Không chấp nhận đơn khiếu nại dựa trên căn cứ nào?
Sau khi Báo TNVN đăng tải loạt bài “Những tiếng kêu ai oán dưới tán rừng”: Bài 1:17 năm “mòn mỏi” tìm công lý! và bài 2: Huyện Trùng Khánh, 873 sổ đỏ cấp sai, trách nhiệm thuộc về ai?, Báo TNVN đã nhận được công văn số 533-CV/BNCTU, ngày 9/1/2023 của Ban Nội chính Tỉnh ủy Cao Bằng với nội dung sau:
“Nội dung kiến nghị liên quan đến Quyết định số 1089/QĐ-UBND ngày 29/5/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Hoàng Văn Nành, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng trả lời Báo TNVN: Hiện nay vụ việc ông Hoàng Văn Nành do bà Hoàng Thị Như đại diện kiện hủy quyết định số 1089/QĐ-UBND ngày 29/5/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã được Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng thụ lý, UBND tỉnh sẽ thông báo bằng kết quả giải quyết cho quý báo biết sau khi có kết quả giải quyết”.
Tuy nhiên, tại công văn số 94/CV-BTNVN có ghi rõ câu hỏi: ngày 29/5/2009, UBND tỉnh Cao Bằng đã có quyết định hành chính không chấp nhận đơn khiếu nại của gia đình ông Hoàng Văn Nành (Hoàng Thị Như) dựa trên căn cứ nào chứ không hỏi về kết quả giải quyết khiếu nại nhưng Ban Nội chính Tỉnh ủy Cao Bằng và UBND tỉnh Cao Bằng không đưa ra được câu trả lời.
Trong khi đó, khiếu nại là một trong những quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp. Theo Khoản 1, Điều 2, Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: “Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.
Thu hồi có thất thoát lãng phí hay không chưa thể đánh giá được?
Đối với câu hỏi, quá trình thực hiện cấp GCNQSDĐ, cán bộ có thực hiện đúng, đủ theo quy trình của pháp luật hay không? Ra quyết định thu hồi từ 2 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa cấp lại GCNQSDĐ cho người dân, lý do vì sao? Bao giờ người dân huyện Trùng Khánh được cấp lại GCNQSDĐ? Việc UBND tỉnh Cao Bằng ra quyết định thu hồi 01ha đất đồi rừng nhưng không xác định rõ ranh giới, vị trí cụ thể của khu đất bị thu hồi có phải là sự quan liêu, tắc trách của chính quyền địa phương hay không? Việc gây lãng phí và thất thoát ngân sách do cấp sai số lượng lớn như vậy ai là người chịu trách nhiệm?
Với những câu hỏi này, Sở Tài nguyên và Môi trường và Ban Nội chính Tỉnh ủy Cao Bằng chỉ trả lời: “Nội dung liên quan đến việc cấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp 2005 trùng với nội dung kiến nghị tại Công văn số 95/CV-BTNVN, ngày 25/10/2022 Báo TNVN gửi Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở đã cung cấp thông tin sau: Năm 2005, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng có dự án: Thành lập bản đồ địa chính 1/10000 và hồ sơ địa chính khu vực đất lâm nghiệp, đất đồi, núi chưa sử dụng từ tư liệu bản đồ địa chính cơ sở 1/10000 tỉnh Cao Bằng (được phê duyệt tại quyết định số 3277/QĐ-UB ngày 19/12/2003 của UBND tỉnh Cao Bằng); khối lượng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại huyện Trùng Khánh là 14.522 bộ GCNQSDĐ. Kinh phí thực thực hiện là 673.027.936 đồng.
Quá trình thực hiện cấp GCNQSDĐ, cán bộ thực hiện đảm bảo đúng, đủ quy trình theo quy định của pháp luật; việc lập thủ tục hồ sơ, trình tự cấp GCNQSDĐ đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 163/1999/NĐ-CP, ngày 16/11/1999 của Chính phủ về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích đất lâm nghiệp.
Việc gây lãng phí và thất thoát ngân sách do cấp sai số lượng lớn GCNQSDĐ ai là người chịu trách nhiệm: Do việc cấp diễn ra từ 2005, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa cập nhật được thông tin, tài liệu, nội dung liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra, giám sát... đối với dự án nêu trên, cho nên việc nhận định đánh giá có thất thoát lãng phí hay không chưa thể đánh giá chủ quan được mà phải được cơ quan có chức năng thực hiện”.
Sở Tài nguyên và Môi trường và Ban Nội chính Tỉnh ủy Cao Bằng khẳng định, cán bộ thực hiện đảm bảo đúng, đủ quy trình theo quy định của pháp luật; việc lập thủ tục hồ sơ, trình tự cấp GCNQSDĐ nhưng điều ngạc nhiên là vì sao thực hiện đúng đủ quy trình nhưng lại cho ra kết quả sai dẫn đến phải thu hồi 873 GCNQSDĐ?.
Cấp sai số lượng lớn sổ đỏ, nhưng chưa ai chịu trách nhiệm
Đối với các câu hỏi của Báo TNVN: “Ra quyết định thu hồi từ 2 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa cấp lại GCNQSDĐ cho người dân, lý do vì sao? Bao giờ người dân huyện Trùng Khánh được cấp lại GCNQSDĐ? Việc UBND tỉnh Cao Bằng ra quyết định thu hồi 01ha đất đồi rừng nhưng không xác định rõ ranh giới, vị trí cụ thể của khu đất bị thu hồi có phải là sự quan liêu, tắc trách của chính quyền địa phương hay không?” thì Ban Nội chính Tỉnh ủy Cao Bằng chưa có câu trả lời.
Còn trước đó, ông Đàm Xuân Trường, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường UBND huyện Trùng Khánh cho biết, UBND tỉnh Cao Bằng ra quyết định thu hồi 01 ha đất rừng đồi có địa danh Co Pùng của gia đình chị Như, tuy nhiên, hiện không biết diện tích đất này nằm ở đâu, không xác định được rõ ranh giới, vị trí cụ thể của khu đất bị thu hồi nên huyện không thể tiến hành thu hồi được. Như vậy, việc thu hồi 01ha đất đồi rừng nhưng không xác định được rõ ranh giới, vị trí cụ thể của khu đất bị thu hồi có phải là sự quan liêu, tắc trách của chính quyền địa phương hay không thì câu trả lời ai cũng rõ.
Trả lời câu hỏi: “Việc gây lãng phí và thất thoát ngân sách do cấp sai số lượng lớn như vậy ai là người chịu trách nhiệm?”, thì Sở Tài nguyên và Môi trường và Ban Nội chính Tỉnh ủy Cao Bằng đều khẳng định:“có thất thoát lãng phí hay không chưa thể đánh giá chủ quan được mà phải được cơ quan có chức năng thực hiện”. Trong khi đó, những lãng phí do cấp sổ đỏ rồi bị thu hồi ai cũng có thể nhìn thấy được như lãng phí thời gian công sức của cán bộ, người dân trong quá trình cấp và thu hồi sổ. Dùng ngân sách của Nhà nước để cấp 873 sổ, cấp xong lại không sử dụng được. Sau khi thu hồi sổ người dân và cán bộ địa chính đều phải thực hiện lại từ đầu quy trình cấp sổ như đo đạc, kiểm đếm, lấy ý kiến, niêm yết công khai, ra quyết định cấp sổ... Các quy trình này sẽ tốn thêm thời gian, công sức của người dân và cán bộ địa chính. Việc đo đạc lại và cấp sổ mới sẽ tốn thêm một lần kinh phí nữa của ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, việc cấp lại sổ đỏ không chỉ tốn kém thời gian, công sức của người dân và cán bộ địa chính mà ngân sách nhà nước – thực chất là tiền thuế của người dân phải trả lương cho cán bộ một lần nữa để thực hiện sửa sai việc “làm đúng quy trình nhưng vẫn bị thu hồi sổ đỏ”.
Ngoài ra, trao đổi với phóng viên lý do sau 2 năm thu hồi những vẫn chưa cấp lại sổ đỏ cho người dân, ông Đàm Xuân Trường, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, cho biết là “do thiếu kinh phí đo vẽ bản đồ nên mới xảy ra chậm trễ”, vậy không thể nói là “có thất thoát lãng phí hay không chưa thể đánh giá được” như câu trả lời Báo TNVN của Sở Tài nguyên và Môi trường và Ban Nội chính Tỉnh ủy Cao Bằng. Bởi kinh phí đo vẽ bản đồ này sẽ do ai chi trả? Như vậy, câu trả lời của Sở Tài nguyên và Môi trường và Ban Nội chính Tỉnh ủy Cao Bằng đã đúng và khách quan chưa?
Điều 206- 207, Luật Đất đai 2013, xử lý thiệt hại do việc cấp Giấy CNQSDĐ trái pháp luật gây ra lãng phí, thất thoát ngân sách, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, việc gây lãng phí do cấp sai số lượng lớn sổ đỏ, nhưng tại sao đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng, UBND huyện Trùng Khánh vẫn chưa có ai chịu trách nhiệm với sai phạm này là câu hỏi dư luận đang quan tâm.