Dự án Tu bổ tôn tạo Gò Đống Thây: Nhiều 'góc khuất' cần phải được làm rõ

Nhiều hộ dân thuộc tổ 14 phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội đã gửi đơn đến Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội kiến nghị về việc thực hiện dự án tu bổ tôn tạo Gò Đống Thây. Đồng thời, người dân cũng chỉ ra nhiều 'góc khuất' cần phải được làm rõ tại dự án này.

 

Có hay không hành vi buông lỏng quản lý trong quản lý đất đai?

Gò Đống Thây nằm trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Đây là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của quân Tây Sơn đại phá 29 vạn quân Thanh năm 1789. Ngày 28/9/1990, Bộ trưởng Bộ văn hóa thông tin thể thao và du lịch (nay là Bộ văn hóa thể thao và du lịch) ký Quyết định số 993-QĐ, xếp hạng di tích lịch sử Gò Đống Thây là di tích cấp Quốc gia. Ngày 26/3/1997, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1185/QĐ-UB, giao Ban quản lý Di tích danh thắng Hà Nội sử dụng 26.722m2 đất tại khu vực Gò Đống Thây, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân để quản lý và bảo tồn di tích lịch sử - nghệ thuật. Tuy nhiên theo đơn phản ánh của người dân, cuối năm 2021 gần 60 hộ dân tại tổ 14 phường Thanh Xuân Trung nhận được tập hồ sơ pháp lý phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án: Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Chủ đầu tư là UBND quận Thanh Xuân, đơn vị thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư là Ban quản lý dự án ĐTXD quận Thanh Xuân. Qua nghiên cứu hồ sơ được cung cấp, các hộ dân nhận thấy có nhiều điều cần phải làm rõ.

Người dân sinh hoạt tại Dự án Gò Đống Thây

Cụ thể là về mốc giới ngoài thực địa, theo nội dung phản ánh trong đơn thư, thực tế các hộ dân sinh sống ổn định từ những năm 1970, 1980 đến nay nhưng không nhìn thấy bất kỳ mốc giới nào được cắm để bảo vệ di tích. Cũng theo nội dung đơn thư: “Người dân đã sinh sống nhiều năm trước thời điểm năm 1990 (năm công nhận di tích), năm 1997 (năm UBND thành phố Hà Nội giao đất bảo vệ di tích) song chúng tôi hoàn toàn chưa nhìn thấy bất kỳ “cột mốc giới” nào tại khu vực chúng tôi sinh sống. Và cũng chưa từng “được nghe” lãnh đạo phường Thanh Xuân Trung (trước là xã Nhân Chính) “nhắc nhở” rằng chúng tôi đã vi phạm khu vực bảo vệ di tích. Như vậy, mốc giới theo nội dung quyết định trên chưa được cơ quan chức năng thi hành trên thực tế. Việc xác định ranh giới 26.722m2 trên thực tế có phản ảnh đúng ranh giới di tích lịch sử cần bảo vệ cho 07 Gò Đống Thây và cũng như quyền lợi người dân nhiều năm nay bị “bỏ ngỏ” hay không?”.

Bên cạnh đó người dân cũng đề nghị, để làm rõ ranh giới diện tích đất 26.722m2 trên sổ địa chính, bản đồ phải được cơ quan chức năng các cấp vào cuộc. Cần làm rõ ai là người phải chịu trách nhiệm việc không cấp GCNQSDĐ, công nhận nơi ở hợp pháp cho 60 hộ dân ở ổn định 50 năm nay tại khu vực này và hành vi cấp chồng lên khu đất chúng tôi sinh sống ổn định đất cho gia tộc Phạm Quyền. Đồng thời làm rõ việc cấp đất cho Quân khu 3 làm trụ sở, sân tennit thể dục, trụ sở UBND phường thuộc khu đất bảo vệ di tích lịch sử Gò Đống Thây từ năm 1990?, Ai là người phải chịu trách nhiệm?.

Quyết định 811

Ngoài ra, theo đơn thư phản ánh, di tích lịch sử Gò Đống Thây được công nhận xếp hạng năm 1990 nhưng các hộ dân sinh sống ở khu gần Gò Đống Thây từ những năm 1970, 1980, cuộc sống ổn định 40 - 50 năm nay, không tranh chấp đất với ai, không vi phạm pháp luật. Nhưng không hiểu vì sao sổ mục kê, sổ địa chính bản đồ ghi nhận nơi các hộ dân sinh sống ổn định lại là “sổ trắng” khu “đất trắng” và không có thông tin trong hệ thống quản lý đất đai tại địa phương. “Điều này thể hiện sự buông lỏng quản lý, sự không trung thực trong các báo cáo với cơ quan cấp trên trong vấn đề quản lý đất đai của UBND nhân dân phường Thanh Xuân Trung, UBND quận Thanh xuân”, đơn thư nêu rõ.

Nhiều “góc khuất” cần phải được làm rõ

Theo tài liệu mà nhóm phóng viên thu thập được, tại Điều 2, Quyết định số 993 -QĐ, quy định: Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng khai thác trong những khu vực bảo vệ của di tích đã khoanh vùng, trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh phải được phép của Bộ trưởng Bộ văn hóa thông tin thể thao và du lịch. Tại Luật sửa đổi bổ sung Luật di sản văn hóa năm 2009, điều 32 quy định: “Đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ văn hóa, thể thao và du lịch”.

Nhưng tại công văn số: 4394/BVHTTDL – DSVH, ngày 28/10/2016 của Bộ văn hóa thể thao và du lịch về việc thỏa thuận điều chỉnh khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích Gò Đống Thây, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội lại do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ký. Như vậy, căn cứ trên quy định của pháp luật di sản, văn bản không tên loại (công văn) nêu ý kiến ở trên được ký bởi Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã đủ điều kiện để được coi là căn cứ thực hiện dự án tu bổ tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây hay không? Và khi ký các văn bản nêu ý kiến, với chức năng quản lý ngành, Bộ đã có sự đánh giá chi tiết, toàn diện về “bản chất dự án” mà UBND quận Thanh Xuân lập và trình trong việc “tu bổ, tôn tạo” di tích đúng với định nghĩa được quy định tại khoản 12, Điều 4, Luật di sản văn hóa năm 2001 và ý kiến về tu bổ, tôn tạo của một số chuyên gia nghiên cứu về văn hóa và di sản? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho nội dung văn bản chưa phù hợp với quy định pháp luật để UBND quận Thanh Xuân coi là “sự đồng ý” và triển khai thực hiện “dự án”? Câu hỏi đặt ra ở đây là dự án di tích cấp Quốc gia nhưng không có văn bản “quyết định” từ người có thẩm quyền là Bộ trưởng có đúng quy định của pháp luật hay không?.

Điều ngạc nhiên nữa là, ngày 26/4/2010, UBND quận Thanh Xuân có Quyết định số 811/QĐ-UBND về việc giao thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư xây dựng công trình: Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây, phường Thanh Xuân Trung với tổng mức đầu tư dự kiến trên 1 tỷ đồng. Nhưng đến ngày 30/3/2017, UBND quận Thanh Xuân lại ban hành văn bản số 15/HĐND phê duyệt chủ trương dự án như số tiền đã lên đến 234 tỷ đồng. Việc sử dụng ngân sách như vậy có phải tuân thủ Luật Đầu tư công; Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật di sản văn hóa; Luật ngân sách hay không? Căn cứ vào đâu để UBND quận Thanh Xuân ban hành quyết định điều chỉnh kinh phí thực hiện dự án lên gấp 234 lần?.

Trao đổi với nhóm phóng viên, đại diện Công ty TNHH xã hội và luật Sinh Hùng khẳng định, căn cứ vào các tài liệu văn bản mà người dân thu thập và cung cấp về dự án tu bổ, tôn tạo Gò Đống Thây mà UBND quận Thanh Xuân đang triển khai, có nhiều dấu hiệu sai phạm, các văn bản chồng chéo trái quy định pháp luật, cần phải tiến hành kiểm tra làm rõ.

Đại diện 60 hộ dân bức xúc cho biết: “Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng thanh kiểm tra toàn diện dự án tu bổ tôn tạo Gò Đống Thây mà UBND quận Thanh Xuân thực hiện từ năm 2010 đến nay. Nếu phát hiện sai phạm trong việc quản lý, kiểm kê đất đai, việc cố ý lập dự án sai quy định thì đề nghị có hình thức xử lý cá nhân có chức vụ thực hiện nhiệm vụ công vụ trái pháp luật theo quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước.

Việc thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo Gò Đống Thây, nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần rà soát về quy trình, thủ tục đầu tư dự án mà UBND quận Thanh Xuân đang thực hiện và đặc biệt cần phải giải quyết thỏa đáng quyền lợi của những người dân khi bị thu hồi đất liên quan đến dự án này.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận