Vụ tai nạn gây tổn thương cơ thể 65%
Chị Trịnh Thị Dung (sinh năm 1984), hiện đang sinh sống tại Bỉm Sơn (Thanh Hóa) phản ánh, vụ tai nạn xảy ra trong quá trình sản xuất tại Công ty TNHH Quế Sơn đã cướp đi cánh tay trái của người nữ công nhân, với tỷ lệ tổn thương cơ thể lên đến 65%.
Khi tả lại giây phút kinh hoàng, chị Dung không dấu được sự sợ hãi: “Vào khoảng 17h, ngày 17/5/2022, trong khi tôi đang vận hành máy cắt đá, bị dây cu roa máy cắt cuộn vào cánh tay, với vận tốc máy đang chạy, cánh tay tôi bị vò, dập nát. May lúc đó tôi còn kịp với một tay để cắt cầu dao điện nếu không hậu quả khó lường trước được như thế nào”.
“Sau khi sơ cứu, tôi được chuyển ra Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội để cấp cứu và phải cắt bỏ một phần cánh tay từ xương khuỷu tay trở xuống. Nằm trên giường bệnh, nhìn cánh tay bị cắt bỏ tâm trạng tôi hoang mang lắm, phần vì là phụ nữ nay mất đi cánh tay, phần vì lo lắng rồi sau này sẽ làm việc như thế nào để lo cho gia đình” – Chị Dung tâm sự.
“Chồng tôi làm nghề tự do, thu nhập bấp bênh, trong thời gian 5 tháng thôi nằm nhà điều trị, Công ty TNHH Quế Sơn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chấm dứt đóng Bảo hiểm xã hội, tôi không được nhận bất cứ một khoản tiền nào. Điều đó cho thấy Công ty TNHH Quế Sơn vi phạm Luật lao động, Luật an toàn vệ sinh lao động” – Chị Dung nói.
Khi phóng viên hỏi về việc trong thời gian điều trị, Công ty TNHH Quế Sơn có hỗ trợ khoản tiền nào không? Chị Dung cho biết: “Hôm tôi bị tai nạn, đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức thì Công ty TNHH Quế Sơn có cử người ra thăm và hỗ trợ tôi hai mươi triệu đồng, sau khi tôi về nhà điều trị, công đoàn công ty có đến thăm hỏi và hỗ trợ năm trăm nghìn đồng.”
Căn cứ theo quy định tại Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, việc chị Dung phản ánh Công ty TNHH Quế Sơn vi phạm luật an toàn vệ sinh là hoàn toàn có sơ sở. Bởi, theo Điều 39 nêu trên, trong thời gian chị Dung phải nghỉ việc, Công ty TNHH Quế Sơn không trả lương cho chị, không bồi thường cho người lao động, không bố trí công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với chị Dung (người tổn thương cơ thể 65%) là vi phạm quy định của Luật an toàn vệ sinh lao động.
Kế tiếp, căn cứ vào Điều 36, Luật lao động năm 2019, thì chị Dung không vi phạm Luật lao động, nên việc Công ty TNHH Quế Sơn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian chị Dung đang điều trị bệnh là trái quy định của Luật lao động.
Nhiều sai phạm tại Công ty TNHH Quế Sơn
Được biết, ngày 15/9/2022, Sở xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của Công ty TNHH Quế Sơn tại mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn. Liên quan đến hồ sơ của công ty vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: Tại thời điểm kiểm tra, báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2020, 2021, hồ sơ hoàn công xây dựng công trình khai thác chế biến đá, công ty chưa cung cấp; về hồ sơ quản lý vật liệu nổ thì hộ chiếu nổ mìn có một số nội dung chưa thể hiện được theo yêu cầu và thực tế nổ mìn tại mỏ.
Qua kiểm tra cho thấy cạnh biên giới gần điểm gốc số 2 và 3 mới có hoạt động khai thác với diện tích khoảng 1.300m² gồm hai vị trí, vị trí 1 khoảng 100 mét vuông, vị trí hai khoảng 1200m² khai thác ngoài ranh giới mỏ, tại buổi làm việc Công ty TNHH Quế Sơn xác nhận đã khai thác vị trí này trong năm 2022.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng ghi nhận, một số vị trí mặt bằng sản xuất chưa gọn gàng; công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh công nghiệp chưa sạch sẽ; trang bị bảo hộ lao động cho công nhân chưa đầy đủ. Việc thực hiện quản lý bảo quản sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, cổng tường rào kho chứa vật liệu nổ công nghiệp xây dựng của công ty chưa đúng theo thiết kế được phê duyệt, biển báo khu vực nổ mìn đặt tại vị trí chưa đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định…
Liên quan đến các công trình xây dựng trên đất khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt của Công ty TNHH Quế Sơn, ông Phùng Văn Tưởng, Chủ tịch UBND phường Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn) thừa nhận: “Việc xây dựng xưởng trên đất lâm nghiệp của công ty khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là đúng và công ty đã bị xử phạt. Hiện công ty đang xin gia hạn để hoàn tất hồ sơ.”
Phóng viên đề nghị được tiếp cận hồ sơ, ông Lê Văn Thủy, cán bộ địa chính phường không cung cấp và cho biết: “Kết quả kiểm tra đầu năm cùng đoàn của sở, qua định vị bằng tọa độ thì có nghi vấn các xưởng của công ty Quế Sơn xây ra ngoài chỉ giới giấy chứng nhận ban đầu. Sau đó, đoàn kiểm tra đã yêu cầu công ty thuê 1 đơn vị tư vấn đo đạc hiện trạng và ốp gianh giới đã được cấp giấy lên sơ đồ mới phát hiện các cty có 1 phần nằm ra ngoài chỉ giới. Hồ sơ cty mới có giấy chứng nhận thôi còn về các giấy phép xây dựng xưởng chưa có. Hiện, tôi cũng đã báo cáo với phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Bỉm Sơn.”.
“Điều 37, Luật lao động năm 2019. Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động: Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này…”
|
“Điều 39 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015, cụ thể về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trong đó có nội dung: Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động; Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc…”.
|
Báo TNVN tiếp tục phản ánh vụ việc./.