Làm giấy phép lái xe giả nhưng quảng cáo thật 100%, có mã QR

Từ tháng 6 - 10/2022, Phạm Văn Vượng tạo ra khoảng 20 trang Fanpage để chạy quảng cáo nhận cấp đổi GPLX.

 

Từ tháng 6 đến tháng 10/2022, Phạm Văn Vượng đã tạo ra khoảng 20 trang Fanpage, thường lấy phần đầu tên là: “Trung Tâm Đào Tạo và Sát Hạch Lái Xe...” để chạy quảng cáo nhận cấp đổi GPLX các hạng, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiên của người có nhu cầu.

Sáng 2/11, tại Việt Trì, Công an tỉnh Phú Thọ tổ chức họp báo thông báo kết quả đấu tranh một số chuyên án, vụ án nổi bật. Đại diện lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Phú Thọ đã thông tin cụ thể nội dung và quá trình thực hiện các chuyên án và vụ án cho các cơ quan báo chí.

Thượng tá Phạm Đình Thi, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Phú Thọ.

Thông tin về vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, Thượng tá Phạm Đình Thi, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho biết, qua công tác trinh sát trên không gian mạng, Phòng Cảnh sát hình sự phát hiện trong thời gian gần đây có tình trạng nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đăng ký xin cấp/ đổi giấy phép lái xe (GPLX) ô tô, mô tô trên mạng xã hội Facebook, chỉ từ 7 – 10 ngày là nhận được GPLX và hồ sơ sát hạch thông qua dịch vụ “ship hàng”.

Quá trình xác minh phát hiện trên mạng xã hội xuất hiện nhiều trang Fanpage với danh nghĩa là các Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe, chạy quảng cáo tự động với nội dung: “nhận làm GPLX các hạng A1, A2, B1, B2...”, và luôn cam kết “GPLX thật 100%, có mã QR, người có nhu cầu chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, chụp ảnh và căn cước công dân để đăng ký sau đó Trung tâm sẽ cử người thi hộ, bao đỗ và được Sở GTVT cấp GPLX, có đầy đủ hồ sơ gốc, khi nhận được hồ sơ và GPLX mới phải trả tiền...”.

Qua xác minh thấy các “Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe” được quảng cáo và nhận cấp đổi GPLX đều không có địa chỉ thật, không có thông tin trong hệ thống đào tạo lái xe được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; đã có số lượng lớn người đăng ký xin cấp đổi GPLX các hạng trên nhiều tỉnh, thành phố nhận được hồ sơ và GPLX để sử dụng. Xác định đây là một nhóm đối tượng có sử dụng công nghệ cao để hoạt động tội phạm, lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo rồi làm giả GPLX nhằm chiếm đoạt tài sản của nhiều người.

Tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tổ chức xác minh và áp dụng các biện pháp trinh sát, xác định nhóm đối tượng đã thuê phòng 1 căn hộ chung cư thuộc xã Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội để thực hiện hành vi phạm tội.

Ngày 6/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã thành lập nhiều tổ công tác phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra và thi hành lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở, đồ vật của các đối tượng.

Thời điểm khám xét phát hiện có nhiều đối tượng cùng ở trong phòng gồm: Hoàng Văn Đằng (SN 1995); Phạm Văn Vượng (SN 1994); Tống Xuân Duy (SN 2003); Cao Thị Hiền (SN 2003) đều trú tại xã Giao Tiến, Giao Thuỷ, Nam Định); và Trần Nhung Huyền (SN 2005), trú tại thôn 3, xã Phú Sơn, Nho Quan, Ninh Bình).

Cơ quan điều tra đã tạm giữ 8 điện thoại di động các loại có chứa nhiều thông tin liên quan đến hành vi lừa đảo và làm giả Giấy phép lái xe. Đồng thời, ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Đằng, Vượng, Duy, Hiền và tiến hành triệu tập đối với Huyền để làm rõ.

Căn cứ kết quả điều tra xác định, từ khoảng tháng 6 đến tháng 10/2022, Phạm Văn Vượng đã tạo ra khoảng 20 trang Fanpage trên nền tảng mạng xã hội Facebook, thường lấy phần đầu tên là: “Trung Tâm Đào Tạo và Sát Hạch Lái Xe...” để chạy quảng cáo nhận cấp đổi GPLX các hạng, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiên của người có nhu cầu đăng ký xin cấp đổi GPLX.

Tang vật Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ thu giữ.

Vượng rủ Duy, Hiền, Đăng đến ở cùng để bàn bạc, thống nhất phân công nhiệm vụ. Từ trang Fanpage, Vương chia ra các tài khoản nhỏ có liên kết với ứng dụng Pancake V2 để giao cho Duy, Hiền, Đằng theo dõi và mời chào, chốt đơn với người có nhu cầu đăng ký xin cấp đổi GPLX; mức giá chung cho một bộ hồ sơ GPLX các đối tượng đưa ra là: GPLX mô tô giá 1tr3/ 1 bộ, GPLX ô tô giá từ 2,5- 4 triệu đồng/ 1 bộ.

Khi có người nhận chốt đơn đăng ký xin cấp đổi GPLX thì Duy, Hiền, Đằng chuyển thông tin cho Vương qua ứng dụng tin nhắn Telegram, Vượng có trách nhiệm liên hệ với đối tượng làm giả hồ sơ và GPLX, sau đó gửi dịch vụ ship hàng nhanh dưới hình thức ship COD (tức là sau khi nhận hàng, kiểm tra hàng mới phải thanh toán tiền đơn hàng) và thu tiền của người đã đăng ký cấp đổi GPLX để chiếm đoạt, Vương chia cho người đã nhận chốt được đơn hàng theo tỷ lệ: Đơn hàng từ 1 triệu đồng trở xuống được trả công là 100 nghìn đồng; đơn hàng từ 1,1 đến 2,5 triệu đồng được trả công là 200.000 đồng; đơn hàng từ 2.5 triệu đồng trở lên được trả công là 300 nghìn đồng.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận đã bán hàng trăm bộ hồ sơ và GPLX giả cho nhiều người trên nhiều tỉnh, thành phố khác nhau để thu lời bất chính. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra đã tạm giữ 127 bộ hồ sơ sát hạch lái xe và GPLX của người bị hại để phục vụ công tác điều tra

Ngày 14/10/2022 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với: Phạm Văn Vượng, Hoàng Văn Đằng, Tống Xuân Duy, Cao Thị Hiền về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; quy định tại Điều 174 và 341 Bộ luật hình sự. Hiện vụ án đang tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Thượng tá Phạm Đình Thi, trưởng Phòng Cảnh sát hình sự cho biết, các đối tượng bị bắt giữ mua toàn bộ phôi ngoài thị trường thông qua các mạng xã hội. Sau đó, các đối tượng vào một trang web tạo ra một mã QR miễn phí. Từ đó, các đối tượng truy cập thông tin từ CCCD, họ tên, ngày sinh,… và nhập vào mã QR. Người sử dụng, sau khi quét mã QR nổi lên toàn bộ thông tin cá nhân. Về quy trình, và đối tượng sản xuất hiện cơ quan cảnh sát điều tra đang tiếp tục điều tra mở rộng.

Về quá trình tạo ra mã QR Code, Đại úy Nguyễn Quang Huy, đội trưởng Đội 6, phòng Cảnh sát Hình sự thông tin, trên mạng có rất nhiều trang web của nước ngoài. Các trang web này cho phép người sử dụng tạo ra mã QR Code, chỉ cần người sử dụng lên Google tìm kiếm “cách thức tạo ra QR Code”, có thể ra hàng loạt với hướng dẫn cụ thể với nhiều trường thông tin.

Về thao tác, người sử dụng chỉ mất khoảng 30 giây đến 1 phút có thể tạo ra một mã QR. Mã QR đó, sau khi người sử dụng kết nối từ máy tính đến một máy in chuyên dụng sẽ ra mã QR với thông tin đầy đủ./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận