Lách luật để huy động vốn?
Chỉ đầu tư 100 triệu đồng sau 24 tháng nhà đầu tư sẽ thu về 194 triệu đồng, lợi nhuận thu được so với số vốn ban đầu bỏ ra sẽ là 47%/năm, đây là con số khủng vượt gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng hiện hành. Với cách huy động vốn này có thể nói, các gói đầu tư mà Nhật Nam đã và đang đưa ra có mức lợi nhuận rất hấp dẫn, nhưng lại có dấu hiệu “bất thường” khi cao gấp cả chục lần lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại. Nhiều nghi ngại được đặt ra, Nhật Nam hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả như thế nào mà lại có thể trả mức lợi nhuận cao ngất ngưởng?
Phân tích những rủi ro của người đầu tư hợp tác kinh doanh với Nhật Nam, các luật sư cho rằng, nếu “mô hình Ponzi” không bị các cơ quan chức năng ngăn chặn thì thường đổ vỡ vì những lý do, như: Công ty, người điều hành “biến mất”, lấy hết số tiền đầu tư còn lại; công ty, người điều hành tuyên bố phá sản hoặc không thể trả tiền cho nhà đầu tư vì lợi nhuận phải trả sắp vượt quá các khoản đầu tư mới…
Phân tích về tính pháp lý trong hoạt động huy động vốn của Nhật Nam, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc, Công ty Luật TNHH TGS (Thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, theo quy định, hợp tác đầu tư dù lãi suất có cao đến 100% hay 200%, thì cũng không vi phạm quy định pháp luật, nhưng với điều kiện là các công ty này phải huy động vốn để đầu tư vào các dự án thực. “Trên thực tế, khó có dự án hay hoạt động sản xuất - kinh doanh nào mang lại lợi nhuận cao ngất ngưởng như thế. Rất nhiều hoạt động huy động vốn theo hình thức hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư lãi suất cao có dấu hiệu kinh doanh đa cấp, chiếm đoạt tài sản. Nhà đầu tư phải cẩn thận với các lời mời chào hợp tác đầu tư với lãi suất “trên trời”, tìm hiểu kỹ về mô hình đầu tư có phải là hình thức đa cấp không, dự án đầu tư cụ thể là dự án nào, giấy tờ pháp lý có đầy đủ không. Nếu không tìm hiểu kỹ, nhà đầu tư sẽ gặp rủi ro và có nguy cơ mất trắng số tiền đã đầu tư”, luật sư Hùng cảnh báo.
Cảnh báo rủi ro khi đầu tư vào Công ty BĐS Nhật Nam
Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình vừa ra văn bản số 7327/VPUBND-KTTH về xử lý nội dung liên quan đến hành vi, hoạt động huy động vốn có nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự của Nhật Nam.
Văn bản này nêu rõ, xét đề nghị của Công an tỉnh Hòa Bình tại Tờ trình số 221/TTr-CAT-ANKT, ngày 22/8/2022, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến:
Căn cứ thông báo của Cục An ninh Kinh tế, Bộ Công an tại công văn số 518/ĐK, ngày 4/8/2022 có nêu: Nhật Nam, trụ sở chính tại 54 Ngô Thị Thu Minh, phường 2, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh; người đại diện theo pháp luật là Vũ Thị Thúy (hộ khẩu thường trú khu 4, xã Thạch Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa), cổ đông góp vốn gồm: Vũ Thị Thúy, Mai Thanh Tùng (chồng Vũ Thị Thúy), Vũ Đức Tại có hành vi huy động vốn thông qua “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, đưa ra yêu cầu bảo mật thông tin và cam kết không hình sự hóa các tranh chấp, chỉ hòa giải dân sự tại tòa án kinh tế, nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.
Hiện nay, công ty này thành lập nhiều chi nhánh và các văn phòng giao dịch bất động sản tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, lôi kéo nhiều nhà đầu tư tham gia góp vốn với cam kết trả lợi nhuận hàng ngày với tỷ suất lợi nhuận cao (từ 5 - 7%/tháng, tương đương 60 - 84%/năm, kèm theo nhiều ưu đãi BĐS).
Sau khi ký hợp đồng và nộp tiền, các nhà đầu tư sẽ được chi trả lợi nhuận hàng ngày vào tài khoản. Nhưng khi chia lợi nhuận cho nhà đầu tư, Nhật Nam không sử dụng tài khoản doanh nghiệp mà sử dụng tài khoản cá nhân của Vũ Thị Thúy để chuyển tiền, hành vi này có dấu hiệu che giấu thu nhập đã chia cho các nhà đầu tư, qua đó trốn tránh nghĩa vụ kê khai thuế thu nhập cá nhân thay cho các nhà đầu tư, vi phạm Luật Quản lý thuế.
Mục đích sử dụng vốn huy động của Nhật Nam có nhiều dấu hiệu nghi vấn, khả năng hoạt động theo mô hình "Ponzi” (lấy tiền của người này trả lợi nhuận cho người khác), đến một thời điểm nào đó, Nhật Nam không còn khả năng chi trả cho nhà đầu tư sẽ nảy sinh tranh chấp, khiếu kiện, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.
Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu Sở KH-ĐT, Sở Xây dựng, Sở TN-MT, Sở TTTT, Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, UBND các huyện, thành phố phối hợp Công an tỉnh thực hiện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức rà soát các chi nhánh, văn phòng đại diện của Nhật Nam và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có dấu hiệu, hành vi, hoạt động huy động vốn tương tự để có biện pháp ngăn chặn, xử lý; rà soát các cá nhân: Vũ Thị Thúy (giám đốc), cổ đông góp vốn: Mai Thanh Tùng, Vũ Đức Tại có tài khoản hoặc giao dịch chuyển tiền tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh.