Giải mã sàn giao dịch hàng hóa : Bài 2: Giải pháp nào cho thị trường giao dịch hàng hóa phát triển ổn định và bền vững?

MXV đã có những quy định cụ thể về các loại phí, thuế, song các công ty thành viên đã không tuân thủ đúng quy định này. Để các công ty thành viên thực hiện đúng quy định cần có một quy trình giám sát chặt chẽ. Trong đó, không thể thiếu được vai trò kiểm tra, giám sát của Bộ Công Thương.

 

MXV đang hỗ trợ 70% mức phí

Sau khi Báo VOV có bài viết về Giải mã sàn giao dịch hàng hóa “lạ”: bài 1: Sàn giao dịch hàng hóa phục vụ ai, ai là người được hưởng lợi?, đại diện Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc MXV cho biết, “việc các nhóm trên các diễn đàn, hội nhóm của một số công ty thành viên chào mời nhà đầu tư tham gia giao dịch hàng hóa với mức lợi nhuận được quảng cáo sẽ đạt từ 10 – 20%/tháng là có thật. Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ kênh đầu tư nào khác, nếu đặt mục tiêu lợi nhuận cao, các nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với bình thường. Giao dịch trên quy mô toàn cầu nên các nhà đầu tư hàng hóa sẽ phải trang bị các kiến thức chuyên sâu về hàng hóa, kinh tế, tài chính; cũng như cần có chiến lược quản lý rủi ro phù hợp để đảm bảo hiệu quả trong giao dịch”.

Ngoài ra, ông Dương Đức Quang cũng thừa nhận, còn có hiện tượng một số thành viên của MXV chưa cảnh báo về rủi ro đối với các nhà đầu tư một cách đầy đủ. Vì vậy, thời gian tới, với vai trò là đơn vị tổ chức thị trường, MXV sẽ tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở các thành viên và tổ chức thêm các buổi tập huấn đối với toàn thị trường; để các nhà đầu tư hiểu rõ tầm quan trọng của việc quản lý rủi ro trong hoạt động giao dịch hàng hóa.

Các khoản phí hàng tháng và các khoản phí và thuế sẽ được tính trên 1lot (một chiều giao dịch mua hoặc bán) mà khi tham gia mở tài khoản cũng như mua, bán nhà đầu tư nào cũng phải đóng. Cụ thể, theo tìm hiểu của phóng viên, nhà đầu tư phải chịu mức phí hàng tháng như sau: Các khoản phí và thuế được tính trên một chiều giao dịch mua hoặc bán sẽ dao động từ 150.000 đồng, 200.000 đồng, 300.000 đồng, 350.000 đồng, 700.000 đồng/1 lot tùy từng mặt hàng. Song theo bảng giá thì các mặt hàng có mức giá 350.000 đồng/1 lot chiếm 26/42 mặt hàng đang được giao dịch trên sàn. Nếu tính theo các loại phí này thì số tiền nhà đầu tư phải trả sẽ lên tới vài triệu đồng đến cả chục triệu đồng/tháng. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nhà đầu tư chỉ biết đến các loại phí, thuế này khi ký hợp đồng thì ông Dương Đức Quang cho rằng: “MXV đang quy định mức trần đối với phí giao dịch, được thể hiện bằng Quyết định, gửi đến các thành viên và công bố trên website của MXV. Tùy vào chiến lược kinh doanh, các thành viên có thể thu mức phí khác nhau, nhưng không được vượt quá mức trần đã được MXV quy định”.

Văn bản MXV thông báo hỗ trợ 70% phí CQG

Bên cạnh phí giao dịch, các nhà đầu tư hàng hóa cũng phải trả một khoản phí, gọi là phí CQG. CQG được giới thiệu là một trong những nhà cung cấp dữ liệu thị trường về giao dịch hàng hóa tốt nhất trên thế giới hiện nay, với nhiều tính năng ưu việt cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, sử dụng được cả trên máy tính và điện thoại. “Khoản phí này do CQG thu. MXV chỉ thực hiện nhiệm vụ thu hộ đối tác nước ngoài. Đối tác đang thu ở mức 730.000 đồng/tài khoản/tháng. Hiện tại, MXV đang hỗ trợ toàn thị trường 70% mức phí này, tức MXV chỉ thu 219.000 đồng/tài khoản/tháng”, ông Quang cho biết thêm.

Như vậy, có thể khẳng định MXV đã có những quy định cụ thể về các loại phí, thuế này. Tuy nhiên, các công ty thành viên đã chưa tuân thủ đúng quy định này. Để các công ty thành viên thực hiện đúng quy định cần có một quy trình giám sát chặt chẽ. Trong đó không thể thiếu được vai trò kiểm tra giám sát của Bộ Công Thương, đơn vị cấp phép cho MXV hoạt động. 

Để thị trường phát triển ổn định và bền vững.

Trên thế giới, thị trường giao dịch hàng hóa thông qua các Sở giao dịch tập trung đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm nay là xu thế tất yếu của các nền kinh tế. Tại Việt Nam, mặc dù chỉ thực sự phát triển sau khi được liên thông với thế giới từ năm 2018, nhưng hoạt động giao dịch hàng hóa cũng đã có những bước tăng trưởng đáng ghi nhận. Theo thống kê của MXV, khối lượng giao dịch của cả thị trường Việt Nam trong năm 2022 tăng 36% so với năm 2021. Trong buổi làm việc với Bộ Công Thương, đại diện Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago, Hoa Kỳ đã đánh giá Việt Nam đang là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, do thời gian hình thành và phát triển thị trường tại Việt Nam còn khá ngắn, nên không tránh khỏi các vấn đề cần điều chỉnh, thay đổi để từng bước thu hẹp khoảng cách với thị trường thế giới.

Để có câu trả lời khách quan về vai trò quản lý cũng như các vấn đề liên quan của Bộ Công Thương, ngày 6/3/2023, báo VOV đã gửi công văn cho Bộ Công Thương. Tuy nhiên, đến nay báo VOV vẫn chưa nhận được phản hồi từ Bộ này.

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc cho hay MXV, thị trường giao dịch hàng hóa được vận hành theo mô hình 2 cấp, hiện chỉ có Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam được sự cấp phép và quản lý trực tiếp của Bộ Công Thương. Trong khi, các chủ thể tham gia thị trường khác như thành viên, nhà môi giới cũng cần có sự quản lý chặt chẽ hơn từ phía cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị tổ chức thị trường như MXV.

MXV đã kiến nghị với Bộ Công Thương và Bộ đang phối hợp cùng các bộ, ban, ngành và các tổ chức liên quan để xây dựng Nghị định mới về giao dịch hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa nhằm thay thế Nghị định 158/2006/NĐ-CP và Nghị định 51/2018/NĐ-CP. Qua đó giúp thị trường giao dịch hàng hóa phát triển đúng với quy mô và tầm vóc của Việt Nam trên bản đồ thương mại thế giới.

Bên cạnh mục tiêu phát triển quy mô giao dịch, Bộ Công Thương và MXV cần tập trung nâng cao chất lượng của các thành viên trên thị trường và nhanh chóng tổ chức đánh giá và công bố bảng xếp hạng các thành viên, để các nhà đầu tư xác định được các thành viên có uy tín, hoạt động hiệu quả. Cần đẩy mạnh công tác hỗ trợ và giám sát thành viên, để các thành viên thị trường tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam và quy định của các Sở giao dịch hàng hóa ở nước ngoài mà MXV có kết nối liên thông.

Tuy nhiên, để thị trường giao dịch hàng hóa phát triển bền vững thì đội ngũ các nhà môi giới hàng hóa cần được đào tạo chuyên nghiệp và bài bản. Vì thế, Bộ Công Thương và MXV cần đẩy mạnh công tác đào tạo, cấp chứng chỉ môi giới, đồng thời tích cực chuẩn bị nguồn nhân lực kế cận cho thị trường hàng hóa. Liên kết và phối hợp với các trường đại học, học viện để đưa giao dịch hàng hóa trở thành một bộ môn được đào tạo căn bản và chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, để thị trường giao dịch hàng hóa phát triển lành mạnh và đi đúng hướng cần sự vào cuộc giám sát, hỗ trợ thực sự từ Bộ Công Thương. Để từ đó, thị trường giao dịch hàng hóa sẽ có nền tảng vững chắc, là bệ phóng cho sự phát triển lớn mạnh và ổn định trong tương lai.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận