Bài 5: 'Lợi ích nhóm' thao túng 'quyền lợi' của công nhân!

Trong khi hơn một vạn công nhân đang làm việc trong KCN Thăng Long không có nhà để ở, phải thuê trọ tại các nhà trọ tư nhân với chi phí đắt đỏ, không đảm bảo điều kiện sống thì TP Hà Nội lại đem hàng chục nghìn m2 diện tích nhà ở công nhân cho các doanh nghiệp thuê. Điều đó khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng đang có 'lợi ích nhóm' thao túng quyền lợi của công nhân?

 

Bài 4: Cơ quan chức năng yêu cầu trả nguyên trạng

“Quyền lợi” thuộc về ai khi Hà Nội mở rộng đối tượng...?
Như Báo TNVN đã vào cuộc phản ánh loạt bài: “Bóp méo và trục lợi” chính sách nhà ở công nhân tại KCN Thăng Long (Đông Anh, TP Hà Nội) với Bài 1: “Biến nhà ở công nhân thành “trung tâm đào tạo”; Bài 2: “Lợi ích nhóm” trong việc mở rộng đối tượng thuê nhà?; Bài 3: Công nhân mất “quyền lợi”, nhà nước “thất thu”; Bài 4: Cơ quan chức năng yêu cầu trả nguyên trạng đăng trên các số báo 45; 46; 47 và số 07 ra ngày 04/11/2021; 11/11/2021; 18/11/2021; 17/2/2022 với nội dung: Thành phố Hà Nội đã đầu tư dự án thí điểm xây dựng nhà ở công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Đây cũng là dự án đầu tiên và duy nhất của cả nước có quy mô lớn khoảng 20ha được xây dựng đồng bộ với đầy đủ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật - xã hội, được ví như một khu đô thị lớn nhằm cung cấp chỗ ở ổn định, chất lượng phù hợp giúp công nhân tại KCN Thăng Long yên tâm làm việc. Dự án sau khi hoàn thành cả hai giai đoạn, đi vào hoạt động sẽ đáp ứng gần 12.000 chỗ ở cho công nhân đã có gia đình và độc thân. Đơn vị trực tiếp quản lý dự án là Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội thuộc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội.

Cuộc sống lay lắt nơi xóm trọ của vợ chồng công nhân đang làm việc tại KCN Thăng Long
Thế nhưng trái với kỳ vọng ban đầu, khi đi vào hoạt động, khu nhà ở công nhân KCN Thăng Long để xảy ra nhiều bất cập, trong đó có việc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội ký hợp đồng cho các doanh nghiệp thuê nhiều tòa nhà để hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, đẩy hàng nghìn công nhân mất cơ hội được thuê nhà điều đó gây bất bình, bức xúc trong công nhân.
Sau nội dung loạt bài phản ánh của Báo TNVN thì UBND TP Hà Nội, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã có văn bản gửi Sở Xây dựng TP Hà Nội đề nghị làm rõ nội dung mà Báo TNVN phản ánh. Trả lời Báo TNVN, tại văn bản số 703/SXD-QLN, Sở Xây dựng TP Hà Nội khẳng định: “Việc ký kết cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động thuê là thực hiện đúng với tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo TP Hà Nội”.

Những buổi sinh hoạt ngoại khóa của học viên các DN dưới sân tòa nhà ở công nhân, tiếng nhạc phát ra từ những chiếc loa kéo ảnh hưởng đến sin hoạt của công nhân...
Cần phải nhắc lại, năm 2017, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản số 913/TB-UBND thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND Thành phố tại cuộc họp về công tác quản lý, vận hành, sử dụng diện tích tại khu nhà ở công nhân. Văn bản thể hiện nội dung chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chung, thời điểm đó là Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng về việc mở rộng đối tượng thuê nhà ở công nhân, trong đó cần ưu tiên dành cho công nhân làm việc tại KCN Thăng Long, các KCN lân cận trên địa bàn TP Hà Nội, sau đó mở rộng thêm đối tượng là học viên học nghề thuê để ở, thực hiện việc đào tạo và cung ứng lao động có tay nghề cao cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng ý cho phép gia hạn hợp đồng thuê với các doanh nghiệp hoạt động trong mục đích nêu trên”.
Một thực tế diễn ra nhiều năm qua, số lượng công nhân phải thuê nhà trọ tư nhân ở các xã lân cận các KCN thuộc địa bàn huyện Đông Anh lên đến hơn 1,6 vạn công nhân. Những thời điểm dự án nhà ở dành cho công nhân KCN Thăng Long chưa đi vào hoạt động, hoặc mới chỉ đi vào hoạt động giai đoạn 1 thì con số công nhân phải thuê trọ cao gấp nhiều lần. Việc đó đã gây áp lực cho chính quyền sở tại về quản lý dân số cũng như thiếu hụt trầm trọng trường, lớp cho con em công nhân.

Cơn mưa hạ nhiệt sau những ngày nắng nóng cao điểm tháng 5/2023, phòng trọ biến thành ao.
Thực tiễn là vậy, vấn đề nhà ở dành cho công nhân “cung” chưa đáp ứng được “cầu”, thế nhưng, Sở Xây dựng lại có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội xin mở rộng đối tượng cho thuê tại khu nhà ở dành cho công nhân KCN Thăng Long và được Lãnh đạo TP Hà Nội chấp thuận chủ trương “mở rộng đối tượng cho thuê” đã được nêu tại văn bản 913.
Điều đó khiến dư luận đặt câu hỏi: “Cung” chưa đáp ứng “cầu” vì sao TP Hà Nội lại “mở rộng đối tượng cho thuê”? Đối tượng mở rộng là các doanh nghiệp được thuê để hoạt động tại khu nhà ở công nhân có đúng với mục tiêu ban đầu của dự án? Các doanh nghiệp có phải là đối tượng được “thụ hưởng” các chế độ ưu đãi như công nhân? Có gây lãng phí tiền ngân sách nhà nước? Có “lợi ích nhóm” đang thao túng “quyền lợi” của công nhân?”
Cũng tại văn bản 703 nêu trên, Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận: “Việc các doanh nghiệp tự ý biến nhà ở thành lớp học là trái với quy định”, điều đó cho thấy phản ánh của Báo TNVN hoàn toàn đúng sự thật.
Đồng thời, Sở Xây dựng yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, rà soát yêu cầu các doanh nghiệp trả nguyên hiện trạng ban đầu.
Thế nhưng, đã hơn một năm trôi qua, chỉ đạo của Sở Xây dựng vẫn chỉ “nằm im” trên văn bản, sai phạm vẫn còn đó, các danh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động như: Công ty Cổ phần Mirai intertional; Công ty Cổ phần phát triển Quốc tế Nhật Việt; Công ty Cổ phần phát triển nhân lực Thương mại và dịch vụ TVC... sau một thời gian “ngủ đông” do ảnh hưởng dịch Covid-19 đã hoạt động rầm rộ trở lại. Các dãy tòa nhà đơn nguyên cao 5 tầng như: C1; C2; C3; D4; D5,... biến thành trường, trung tâm đào tạo ngoại ngữ cho học viên của các doanh nghiệp.
Để làm sáng tỏ các cơ quan chức năng thực hiện theo chỉ đạo tại văn bản 703 như thế nào? Vì sai các sai phạm đến nay vẫn tồn tại?, phóng viên Báo TNVN liên hệ làm việc với Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

ĐBQH Trương Xuân Cừ kiến nghị UBND TP Hà Nội xử lý dứt điểm
Trao đổi với phóng viên Báo TNVN, Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết: Trong nhiều năm vừa qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.

ĐBQH Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NCT Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội
“Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước đối với người lao động, công nhân có thu nhập thấp. Cho nên nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động, công nhân được tiếp cận nhà xã hội, nhà ở công nhân tốt hơn. Thế nhưng, thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vấn đề “trục lợi” chính sách nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân là có cơ sở. Việc để chính sách nhà ở đến đúng đối tượng được thụ hưởng thì cần có hành lang pháp lý chặt chẽ”- ĐBQH Trương Xuân Cừ nhấn mạnh.
“Quay trở lại với một thực trạng đang diễn ra tại khu nhà ở công nhân KCN Thăng Long, Đông Anh mà Báo TNVN đã đăng tải loạt bài với nhiều kỳ phản ánh cho thấy sự bất cập trong quản lý và sử dụng khu nhà ở dành cho công nhân KCN Thăng Long. Bởi trên thực tế hiện nay, TP Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 20% nhà ở dành cho công nhân, còn khoảng 80% công nhân đang phải thuê các nhà trọ tư nhân, với chi phí cao, điều kiện sinh soạt không đảm bảo để tái tạo năng lượng phục vụ sản xuất. Như vậy, về nhà ở dành cho công nhân khá khiêm tốn, tuy nhiên, tại khu nhà ở dành cho công nhân KCN Thăng Long khi đi vào hoạt động đã không đúng với mục tiêu ban đầu, cơ quan chức năng đã dành một phần diện tích nhà ở cho các doanh nghiệp thuê để hoạt động kinh doanh, làm văn phòng, làm trung tâm đào tạo, trong khi đó nhà ở dành cho công nhân còn rất hạn chế. Từ đó cho thấy, thực trạng về quản lý nhà nước hiện nay còn bất cập” - ĐBQH Trương Xuân Cừ bày tỏ.
“Từ nội dung mà Báo TNVN phản ánh, tôi cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội xem xét lại mục đích triển khai nhà ở dành cho công nhân tại KCN Thăng Long là nhà ở dành cho công nhân, việc mở rộng cho các doanh nghiệp thuê để hoạt động kinh doanh, biến nhà ở thành văn phòng, trung tâm đào tạo là có đúng quy định. Đồng thời, UBND TP Hà Nội cần xem xét vấn đề quản lý đang còn những bất cập cần phải có biện pháp xử lý dứt điểm để tạo điều kiện sớm nhất, thuận tiện nhất cho công nhân có nơi ăn chốn ở như mục tiêu ban đầu của dự án - Nhà ở dành cho công nhân” - ĐBQH Trương Xuân Cừ kiến nghị.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận