Nhiều vụ sạt lở đã xảy ra…
Từ những phản ánh của người dân Khu 4, xã Phúc Thuận, phóng viên Báo TNVN đã thực địa, ghi nhận tình hình hoạt động thai thác vật liệu để sản xuất cát của Công ty TNHH Hằng Ngọc Tú (DN Ngọc Tú) cũng như những phản ánh của những người dân nơi đây.
Có mặt nơi đây mới cảm nhận được sự bất an, lo lắng của người dân khi hàng ngày phải chứng kiến những khối đất đá há miệng ếch treo lơ lửng trên đầu như chực chờ đổ sụp xuống bất cứ lúc nào, phía dưới còn những tảng đất, đá khổ lớn nằm vương vãi sát mép nhà dân, đó là dấu tích của những lần sạt lở trước đó.
Là nạn nhân của vụ sạt lở đất năm 2022, anh Vũ Xuân Cường bàng hoàng kể lại: “Buổi trưa, trong khi gia đình đang sinh hoạt trong nhà, tôi nghe tiếng động lớn phía sau nhà, vội vàng mở cửa hậu ra xem thì bị đất, đá ào ào đè vào người, đầu bị chấn thương, người bị xây xát phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Số tôi cũng may mắn, nếu như bị khối đất đá vùi lấp, không có ai bên cạnh lúc đó thì không biết hậu quả sẽ như thế nào”.
“Vụ sạt lở đất, đá đã gây hư hỏng nhiều vật dụng của gia đình, sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đã xuống kiểm tra, lập biên bản, thế nhưng cho đến nay gia đình tôi chưa nhận được bồi thường hỗ trợ, hay một lời động viên, xin lỗi của DN Ngọc Tú” - anh Cường búc xúc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2018, 2020 cũng xảy ra sạt lở đất, đá đã gây hư hỏng tài sản của nhiều nhà dân Khu 4, xã Phúc Thuận.
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Văn Kế là một trong những gia đình bị ảnh hưởng bởi hai trận sạt lở cho biết: “Thời điểm 2018, DN Ngọc Tú đang tiến hành khoan thăm dò, đến năm 2020 là thời điểm DN đã tiến hành hoạt động khai thác, 2 vụ sạt lở đất đã làm hư hỏng công trình, tôi đã báo cáo trên chính quyền nhưng vẫn không được giải quyết. Từ những vụ sạt lở vừa qua cho thấy tính mạng, tài sản của người dân nơi đây đang bị đe dọa. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ và yêu cầu DN Ngọc Tú trong quá trình hoạt động phải có biện pháp an toàn cho người dân”, anh Kế đề nghị.
Cũng theo phản ánh của người dân, trong hoạt động bàn giao mốc giới, cắm mốc giới tại thực địa, người dân không hề được nắm thông tin, chứng kiến việc cắm mốc, chỉ khi phát hiện ra DN Ngọc Tú cắm mốc giới vào buổi tối và cắm mốc giới vào đất nhà mình thì mới tá hỏa báo với chính quyền địa phương.
Ngoài ra, người dân xóm Nông Trường cũng phản ánh việc DN Ngọc Tú trong quá trình khai thác, sản xuất đã xả nước ra đường cống của dân, ra đường giao thông gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.
Doanh nghiệp thờ ơ, chính quyền loay hoay?
Trước những phản ánh của người dân về tình trạng sạt lở, gây ô nhiễm môi trường của DN Ngọc Tú, phóng viên Báo TNVN đã làm việc với ông Nguyễn Văn Cam là đại diện DN Ngọc Tú. Tại buổi làm việc, hầu hết các nội dung phản ánh của người dân ông Cam không thừa nhận là do việc khai thác của DN Ngọc Tú gây ra. Cụ thể, đối với các vụ sạt lở đất, đá vào nhà dân, ông Cam cho rằng, hiện nay DN Ngọc Tú chưa khai thác đến vị trí đó, việc sạt lở là do người dân trước đó khai thác đất nên mới xảy ra. Đối với việc xả nước ra môi trường, ông Cam khẳng định không có việc nước chảy ra đường, bởi theo đánh giá tác động môi trường, công ty không có nước thải ra bên ngoài và toàn bộ nước được sử dụng tuần hoàn.
“Việc người dân phản ánh DN Ngọc Tú cắm mốc giới vào đất của người dân, tôi khẳng định là có, nhưng là vì mốc quy hoạch của mỏ, chúng tôi chưa đền bù giải phóng mặt bằng thì chúng tôi vẫn phải cắm để biết khu vực đất quy hoạch mỏ để chúng tôi giải phóng mặt bằng, vậy việc cắm mốc là điều đương nhiên”, ông Cam cho biết.
Từ phản ánh của người dân, trả lời của DN Ngọc Tú đang có sự mâu thuẫn, phóng viên Báo TNVN tiếp tục làm việc với ông Đỗ Công Hanh, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận.
“Việc sạt lở đất, đá vào nhà dân ở khu vực mỏ Cát Kết của DN Ngọc Tú, người dân đã phản ánh lên UBND xã Phúc Thuận. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, UBND xã Phúc Thuận đã xuống hiện trường kiểm tra và lập biên bản. Tuy nhiên, để xác định rõ nguyên nhân sạt lở do hoạt động khai thác của DN Ngọc Tú hay do thiên tai gây ra thì cần phải có cơ quan chuyên môn đánh giá, kết luận” - ông Hanh chia sẻ.
Liên quan đến việc DN Ngọc Tú phải có phương án chống sạt lở, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai, dẫn đến người dân bức xúc, lo lắng, ông Hanh cho biết: Hiện nay UBND xã đã mời đại diện DN Ngọc Tú và cấp ủy chi bộ, trưởng xóm xuống để giao cho các bên thực hiện các bước để xây dựng phương án chống sạt lở và đã xây dựng từ năm 2022, về phía DN Ngọc Tú phải thực hiện các phương án chống sạt lở, sau đó DN Ngọc Tú phải làm rào chắn bằng tôn đảm bảo không có đất đá rơi xuống nhà dân, đồng thời giao cho cấp ủy chi bộ, trưởng xóm họp dân lấy cam kết khi DN Ngọc Tú thực hiện phương án chống sạt lở, không gây cản trở...”.
Như vậy có thể thấy, việc sạt lở đất, đá do DN Ngọc Tú gây ra hay do ảnh hưởng của thiên tai cần phải chờ kết luận của cơ quan chuyên môn, nhưng việc thực hiện phương án chống sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người dân nằm trong vùng ảnh hưởng khai thác mỏ là rất cần thiết và cấp bách, nhưng từ năm 2022 cho đến nay, cơ quan chức năng, DN Ngọc Tú chưa thể triển khai trong khi đó mùa mưa bão sắp đến, những khối đất, đá treo lơ lửng trên đầu người dân, tính mạng tài sản đang bị đe dọa từng ngày, từng giờ. Điều đó cho thấy sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của chính quyền, doanh nghiệp đối với tính mạng, tài sản của người dân./.
Báo TNVN tiếp tục phản ánh vụ việc.