BÀI 1: TÍNH LÃI TRÁI LUẬT VÀ NHỮNG BẤT THƯỜNG TRONG MỘT BẢN ÁN
Vụ việc bà Phạm Thị Hương cho vay 7,5 tỷ đồng nhưng đòi nợ bà Đinh Bích Hợp hơn 33 tỷ đồng, ép con nợ phải bán nhà đất biệt thự và một căn chung cư hạng sang ở Ciputra đã gây xôn xao dư luận tỉnh Hải Dương. Vụ án càng trở lên phức tạp và được dư luận quan tâm khi đã kéo dài 8 năm qua, với 3 lần do TAND TP Hải Dương xét xử sơ thẩm, 2 lần TAND tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội nhưng sự việc chưa ngã ngũ. Vụ việc cho thấy nhiều bài học cần rút ra trong việc xét xử án dân sự.
Lãi mẹ đẻ lãi con, mất căn biệt thự…
Từ chỗ quen biết, từ năm 2008 - 2013, bà Đinh Bích Hợp và bà Phạm Thị Hương (cùng cư trú tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) đã nhiều lần vay tiền của nhau. Tổng số tiền bà Hợp vay bà Hương là 7,5 tỷ đồng.
Tưởng chừng là chỗ thân quen, hỗ trợ vốn để làm ăn, nhưng bà Hợp lại không ngờ đến một ngày bà Hương “quay ngoắt” tính lãi suất theo kiểu “tín dụng đen”.Ngày 25/1/2013, bà Hương viết giấy chốt nợ với bà Hợp, vì gia đình đang chuẩn bị đám cưới cho con và sợ bà Hương đưa người đến quấy phá, khủng bố nên bà Hợp đã ký vào văn bản nhận nợ của bà Hương là trên 33,127 tỷ đồng.
Ngày 26/3/1013, bà Hương cho bà Hợp vay số tiền là 2,13 tỷ đồng, cộng với số tiền chốt nợ tại giấy biên nhận ngày 25/1/2013, tổng là 35,257 tỷ đồng nhưng hai bên thống nhất làm tròn tổng số nợ là 35 tỷ đồng.
Thực hiện việc đòi nợ, ngày 26/3/2013, bà Hương tự soạn thảo giấy bán nhà đất với nội dung bà Hợp bán cho bà Hương 2 căn biệt thự cao cấp Đỉnh Long, TP. Hải Dương (lô 120.19 - 120.20) với số tiền 30 tỷ đồng. Để hợp thức hóa, ngày 28/3/2013, bà Hương và vợ chồng bà Hợp đến Văn phòng công chứng Thành Đông (TP Hải Dương) thảo bản hợp đồng ủy quyền, với nội dung ủy quyền cho bà Hương có quyền định đoạt, được liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục sang tên nhà đất.
Bằng hợp đồng ủy quyền trên, ngày 29/3/2013, bà Hương chuyển nhượng nhà đất là 2 căn biệt thự Đỉnh Long cho ông Phạm Phùng Long (anh ruột bà Hương) với số tiền 17 tỷ đồng.
Ngoài biệt thự trên, vợ chồng bà Hợp còn chuyển nhượng căn chung cư cao cấp, trị giá 5 tỷ đồng trong khu đô thị Nam Thăng Long, Hà Nội (Ciputra) cho bà Hương.
Than thở với phóng viên, bà Hợp không giấu nổi bức xúc, từ chỗ vay gốc có 7,5 tỷ đồng, bà Hương tính lãi suất theo lãi mẹ đẻ lãi con rồi dồn vợ chồng bà đến bước đường mất 2 căn biệt thự và một căn chung cư hạng sang. Tỉnh ngộ lại, bà Hợp nhận thấy bà Hương cho vay theo kiểu tín dụng đen nên yêu cầu bà Hương tính lại lãi vay. Không chấp thuận yêu cầu của bà Hợp, bà Hương đã khởi kiện bà Hợp ra tòa.
Trong các tài liệu, hồ sơ mà tòa thu thập được cho thấy phản ánh của bà Hợp về bà Hương cho vay như tín dụng đen là hoàn toàn có cơ sở. Các giấy tính lãi do bà Hương ghi chép, HĐXX tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều nhận thấy các khoản tiền vay đều được tính lãi ngày, với mức lãi suất từ 2,5-3%/tháng rồi cộng vào gốc để tính lãi tiếp theo. Đơn cử, trong bản án số 15/2022/DS-ST, ngày 17/8/2022 của TAND TP Hải Dương, tại phần nhận định của tòa, cho thấy: Tại bút lục 554 thể hiện số tiền nợ ngày 5/6/2010 là 14,593 tỷ đồng nhưng sau khi cộng lãi đến ngày 5/9/2010 thì số tiền nợ lên đến hơn 15,977 tỷ đồng… Như vậy, chỉ trong vòng ba tháng, với cách tính của bà Hương thì lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền chênh đã lên hơn 1,38 tỷ đồng. Từ thực tế này, tòa cho rằng bà Hương tính lãi như vậy là trái với quy định tại Điều 476 Bộ Luật dân sự năm 2005.
Những bất thường
Trong khoảng thời gian 8 năm, từ tháng 4/2014 đến tháng 8/2022, liên quan đến vụ án tranh chấp giữa nguyên đơn là bà Phạm Thị Hương, bị đơn là bà Đinh Bích Hợp đã có 3 bản án sơ thẩm, 2 bản án phúc thẩm và một quyết định giám đốc thẩm được ban hành.
Trước khi TAND TP Hải Dương ban hành bản án số 15/2022/DS-ST thì ngày 27/12/2018, TAND cấp cao tại Hà Nội có quyết định giám đốc thẩm số 81/2018/DS-GĐT: Hủy toàn bộ bản án phúc thẩm số 40/2017/DS-PT, ngày 22/12/2017 của TAND tỉnh Hải Dương và bản án sơ thẩm số 02/2017/DS-ST, ngày 21/2/2017 của TAND TP Hải Dương. Giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Hải Dương xét xử theo thủ tục sơ thẩm đúng quy định của pháp luật.
Đáng lưu ý, TAND cấp cao tại Hà Nội chỉ rõ, tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm chưa thu thập chứng cứ về việc mua bán lô đất số 53.05 tại Tập đoàn Nam Cường và chưa lấy lời khai của những người làm chứng để làm rõ bà Hợp có trả tiền mua lô đất này cho ông Sùng hay không?… Khi hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà đất lập ngày 26/3/2013 theo yêu cầu của các bên thì không buộc bà Hợp phải chịu tiền lãi đối với số tiền vay nợ nêu trên mới bảo đảm quyền lợi của bên sử dụng nhà và bên sử dụng tiền vay. Việc tòa phúc thẩm buộc bà Hương trả lại cho vợ chồng bà Hợp toàn bộ nhà đất khu biệt thự Đỉnh Long nhưng lại tiếp tục giao cho bà Hương quản lý cho đến khi bà Hợp trả xong tiền nợ là làm hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng bà Hợp.
Với những vấn đề đã được TAND cấp cao tại Hà Nội chỉ rõ, gia đình bà Hợp hy vọng lần thứ ba phán quyết tòa sơ thẩm tại TAND TP Hải Dương sẽ thuyết phục, công bằng.
Ngày 17/8/2022, TAND TP Hải Dương ban hành bản án số 15/2022/DS-ST, về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng nhà đất và các giao dịch dân sự khác. Theo đó, TAND TP Hải Dương tuyên xử: Buộc bà Đinh Bích Hợp, ông Lương Đức Thái có nghĩa vụ thanh toán cho bà Phạm Thị Hương số tiền sau khi đối trừ các khoản tiền các bên phải thanh toán cho nhau là hơn 16,294 tỷ đồng. Xác nhận 89,6 m2 đất ở thuộc lô đất số 15.3-17 đường Phùng Chí Kiên, phường Tân Bình, TP Hải Dương thuộc quyền sử dụng theo phần của bà Phạm Thị Hương và bà Đinh Bích Hợp, ông Lương Đức Thái. Phần giá trị quyền sử dụng đất bà Hương được hưởng là 2.867.254.500 đồng; phần giá trị quyền sử dụng đất bà Hợp, ông Thái được hưởng là 895.945.500 đồng…
Ngay sau khi TAND TP Hải Dương ban hành bản án sơ thẩm số 15/2022/DS-ST, gia đình bà Đinh Bích Hợp đã có đơn kháng cáo bản án này. Ngày 30/8/2022, VKSND TP Hải Dương đã ra quyết định kháng nghị phúc thẩm số 02/QĐ-KNPT-VKS-DS đối với bản án sơ thẩm số 15/2022/DS-ST, ngày 17/8/2022 của TAND TP Hải Dương.
Theo VKSND TP Hải Dương, bản án số 15/2022/DS-ST xác định số tiền nợ của bà Hợp với bà Hương từ năm 2008 đến năm 2013 bằng việc xác định giá trị nhà, đất ở khu biệt thự Đỉnh Long và 3 tỷ đồng giá trị căn chung cư Ciputra là không có cơ sở, vì giá trị nhà đất không phải là căn cứ xác định số nợ của các bên, số nợ của các bên chỉ là tiền để mua nhà đất.
Cũng theo VKSND TP Hải Dương, các bên thống nhất đối trừ nợ bằng giá trị nhà đất tại thời điểm ngày 26/3/2013 nhưng HĐXX lại xác định giá trị tài sản tại thời điểm ngày 4/11/2021 để tính số tiền nợ gốc là thu thập, đánh giá chứng cứ không đầy đủ, không đảm bảo quyền lợi của đương sự.
Ngoài ra, bản án nhận định các giấy biên nhận thu thập được không phản ánh đầy đủ số lần, số tiền bà Hương cho bà Hợp vay nên không thể căn cứ các tài liệu này để xác định nợ gốc nhưng lại căn cứ vào các giấy tờ ghi chép thu thập được trong hồ sơ vụ án để tính số tiền bà Hợp đã trả cho bà Hương là đánh giá chứng cứ không khách quan, toàn diện.
Bên cạnh đó, VKSND TP Hải Dương chỉ rõ TAND TP Hải Dương vi phạm việc xác định các khoản tiền bà Hợp đã trả cho bà Hương.
Ngoài ra, VKSND TP Hải Dương cũng cho rằng TAND TP Hải Dương vi phạm trong việc áp dụng luật, về thụ lý giải quyết đối với lô đất 15.3-17, vi phạm về tính lãi, vi phạm trong việc không giải quyết hết yêu cầu và vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự…
Với những căn cứ trên, VKSND TP Hải Dương đề nghị TAND tỉnh Hải Dương đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, áp dụng khoản 3, Điều 308, Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, hủy bản án sơ thẩm số 15/2022/DS-ST để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.