Từ vụ đại gia 'điếu cày', cần xem xét trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm

Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HN đã ra thông báo về việc truy tố đối với bị can Lê Thanh Thản ra trước Tòa án nhân dân TP. HN để xét xử về tội Lừa dối khách hàng.

 

Sai phạm đã xảy ra từ lâu, vì sao đến nay ông Lê Thanh Thản (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Bemes, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh) và nhiều ông lớn mới bị truy tố? Cần xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan thế nào khi để lọt tội phạm và sai phạm kéo dài? PV VOV Giao thông đối thoại với ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH khóa XIV xung quanh vấn đề này:

PV: Thưa ông, mới đây Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội đã truy tố đối với đại gia “điếu cày” về tội lừa dối khách hàng. Ông nhận định thế nào về vụ việc này?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Qua vụ việc này cho thấy Tập đoàn Mường Thanh không tôn trọng các quy định của pháp luật, không tuân thủ các quy định về xây dựng và quy hoạch đã để xảy ra hậu quả rất lớn và đáng tiếc. Hậu quả này không chỉ làm mất đi trật tự pháp luật mà còn ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, nhà đầu tư thứ cấp và của nhà nước.

Việc truy tố được người dân đồng tình ủng hộ, bởi không thể cứ để một đại gia hoành hành rất lâu mà không bị xử lý. Một vấn đề nữa, vụ án này cho thấy các cán bộ lãnh đạo của các địa phương qua các thời kỳ có liên quan đến sai phạm này đã đi từ từng bước từ chức vụ nhỏ đã lên đến các chức vụ rất cao, rất khó hiểu về công tác cán bộ của chúng ta thời kỳ vừa qua.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.PV: Theo hồ sơ vụ án, những sai phạm này diễn ra cách đây hơn 10 năm, tuy nhiên đến nay mới được đưa ra ánh sáng, theo ông sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã kịp thời?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Sự vi phạm của ông Lê Thanh Thản và Mường Thanh rất lớn, hiển hiện giữa ban ngày và có nhiều hình thái nhưng lại không bị xử lý một cách kịp thời, khi gây ra hậu quả lớn mới đưa vụ việc này ra. Rõ rằng việc lãnh đạo, chỉ đạo và xử lý trách nhiệm của những người đứng đầu đối với các vụ việc ngay từ giai đoạn đầu đã không được làm tốt.

Nếu xử lý ngay từ ngày đó thì tất cả các cán bộ không được cơ cấu, quy hoạch vào những vị trí cao, để trải qua một thời gian rất dài, thậm chí họ còn tiếp tục gây hậu quả ở những dự án khác. Theo quan điểm của tôi lỗ hổng chủ yếu ở cơ chế thực hiện chứ không phải ở thể chế pháp lý, thể chế pháp lý của chúng ta đã tương đối đầy đủ.

PV: Theo ông cần xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan thế nào khi để lọt tội phạm và sai phạm kéo dài?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Theo tôi chúng ta phải xem xét trách nhiệm của cán bộ, công chức cũng như các cơ quan có thẩm quyền, tại sao không xem xét xử lý ngay từ ban đầu? Quá trình xem xét công tác cán bộ chúng ta đã để lọt lưới nhiều cán bộ có hạnh kiểm xấu, vi phạm pháp luật hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc có móc ngoặc, bảo kê cho các vi phạm nhưng vẫn được đưa vào vị trí cao.

Thứ hai là công tác chỉ đạo điều hành bị rơi vào tay một bộ phận không nhỏ cán bộ tham nhũng, tiêu cực nên cho dù những quy định của pháp luật có tốt đến mấy khi rơi vào tay những đối tượng này cũng trở nên vô nghĩa.

Thứ ba, khi các vụ việc xảy ra rồi, một bộ phận không nhỏ cán bộ đó, trước đây là lực lượng bảo kê cho vi phạm khi thực hiện dự án và bây giờ là bảo kê cho những vi phạm đã xảy ra, có nghĩa là quá trình xử lý bảo kê luôn, tham nhũng chồng tham nhũng, vi phạm chồng vi phạm. Công tác cán bộ của chúng ta có nhiều sơ hở, thiếu sót, sai phạm nhưng việc xử lý lại rất khó.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận