Có cần thiết phải buộc công dân ra công an phường xin giấy xác nhận cư trú?

Các bộ, ngành, địa phương và người dân có thể sử dụng 7 phương thức thông tin công dân để thay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.

 

Dù có đủ điều kiện nhưng không thực hiện các phương thức khác để xác nhận, chứng minh nơi cư trú, mà vẫn buộc công dân phải ra công an phường để xin giấy xác nhận cư trú là gây khó dễ, làm chậm, cản trở quá trình cải cách thủ tục hành chính.

Luật Cư trú năm 2020 trong đó quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy trong các giao dịch hành chính, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Sau hơn 1 tháng luật đi vào cuộc sống, bên cạnh phần lớn người dân hài lòng với sự thay đổi, cải cách thủ tục hành chính, hiện vẫn còn một số ít người dân bức xúc trước việc một số đơn vị, cơ quan chức năng yêu cầu người dân phải đến cơ quan công an xin xác nhận nơi cư trú trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Theo đại diện Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an, bức xúc này hoàn toàn dễ hiểu bởi Luật Cư trú năm 2020 trong đó có nội dung bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy khi thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính, đã có hiệu lực từ 1/1/2023.

Vợ chồng anh Bùi Đức Tài, trú tại phường Thạch Bàn (quận Long Biên) được công an phường hướng dẫn thao tác trên phần mềm VNEID.

Trong trường hợp cán bộ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ở UBND các cấp hoặc cơ quan chức năng dù có đủ điều kiện nhưng không thực hiện các phương thức khác để xác nhận, chứng minh nơi cư trú, mà vẫn buộc công dân phải ra Công an phường để xin giấy xác nhận cư trú là gây khó dễ, làm chậm, cản trở quá trình cải cách thủ tục hành chính, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.

Đại diện Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an TP Hà Nội cho biết, qua khảo sát, kiểm tra và đánh giá, hiện bên cạnh số đông đã thực hiện tốt thì vẫn còn một số cán bộ, công nhân viên chức ở UBND trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, chưa nhận thức đầy đủ 7 phương thức thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy theo như hướng dẫn của Bộ Công an. Về việc này, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn để những cán bộ, công chức này hiểu, nắm rõ quy trình, thực hiện nghiêm những quy định về Luật Cư trú.

Về phản ánh của một số người dân vẫn phải đến Công an phường theo yêu cầu của các cơ quan chức năng khác để xin xác nhận thông tin cư trú, đại diện Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết: Đến 30/12/2022, TP đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo đúng lộ trình của Đề án 06 đã đặt ra (đạt 100%). Theo đó, công dân trên địa bàn Thủ đô có thể sử dụng 25/25 dịch vụ công thiết yếu tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công TP và Cổng dịch vụ công các bộ, ngành.

Đáng chú ý, dịch vụ công có số hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến cao nhất trong năm 2022 là nhóm cư trú (thông báo lưu trú với 302.220 hồ sơ; đăng ký thường trú là 118.880 hồ sơ), thấp nhất là dịch vụ công “Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận” với 15 hồ sơ.

Theo Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an TP Hà Nội, phần lớn trường hợp người dân phải đến Công an phường để xin xác nhận thông tin cư trú có liên quan đến thủ tục đăng ký kết hôn. Lý do, bởi nhiều người trong khoảng thời gian từ 18 đến 40 tuổi biến động chỗ ở, nơi cư trú, nên thông tin cư trú chưa thể hiện được hết, trong khi dữ liệu hộ tịch, tư pháp vẫn chưa được ngành tư pháp số hóa, kết nối với dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện TP Hà Nội cũng như các địa phương trong cả nước đang nỗ lực số hóa, kết nối dữ liệu hộ tịch với dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an để phục vụ người dân.

Trong quá trình thực hiện các dịch vụ công và giao dịch dân sự, UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành ứng dụng, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho việc xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy theo đúng Luật Cư trú.

UBND TP cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành tập trung thực hiện việc số hóa, cập nhật dữ liệu hướng đến xây dựng, hình thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của TP, qua đó phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu khác. Trước mắt, UBND TP chỉ đạo tập trung vào các nhóm dữ liệu như dữ liệu hộ tịch, y tế, an sinh xã hội, đất đai, công nhân… Đáng chú ý, hiện TP Hà Nội có 6/30 quận, huyện số hóa dữ liệu hộ tịch với tổng số hơn 2 triệu trường hợp…

7 phương thức xác nhận thông tin cá nhân thay thế sổ hộ khẩu giấy trong giao dịch, thủ tục hành chính.

Trao đổi với báo chí, Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an cho biết, trước khi Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã có những hướng dẫn cách thức thay thế sổ hộ khẩu. Các bộ, ngành, địa phương và người dân có thể sử dụng 7 phương thức thông tin công dân để thay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.

Cụ thể, sử dụng thẻ CCCD gắn chip là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú. Khi công dân xuất trình thẻ CCCD theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin về CCCD.

Ngoài ra, có thể sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ CCCD có gắn chip. Công dân, cơ quan, tổ chức sử dụng thiết bị đọc QRCode (theo tiêu chuẩn do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành) tích hợp với máy tính hoặc thiết bị di động để đọc thông tin công dân từ mã QRCode trên thẻ CCCD. Sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ CCCD. Công dân, cơ quan, tổ chức sử dụng thiết bị đọc thông tin trong chip trên thẻ CCCD phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự…Người dân, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp cũng có thể tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, bằng cách truy cập trang websie dân cư quốc gia theo địa chỉ: https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn.

Các cơ quan chức năng, công dân cũng có thể sử dụng ứng dụng VNEID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự. Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú. Công dân trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của công dân để đề nghị cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua dịch vụ công trực tuyến khi cần thiết (Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú).

Cơ quan đăng ký cư trú sẽ cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú cho công dân dưới hình thức văn bản hoặc văn bản điện tử theo yêu cầu của công dân. Giấy xác nhận thông tin về cư trú có giá trị 30 ngày kể từ ngày cấp và có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Cư trú xác nhận về việc khai báo cư trú. Việc sử dụng giấy xác nhận cư trú chỉ là phương thức cuối cùng trong 7 cách thức xác nhận nơi cư trú của công dân./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận