Tiếp tục làm việc thì thu nhập không đủ sống, muốn nghỉ chế độ sớm, nghỉ chờ hưu để làm công việc khác nhưng không được vì công ty nợ tiền bảo hiểm nên không chốt được sổ bảo hiểm, người lao động tại Công ty cổ phần khoá Minh Khai rơi vào tình trạng “sống dở chết dở”.
Lương không đủ sống, nghỉ không được
Lặng lẽ dàn hàng dưới ánh nắng hanh khô rát, một nhóm người đại diện cho hơn 40 lao động đang làm việc tại Công ty cổ phần khóa Minh Khai mặc lên mình những chiếc áo cờ đỏ sao vàng, tay cầm biểu ngữ với dòng chữ “9 năm Công ty cổ phần khoá Minh Khai không đóng BHXH của công nhân”. Cả nhóm người đứng im lặng dưới nắng trước cổng toà nhà COMA, tại ngõ 125D, Minh Khai suốt từ sáng tới trưa.
“Đã nhiều buổi sáng chúng tôi đứng ở đây, những mong Tổng Công ty (Tổng Công ty cơ khí xây dựng - COMA - Công ty mẹ của Công ty cổ phần khoá Minh Khai - PV) hỗ trợ giúp bảo đảm quyền lợi của chúng tôi nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi hiện nay đi làm thì thu nhập không đủ nuôi thân, muốn xin nghỉ chế độ chờ hưu để có thời gian làm công việc khác thì không được do công ty nợ BHXH trong thời gian dài. Mấy chục con người từng gắn bó bao năm với Nhà máy khóa Minh Khai nay sống dở chết dở, tiến thoái lưỡng nan. Cực chẳng đã, không biết kêu ai nên mới phải đeo biển bêu nắng thế này. Nào có ai muốn thế này đâu…”, rưng rưng cố ngăn hai hàng lệ rơi xuống, chị Tống Thu Huyền, công nhân xưởng lắp ráp của Công ty cổ phần khóa Minh Khai, chia sẻ.
Qua trao đổi được biết, chị Huyền đã làm việc tại xưởng lắp ráp ổ khóa của Công ty cổ phần khóa Minh Khai 27 năm. Hiện tại, công việc chỉ duy trì 4 ngày/tuần với tổng thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng. Công nhân làm việc tại các bộ phận khác có thu nhập tốt hơn, tùy theo bậc lương nhưng cũng không quá 3 triệu đồng/tháng đối với những người có số năm công tác hơn 30 năm và được hưởng bậc lương cao nhất.
“Nhà tôi 2 cháu còn đi học, 1 mẹ già, chồng chạy xe grap, hoàn cảnh rất khó khăn, đi làm tiếp thì mất 4 ngày/tuần nhưng thu nhập không đủ nuôi thân, muốn xin nghỉ chế độ để có thời gian làm công việc khác nhưng không được vì công ty nợ bảo hiểm gần 10 năm rồi, khổ quá”, chị Huyền chia sẻ.
Trường hợp của anh Lê Khắc Thể, 52 tuổi, đã làm việc tại Công ty cổ phần khóa Minh Khai hơn 28 năm. Anh Thể cho biết: “Công việc của tôi vẫn phải đi làm 4 ngày/tuần. Tuy nhiên, công việc thực tế của tổ sơn như tôi chỉ cần đi làm 2 ngày là đủ để hoàn thành cho các bộ phận khác làm trong 10 ngày nên thời gian đến công ty rất lãng phí. Thu nhập lại chỉ gần 3 triệu đồng/tháng. Cũng may, nhà chỉ có 2 bố con, con trai cũng đã đi làm nên đời sống đỡ hơn nhiều anh em khác trong công ty. Hiện tại tôi đã thừa số năm nộp BHXH theo quy định, nộp đơn xin nghỉ sớm chờ sổ hưu nhưng không được vì công ty nợ tiền bảo hiểm gần 10 năm nay”.
Anh Nguyễn Đình Sơn là thế hệ thứ 2 làm công nhân tại Công ty cổ phần khóa Minh Khai và anh đã có 23 năm làm việc tại tổ gia công của công ty. Trước anh Sơn, bố mẹ anh cũng đều là công nhân Nhà máy khóa Minh Khai. Hiện anh Sơn có 3 con nhỏ, vợ làm việc tự do nên rất khó khăn. Anh Sơn chia sẻ: “Chúng tôi đều là những người làm việc lâu năm tại công ty, người ít nhất cũng 20 năm nên không thể bỏ việc được. Những lứa công nhân trẻ làm việc trên dưới 10 năm tại công ty đều đã lựa chọn bỏ việc, vứt bỏ quyền lợi để tìm công việc khác vì họ còn trẻ, gắn bó chưa lâu như chúng tôi. Chúng tôi hiện nay đã có tuổi, gắn bó lâu năm với công ty, bây giờ vứt bỏ quyền lợi thì về già sẽ không biết cậy nhờ vào đâu, làm việc tiếp tục thì không đủ sống, nếu công ty chây ỳ khoản nợ BHXH của chúng tôi thì chúng tôi không biết sống ra sao trong tương lai”.
Chị Đặng Thị Tuyết đã có 26 năm cống hiến và gắn bó với công ty, chia sẻ: “Không gian làm việc bị thu hẹp, chật chội, bản thân phải kiêm nhiệm những công việc không phải chuyên môn của mình với đồng lương ít ỏi. Hai con tôi đã lớn, một đứa vừa ra trường chưa có việc làm, một đứa thì vẫn đang học đại học. Chồng tôi làm kinh doanh tự do với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng, lương của tôi trung bình hơn 1 triệu đồng/tháng. Hỏi rằng với mức lương của cả hai vợ chồng như vậy cùng với chi phí đắt đỏ tại Hà Nội, gia đình tôi xoay xở cuộc sống như thế nào? Chưa kể việc chậm lương thường xuyên xảy ra”.
Thời điểm hiện tại, Công ty cổ phần khoá Minh Khai có 9 lao động đã nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động nhiều tháng nhưng vẫn chưa được chốt sổ BHXH. Ngoài ra, nhiều lao động khác cũng đã nộp đơn xin nghỉ chờ sổ vì lo ngại nếu tiếp tục kéo dài sẽ càng khó khăn, không có tiền cho công ty vay đóng BHXH.
|
Được biết, Công ty cổ phần khoá Minh Khai hiện có 45 lao động đang làm việc tại các tổ sản xuất. Người làm việc lâu năm nhất là 31 năm, người ít nhất cũng gần 20 năm. Từ năm 2014 đến nay, hằng tháng, Công ty cổ phần khoá Minh Khai dù vẫn khấu trừ 10,5% tiền lương công nhân đóng BHXH của số lao động này nhưng không hề nộp cho BHXH. Hậu quả là, người đủ năm công tác, đủ tuổi về hưu hoặc người muốn xin nghỉ sớm chờ hưu đều không được giải quyết.
Nghỉ chế độ phải tự nộp BHXH
Trao đổi với nhóm lao động trên được biết, đã có 2 trường hợp đến tuổi nghỉ hưu nhưng không chốt được sổ BHXH do công ty không nộp BHXH, người lao động đã phải đi vay tiền cho công ty vay để nộp bảo hiểm cho chính mình. Anh Nguyễn Văn Xuân, một trong hai trường hợp trên chia sẻ với phóng viên: “Cách đây 4 năm tôi đến tuổi về hưu, khi đó công ty nợ BHXH nên không chốt sổ được, tôi đã phải đi vay 100 triệu đồng rồi cho công ty vay dưới hình thức góp vốn, thực tế là vay để đóng BHXH cho chính tôi, sau đó công ty trả dần hằng tháng. Đến nay, tuy số tiền gốc đã trả hết nhưng khoản tiền lãi thì chưa trả một đồng nào. Trường hợp của chị Chiên, nghỉ cùng đợt với tôi cũng giống như vậy nhưng số tiền công ty vay ít hơn, chỉ hơn 50 triệu đồng, do chị Chiên có số năm công tác ít hơn tôi. Cho đến nay, trường hợp của chị Chiên thì công ty vẫn chưa hoàn trả hết số tiền gốc”.
Tại biên bản làm việc (lần 2) ngày 15/9/2022 giữa đại diện người lao động, Công ty cổ phần khoá Minh Khai, đại diện UBND huyện Thanh Trì, nơi Công ty cổ phần khóa Minh Khai đặt trụ sở, Công ty Công ty cổ phần khóa Minh Khai tiếp tục đưa ra đề nghị “Thoả thuận vay vốn người lao động có trả lãi” hoặc “Nguồn tài chính từ Tổng Công ty COMA cho vay trong tháng 9/2022” để giải quyết chế độ cho những người thực sự muốn nghỉ theo lộ trình ưu tiên những người ốm đau, đủ điều kiện nghỉ hưu, có số năm công tác nhiều. Số còn lại sẽ giải quyết trong quý IV/2022 và tiếp tục trong năm 2023. Tuy nhiên, cho đến nay đã hết tháng 9/2022 vẫn chưa có lao động nào được giải quyết chế độ, được Công ty Công ty cổ phần khóa Minh Khai nộp số tiền BHXH còn nợ.
“Gần 10 năm qua, công ty vẫn khấu trừ tiền BHXH vào lương công nhân nhưng không nộp cho cơ quan BHXH, số tiền này đi đâu?, vào túi ai?”, chị Huyền bức xúc đặt câu hỏi và chia sẻ: Đến thời điểm hiện tại, công ty đang nợ BHXH trên 12,2 tỷ đồng, công nhân lo lắng sẽ khó được đảm bảo quyền lợi nếu tiếp tục làm việc và đang có đơn xin nghỉ việc hàng loạt. Đã nhiều lần tập thể công nhân kiến nghị lên tổng công ty, các cơ quan quản lý, Sở LĐ-TB&XH…, đề nghị giúp đỡ, yêu cầu Ban Giám đốc Công ty giải quyết nợ BHXH để họ yên tâm làm việc, song đến nay tình hình vẫn chưa thay đổi”.
Được biết trong buổi làm việc (lần 1) ngày 30/8/2022, Ban Giám đốc Công ty cổ phần khóa Minh Khai thông báo về lộ trình đóng BHXH. Tuy nhiên, theo lộ trình này thì phải đến năm 2027 công ty mới nộp hết số nợ BHXH và số phát sinh. Tập thể người lao động không đồng ý với lộ trình này.
Chị Lê Thị Liên, tổ gia công, cho biết, chiều 31/8/2022, có 15 công nhân đã viết đơn xin nghỉ việc gửi Ban giám đốc. “Họ (lãnh đạo Công ty CP Khoá Minh Khai - PV) bảo, bây giờ nếu muốn chốt sổ BHXH thì phải xin nghỉ việc. Ai có nguyện vọng xin nghỉ thì nộp đơn rồi họ sẽ báo cáo lên Tổng Công ty xem xét ai được nghỉ trước, ai nghỉ sau. Tới đây sẽ còn thêm nhiều người xin nghỉ việc nữa vì họ không thể tiếp tục làm việc nếu không bảo đảm chế độ BHXH. Trong các đơn xin nghỉ việc đều sẽ ghi rõ: Trước khi ra quyết định cho thôi việc, Ban Giám đốc Công ty phải đảm bảo các quyền lợi cho người lao động”.