“Tất cả những bài học đó đều được dạy và có công thức chung khi tham gia bất kỳ một khóa đào tạo bán hàng online nào.
Tuy nhiên, với những người muốn trục lợi bất chính từ bán hàng online thì không thể áp dụng các công thức thông thường, mà phải có chiêu trò. Những người bán hàng kiểu này bị gọi là giới underground, cái tên ám chỉ hoạt động không chính thống và không từ thủ đoạn", T. nói.
Theo T., những người trong giới marketing underground sau khi học một khóa bán hàng online cơ bản thì sẽ tìm đến các khóa học để biết cách “nhập hàng tận gốc Trung Quốc" và các khóa chuyên sâu về thủ thuật marketing mà ở đó họ được dạy những công thức viết content (nội dung) quảng cáo sao cho hấp dẫn, thậm chí sai sự thật để thu hút người dùng.
“Nhập hàng tận gốc từ Trung Quốc là một khóa học mà hầu như người bán "hàng rác" nào cũng phải trải qua. Khóa học này thường gợi mở về các cách tận thu từ những hàng hóa nhập về, ví dụ cách nhập hàng giá rẻ, bán giá đắt hay cách bán hàng giá rẻ nhưng quảng cáo như bán hàng hiệu”, anh T. kể.
Theo anh T., cách đây khoảng 3 năm, anh đã được người trong nghề hướng dẫn cách “bán hàng Trung Quốc như hàng hiệu - vừa được giá vừa dễ chốt đơn", hay cách “cho không, biếu không chỉ lấy phí ship" nhưng anh không thể làm theo vì biết bản chất của những chiêu này là lừa đảo, trục lợi từ sự cả tin, thiếu hiểu biết của người tiêu dùng.
“Đối với công thức bán hàng hiệu trá hình, họ sẽ lập fanpage giống như tài khoản cá nhân thông thường và viết bài chia sẻ về một sản phẩm hàng hiệu nào đó đang giảm giá mạnh. Bản chất của việc này là để tăng độ uy tín của bài viết và có thể quảng cáo đến nhiều người. Đối với trường hợp này, người tiêu dùng nên để ý, nếu thấy bài đăng của một cá nhân về món hàng bất kỳ mà có đến vài nghìn, thậm chí hàng chục nghìn like và tương tác thì nên cảnh giác. Vì tài khoản cá nhân không thể nào nhiều tương tác được như vậy, đây chắc chắn là kết quả của quảng cáo. Ngoài ra hãy chú ý đến dòng chữ nhỏ dưới tên người chia sẻ. Nếu có cụm từ “Được tài trợ" thì đó chính là quảng cáo bán hàng", anh T. tư vấn.
Còn đối với công thức “cho không biếu không chỉ lấy phí ship", anh T. cho biết cách này đánh trực tiếp vào tâm lý của người dùng. Chiêu trò này không bán hàng mà tặng trực tiếp, làm mọi cách để khách hàng lầm tưởng rằng mặt hàng được tặng có giá trị cao, rồi áp dụng các kịch bản chốt đơn, trả tiền ship đã được xây dựng từ trước.
“Bản chất của cách này là bán hàng giá rẻ với giá rất cao. Thử tưởng tượng bạn bán một chiếc đồng hồ đồ chơi giá nhập chưa đến 10.000 đồng với giá 300.000 đồng mà xem. Khoản lợi nhuận hàng nghìn % khiến không ít người “mờ mắt", bất chấp chấp tất cả để bán hàng gian dối, nhằm kiếm lời", anh T. nói.
Trên thực tế, có rất nhiều người thuê cả kho lớn với hàng chục nhân viên marketing, đào tạo bàn bản các kịch bản chốt khách. Không ít trong số đó đã bị cơ quan chức năng phanh phui, xử phạt.
“Họ thường tuyển sinh viên làm thêm với kịch bản được xây dựng sẵn trong các phần mềm tích hợp bán hàng hoặc đào tạo trực tiếp cho nhân viên telesale (nhân viên chăm sóc khách hàng qua điện thoại). Khách hàng hỏi câu gì, ngay lập tức họ đã có sẵn các câu trả lời, dần dần dẫn khách hàng vào đúng kịch bản và cuối cùng là “chốt đơn". Việc tối ưu quy trình này khiến những người bán hàng càng tiết kiệm chi phí, tiếp cận được nhiều người dùng và càng bán được nhiều hàng hơn", anh T. nói.
"Hàng rác" được bán thông qua quảng cáo Facebook cũng rất đa dạng, từ các mặt hàng thời trang như giày dép, túi xách, hoặc đồ công nghệ như đồng hồ, điện thoại, các dụng cụ gia dụng, dung dịch tẩy rửa…“Tất cả những mặt hàng này, chỉ cần muốn và yêu cầu xưởng sản xuất bên Trung Quốc là bao nhiêu cũng có, họ thậm chí còn sản xuất cả QR-Code kèm theo, mà khi check vẫn ra link chính hãng”.
Dù chỉ có số ít những người bán hàng oline bất chấp mọi thủ đoạn, nhưng anh T. khuyến cáo người tiêu dùng khi biết được những mánh khóe trên cần luôn đề cao cảnh giác, tránh gặp phải tình trạng tưởng mua được hàng hiệu giá rẻ cuối cùng lại thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo.
Trong khi đó, trả lời PV VTC News về những bẫy bán hàng online, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thừa nhận tình trạng lừa đảo bằng hình thức bán hàng online vẫn diễn biến phức tạp, người tiêu dùng trước tiên cần nâng cao kiến thức, tự bảo vệ chính mình.
“Chúng tôi đã nắm được việc này và cũng phanh phui, dẹp bỏ nhiều vụ việc có dấu hiệu lừa đảo. Tuy vậy, người tiêu dùng cần tự bảo vệ chính mình. Chúng tôi đã khuyến nghị rất nhiều rằng mua hàng, đặc biệt mua hàng có thương hiệu, hàng đắt tiền như túi xách, đồng hồ…tốt nhất là nên chọn mua ở những địa điểm chính thức mà nhãn hàng công bố. Không nên mua hàng trôi nổi qua mạng vì không thể kiểm chứng. Hoặc trước khi mua cũng nên kiểm tra thông tin, thông số sản phẩm trên website chính thức của nhãn hàng”, ông Linh khuyến cáo.
CÔNG HIẾU/VTC.VN