Dự án giao thông thuộc Chương trình 30A bị 'tuýt còi' ở Thường Xuân, Thanh Hóa:

Do sự tắc trách của UBND huyện Thường Xuân cùng các cơ quan chức năng có liên quan dẫn đến Dự án giao thông thuộc Chương trình 30A tại huyện Thường Xuân với tổng mức đầu tư hơn 40 tỷ đồng đã phải dừng lại giữa chừng, vì đi qua đất rừng phòng hộ, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép

 

Bài 1: Tiền tỷ "ném đường", trách nhiệm thuộc về ai?

 

Vỡ mộng con đường “bạc tỷ”...

Ngày 2/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1722/QĐ -TTg về việc phê duyệt mục tiêu chương trình Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Mục tiêu của Chương trình là thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Chương trình với những mục tiêu cụ thể, trong đó, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt; tạo điều kiện để người dân tham gia thực hiện các hoạt động của Chương trình để tăng thu nhập thông qua tạo việc làm, nhằm phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện tiếp cận thị trường…

Ngày 22/5/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành QĐ 1814 về việc phê duyệt DA..

Thực hiện Quyết định 1722/QĐ-TTg, ngày 22/5/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 1814/QĐ-UBND “v/v phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng công trình đường giao thông từ thôn Buồng, xã Luận Khê đi thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc, huyện Thường Xuân”. Tuyến đường có chiều dài 7,7km, quy mô đường giao thông nông thôn cấp III, theo TCVN 10380:2014, thuộc Chương trình 30A của Chính phủ (dành cho các xã vùng đặc biệt khó khăn), tổng mức đầu tư 40.398.985.000 đồng. Chủ đầu tư Dự án là UBND huyện Thường Xuân. Sau đó, nhà thầu thi công là Tổng Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Minh Tuấn khởi công xây dựng vào khoảng cuối năm 2020, đến tháng 3/2021 đã phải dừng lại.

Theo tìm hiểu của phóng viên, người dân thôn Buồng, xã Luận Khê; thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc và bà con người dân tộc thiểu số các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của Thường Xuân gồm các xã Vạn Xuân, Xuân Chinh, Xuân Lẹ đã chịu nhiều vất vả khi di chuyển, giao thương trên con đường vòng, khó đi, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội.

Cuối năm 2020, khi khởi công Dự án giao thông thuộc Chương trình 30A, từ thôn Buồng, xã Luận Khê đi thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc bà con vô cùng phấn khởi, kỳ vọng tuyến đường được hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ thay đổi được cuộc sống của họ. Bởi đây là tuyến đường được đánh giá là rất cần thiết, góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế, giảm bớt khó khăn trong đi lại, buôn bán, cải thiện đời sống nhân dân một số thôn, xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Thường Xuân.

Tuyến đường đang thi công dang dở...

Một người dân sinh sống bên cạnh tuyến đường cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi nhà nước làm tuyến đường này, vừa thuận lợi hơn trong việc đi lại, giao thương hàng hóa trong vùng; nhất là việc thu hoạch, vận chuyển gỗ keo. Tuy nhiên, đã lâu rồi, chúng tôi không thấy thi công tuyến đường, bà con buồn lắm”. Người dân còn cho biết thêm, khi làm đường, nhà thầu đã đổ đất tràn xuống suối cạnh đó với khối lượng lớn, bà con đã từng phải báo cáo việc này lên xã.

Hơn nữa, theo quan sát của phóng viên, đoạn đường mới được thi công, chưa rải đá, lu lèn đã hư hỏng, xuống cấp với những rãnh, vết nứt dày đặc. Theo người dân, nguyên nhân là do ở đây có địa hình hiểm trở, dốc; cộng thêm thời tiết khắc nghiệt, nên chỉ qua vài trận mưa lũ là tuyến đường thành ra thế này.

Đơn vị thi công tuyến đường ngang nhiên san gạt đất lấp suối...

Đáng nói, trong tổng số chiều dài 7,5km của tuyến đường này thì có tới 5km đi qua rừng phòng hộ, với chiều rộng mặt đường khoảng 3 - 4m. Do địa hình rừng núi hiểm trở nên hai bên ta-luy dương có chiều rộng lên đến vài chục mét. Do đó, tổng diện tích rừng phòng hộ phải san ủi để làm đường khoảng 8,1ha.

“Phá trước, xin sau”, Dự án “đắp chiếu” vô thời hạn...

Về nguyên nhân tuyến đường đang thi công thì phải dừng lại, ông Dương Thanh Xuân, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Thường Xuân (đại diện chủ đầu tư) cho biết: Dự án này mới thi công được khoảng vài km từ hai điểm đầu là thôn Buồng, xã Luận Khê và thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc thì phải dừng lại, nguyên nhân do đoạn giữa, nối hai đầu vướng phải đất rừng chưa được chuyển đổi, chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép.

 

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 18/3/2021, Trạm trưởng trạm Kiểm lâm Tân Thành (phụ trách địa bàn), trực thuộc Hạt Kiểm lâm Thường Xuân đã phối hợp với UBND xã Luận Khê và Trưởng thôn Buồng, cùng đại diện nhà thầu thi công đã tiến hành lập biên bản tại hiện trường “về việc kiểm tra đơn vị thi công làm đường giao thông qua đất lâm nghiệp”.

Nội dung biên bản nêu rõ: “…Thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn xã Luận Khê, Trạm Kiểm lâm Tân Thành phối hợp với UBND xã Luận Khê, Ban quản lý thôn Buồng làm việc với đơn vị thi công công trình giao thông từ thôn Buồng, xã Luận Khê đến thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc… Kiểm tra hiện trường: Hiện nay, đơn vị thi công đã động thổ, tổ chức thi công (với máy húc, ủi, lu) đang thi công múc vào khu vực đất rừng 02 của các hộ gia đình trong thôn. Qua kiểm tra thuộc khu vực tọa độ 536.426 và 218 98 31… Hiện nay, đơn vị thi công đã được bàn giao mặt bằng để thi công, nhưng chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền, thu hồi đất lâm nghiệp và thanh lý tài sản cây rừng. UBND xã Luận Khê và tổ công tác yêu cầu đơn vị tạm dừng hoạt động máy múc trên khu vực đất lâm nghiệp. Khi nào có đầy đủ hồ sơ pháp lý mới tiếp tục thi công”.

Tiếp đó, ngày 19/3/2021, UBND xã Luận Khê đã có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND huyện và Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Thường Xuân về vụ việc này để xin ý kiến chỉ đạo.

Làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân, đại diện lãnh đạo Hạt cho biết: Trong quá trình khảo sát thiết kế, lập hồ sơ Dự án, cũng như khi tổ chức thi công tuyến đường, Hạt Kiểm lâm huyện đều không hay biết; không được UBND huyện tham vấn, xin ý kiến dưới bất kỳ hình thức nào. Do đó, chỉ khi nhà thầu thi công vi phạm vào đất lâm nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý, Kiểm lâm mới phối hợp cùng UBND xã tiến hành kiểm tra, lập biên bản yêu cầu dừng thi công.

Về phía Ban Quản lý Rừng phòng hộ Thường Xuân, ông Lê Thế Sự, Giám đốc Ban khẳng định: Mặc dù là chủ rừng, nhưng ông chỉ được UBND huyện mời họp, xin ý kiến khi việc thi công tuyến đường bị lập biên bản, tạm dừng. Ông Sự cho biết thêm, phương án “nắn tuyến” để tránh rừng phòng hộ gần như là không khả thi, bởi đây là tuyến ngắn nhất, đỡ khó khăn nhất do không phải qua khu vực có sông, suối, khe sâu. Nếu thay đổi, phải làm đường vòng tới vài chục km.

Những nội dung có trong văn bản 1814/QĐ - UBND

Về hướng giải quyết vụ việc này, ông Sự cho rằng: Đây là rừng phòng hộ nên phải đề nghị và được Hội đồng nhân dân tỉnh họp, thống nhất chủ trương và gửi tờ trình, xin Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang mục đích khác (cụ thể ở đây là thực hiện dự án giao thông). Quá trình này phải qua nhiều cấp, nhiều cơ quan chuyên môn nên mất rất nhiều thời gian và công sức, mà chưa biết có được chấp thuận hay không.

Như vậy, trước sự tắc trách trong quá trình khảo sát, lập dự án của chủ đầu tư, hàng chục tỷ đồng của nhà nước có nguy cơ đổ xuống sông; và dự án có thể sẽ vĩnh viễn không được thực hiện. Cá nhân, tập thể nào phải chịu trách nhiệm trước việc làm cẩu thả, thiếu trách nhiệm này?

 

Bình luận

    Chưa có bình luận