Người dân Vĩnh Hưng 'ngã ngửa' khi đất ở bỗng nhiên vào quy hoạch (bài 2)

Chính quyền cơ sở không lấy ý kiến người dân khi làm quy hoạch dẫn tới một quy hoạch không phù hợp thực tế cuộc sống: đặt trường gần nút "thắt cổ chai"

 

Bài 2: Đất còn đầy mà sao đặt trường vào chỗ "thắt cổ chai"?

 

Trong số báo trước, nhóm phóng viên Báo Tiếng nói Việt Nam đã phản ánh thực trạng chính quyền cơ sở không lấy ý kiến người dân khi làm quy hoạch. Chính cách làm việc đó dẫn tới một quy hoạch không phù hợp thực tế cuộc sống: Đặt trường mầm non dự kiến đón nhận 600 trẻ vào trong con ngõ "thắt cổ chai" có mặt cắt chưa tới 3m.

Chưa có trường còn tắc

Ngõ 259 phố Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội vốn có nút thắt cổ chai ngay đầu ngõ, với mặt cắt khoảng 2,5m - 3m, nên chỉ cần một chiếc ô tô và 2 - 3 chiếc xe máy tránh nhau là có thể gây nên ùn ứ cục bộ. Giờ tan tầm, lượng ô tô, xe máy, xe đạp đi vào ngõ mỗi lúc một đông khiến việc di chuyển vô cùng khó khăn, ùn tắc càng thêm nghiêm trọng.

Len lỏi từng bước qua phần thắt cổ chai đang ùn ứ giờ tan tầm để về được căn nhà cách đó 500m, một người phụ nữ ở ngõ 259 phố Vĩnh Hưng than phiền: "Ối giời ôi, ngày nào cũng tắc như này, giờ mà mở trường học nữa thì riêng xe đưa đón cũng đủ nút chặt ngõ rồi, còn ai đi lại được nữa?".

Đó cũng là quan điểm của rất nhiều người sinh sống trong ngõ 259 phố Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội - những người hoàn toàn không có lợi ích liên quan gì đến lô đất 2800m2 đang được dự kiến lấy làm trường mầm non, ngoài việc họ đã, đang và sẽ phải ngày ngày qua lại trước khu đất này. Nếu được biến thành trường và đón nhận khoảng 600 học sinh, cùng với đó là 600 người đưa đón và ít nhất cùng phải có 400 phương tiện đón đưa, thì áp lực đè nặng lên hạ tầng giao thông của ngõ 259 Vĩnh Hưng không biết còn lớn đến thế nào?

Chưa có trường, đường đã tắc

Ông Dương Bá Hùng ở ngõ 259 Vĩnh Hưng cho biết, tuy nhà ông không thuộc phạm vi lấy đất làm trường mầm non, nhưng là người sống ở đây lâu đời nên ông biết rõ khu vực này như thế nào. Ngõ nhỏ, đường nhỏ nên thường xuyên ùn tắc. Trời mưa to thì con ngõ hay bị ngập do nước không thoát được. Do đó, nếu đưa một công trình như trường học vào đây thì sẽ rất ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm sáng, chiều khi phụ huynh đưa đón con đi học. “Bình thường đã suốt ngày tắc đường tắc ngõ rồi, vậy khi đưa cả ngôi trường học vào đây, mỗi học sinh có một người lớn đưa đi, đón về, chỉ cần đợi trước cổng trường 15 phút đón con thì tôi không thể hình dung sẽ như thế nào. Nếu làm trường thì ngõ này phải mở rộng gấp 4-5 lần hiện nay để còn đảm bảo cho xe ô tô ra vào được, xe phòng cháy chữa cháy khi có hỏa hoạn, có chỗ cho phụ huynh đợi, đón con. Nhưng tôi thấy không hợp lý lắm, trong khi phường Vĩnh Hưng có nhiều đất nông nghiệp ở mặt đường lớn chưa sủ dụng đến, nên quy hoạch về đó thuận tiện hơn nhiều”, ông Hùng nói.

Đồng quan điểm, bà Dương Thị Chiến ở ngõ 179 Vĩnh Hưng cho rằng, bà thấy việc xây trường mầm non ở trong ngõ 159 Vĩnh Hưng là rất bất hợp lý. Theo bà, trường cấp 1, 2 Vĩnh Hưng vốn đã trong ngõ nhỏ, sáng, chiều nào cũng ùng tắc rồi thì không nên làm thêm trường mầm non trong ngõ nữa. Trong khu dân cư rất đông, ngõ thì nhỏ, nếu có thêm trường mầm non, với 500-700 cháu nhỏ khi mà các phu huynh đưa con đến lớp đầu giờ sáng hay cuối giờ chiều thì sẽ dẫn đến ùn tắc kéo dài.

“Với cái ngõ nhỏ như vậy thì không thể đưa trường học vào đó được, bình thường vài xe ba bánh chở cát, gạch xây dựng vào trong đã gây ùn tắc, cản trở giao thông rồi, nếu làm trường học trong này thì đi bộ còn khó. Về lâu dài chúng tôi mong có trường khang trang ở nơi giao thông thuận tiện, không nên cố đưa vào ngõ nhỏ, rất bất hợp lý”, bà Chiến bày tỏ.

Ngay cả ông Tạ Ngọc Đông - Tổ trưởng dân phố số 4, phường Vĩnh Hưng - người trực tiếp tham gia công tác tại khu vực này cũng khẳng định: "Ở ngõ 259 mật độ dân số rất cao nên nếu xây trường ở đấy thì giao thông đi lại của người dân khó khăn hơn nhiều".

Vẫn là lỗi quy hoạch

Đến Vĩnh Hưng hỏi người dân liệu có còn chỗ đặt trường mầm non hay không, họ sẽ hào hứng dẫn di một loạt khu đất còn đang bỏ trống. Đó là Khu sinh thái Vĩnh Hưng vốn là khu đầm Rặng nhãn, có diện tích hơn 20ha, được quy hoạch thành khu sinh thái từ cách đây hàng chục năm. Theo một vị lãnh đạo phường Vĩnh Hưng, khu đất giờ đây được quy hoạch thành quỹ đất đối ứng cho dự án BT của Công ty Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Vĩnh Hưng thuộc Tập đoàn Vimedimex, đang triển khai giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên do mức giá đền bù không hợp lý nên đa số hộ dân không nhận tiền. Dự án được ký năm 2018, đến hết năm 2020 đã hết hạn thực hiện và đang nằm trong danh mục các dự án BT phải rà soát lại nên thành phố Hà Nội chưa có chỉ đạo tiếp tục thực hiện hay không. Đến giờ vẫn để không và người dân tự cho thuê để kinh doanh ẩm thực, ăn uống... Chếch khu đất này là một khu đất khác đã có hạ tầng giao thông nhưng vẫn để trống, không triển khai xây dựng các công trình tiếp theo. Một điểm khác là khu chợ dân sinh, được lập nên nhưng đến nay chưa đưa vào sử dụng, người dân vẫn kinh doanh bán hàng ngoài vỉa hè. Tất cả những khu đất này đều có đường giao thông thuận tiện, thậm chí là đường đi riêng như Khu sinh thái Vĩnh Hưng hay nằm ngay mặt đường như khu chợ. Có lẽ nào chính quyền quận Hoàng Mai không khảo sát thực địa mà nhất định cứ phải đưa trường mầm non quy mô lớn (500 - 600 học sinh) vào một con ngõ nhỏ có mật độ dân cư và mật độ giao thông đông đúc?

Khu sinh thái Vĩnh Hưng vẫn để hoang

Đã có nhiều tấm gương nhãn tiền về việc xây trường học trong ngõ gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Ví dụ như ngõ 298 Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) giờ tan học nào cũng xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Học sinh tại 2 điểm trường đối diện nhau là trường THPT Nguyễn Gia Thiều và trường THCS Ái Mộ. Xe ô tô, xe máy của người dân trong ngõ và của phụ huynh đến đón con đậu đỗ chật kín khiến học sinh phải đi xuống lòng đường. Chị Vân Kiều ở quận Long Biên ngày nào cũng đi qua khu vực này bức xúc: “Cứ vào lúc nào tan tầm là ô tô lại đi vào những con ngõ nhỏ, đặc biệt là ngõ có trường học. Có lần tôi đi làm về qua ngõ, có 1 - 2 ô tô đứng ngay trước cổng trường đúng giờ tan học, không thể di chuyển vì đúng lúc một lượng lớn các cháu ra khỏi cổng. Điều này vừa gây ra ùn tắc cả 1 đoạn đường dài, làm mất thời gian của mọi người vừa gây nguy hiểm cho các cháu học sinh”.

Khu đất gần đối diện Khu sinh thái Vĩnh Hưng cỏ dại mọc đầy

Tình trạng này đã khiến những người sinh sống trong các ngõ có trường học gặp khó khăn và cơ quan chức năng đau đầu tìm giải pháp. Nhưng đến nay, ngoài việc chuyển trường đến một khu vực thông thoáng hơn, thì chưa thực sự có giải pháp nào hiệu quả triệt để. PGS-TS Đinh Văn Hiệp, Viện trưởng Viện quy hoạch và kỹ thuật giao thông vận tải, trường Đại học Xây dựng đã từng đề xuất, cần tổ chức giao thông một chiều tại các khu vực cổng trường tiểu học để giảm thiểu tình trạng xung đột giao thông giữa các phương tiện dừng đỗ và phương tiện qua lại. Đối với những trường có vỉa hè đủ rộng có thể, tổ chức bố trí các điểm dừng đỗ xe hợp lý khu vực trước cổng trường.Trong trường hợp, vỉa hè không đủ rộng, sân trường chật hẹp cần tính tới phương án bố trí các điểm đỗ xe xa khu vực cổng trường. Ngoài ra cũng có thể bố trí thêm một số biển báo cấm hoặc hạn chế các phương tiện ô tô đi vào trong khung giờ cao điểm.

Tiến sĩ Lê Đình Tri, nguyên Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc, Bộ Xây dựng, trên cơ sở chuyên môn của mình đưa ra phân tích: "Xây dựng các trường học trong ngõ có cái gì đó chưa thuận lắm, bởi không thể đạt được các tiêu chí liên quan đến dạy học, rồi đảm bảo sức khỏe cũng như tiếp cận giao thông. Do đó mô hình này chỉ phù hợp xây dựng cho một nhóm dân cư nhỏ, nơi có điều kiện kinh tế hạn chế. Còn đối với những đô thị lớn như Hà Nội, nhất là ở các quận trung tâm thì càng không nên. Một khi trường học nằm trong ngõ thì chỉ các phương tiện cá nhân tiếp cận được giao thông. Nếu càng nhiều phương tiện cá nhân như xe máy, xe đạp, xe đạp điện thì mật độ giao thông càng tăng lên bởi có trường học, cản trở giao thông nội khu. Theo tôi với một cách nhìn tổng thể, tổng hợp các yếu tố liên quan đến việc dạy học như là giao thông, công tác phòng cháy chữa cháy, đề phòng tai nạn giao thông cũng như các tệ nạn xã hội thì càng không nên đưa trường học vào các khu nhỏ lẻ, có mật độ giao thông lớn và quy mô về hạ tầng giao thông còn hạn chế"./. 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận