hình. Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cử các đoàn công tác, khả năng sẽ tăng cường ở một số điểm nóng như thời điểm phòng chống dịch", Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương thông tin.

Như vậy, cần nhiều giải pháp để dẹp nạn vượt biên lao động trái phép, trong đó có 3 nhóm giải pháp quan trọng, cấp thiết mà chúng tôi vừa ghi nhận. Cùng với những giải pháp đó và thực hiện nghiêm các quy định hiện hành của pháp luật, hy vọng trong thời gian tới sẽ dần dẹp bỏ được nạn vượt biên lao động trái phép, ngăn chặn hệ lụy nó gây ra./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận