Thời gian qua, lợi dụng những khó khăn về tài chính của công nhân, người lao động, nhất là trong bối cảnh giảm, giãn việc làm, nạn cho vay nặng lãi hoành hành với những hình thức tinh vi, biến tướng, gây nhiều hệ lụy, làm ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân. Điều này đòi hỏi tăng cường các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ người lao động khỏi hiểm họa này.
“Tín dụng đen” đe dọa đời sống công nhân nghèo
Mấy năm trước, bố của chị Nguyễn Thị Phương, công nhân trong Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM) bị tai nạn giao thông, cần rất nhiều chi phí để điều trị. Do biến cố bất ngờ, gia đình xoay sở nhiều nguồn nhưng không được, chị đành tìm đến “tín dụng đen”, vay nóng gần 200 triệu đồng với lãi suất 45%/tháng.
Sau đó, lãi mẹ đẻ lãi con, số nợ đội lên tiền tỷ. Không còn khả năng trả nợ, gia đình phải bán căn nhà ở huyện Nhà Bè để trả. Vợ chồng chị Phương đưa mẹ già và con về quê sinh sống, còn hai vợ chồng thì xin vào khu lưu trú công nhân ở tạm.
Mặc dù bán nhà để trả nợ nhưng vẫn không hết số nợ, vợ chồng chị luôn sống trong canh lo âu, mệt mỏi, không còn tinh thần minh mẫn để làm việc.
Không chỉ chị Phương, mà nhiều công nhân cũng vì hoàn cảnh khó khăn, bần cùng đã vướng vào cảnh nợ nần với “tín dụng đen”. Đặc biệt, sau đợt dịch COVID-19 kéo dài, lương giảm, việc ít, lãi chồng lãi khiến họ trở nên bế tắc, túng quẫn, lo sợ, ăn không ngon, ngủ không yên.
“Lương em có hơn 7 triệu/tháng, trong khi đó thì lại nuôi mẹ già. Chồng thì thất nghiệp, rồi gia đình còn phải nuôi thêm cháu nữa”.
“Số tiền lãi 5 triệu mỗi tháng cứ dồn vào, đến lúc em thiếu tổng số tiền của họ là gần 100 triệu”.
Theo một khảo sát được thực hiện vào tháng 6/2022 của Tổ chức CEP (thuộc Liên đoàn lao động TP.HCM, chuyên cho công nhân vay với lãi suất thấp), có trên 46% người cho biết bản thân hoặc người quen từng là nạn nhân của “tín dụng đen”, hơn một nửa số người vay từng bị đe dọa, hành hung.
Công nhân phải vay “tín dụng đen” với lãi suất rất cao, có người phải vay với lãi suất 800%/năm, được ẩn dưới các loại phí như phí bản quyền, dịch vụ, phí xử lý, phạt thanh toán không đúng hạn... Con số này cao gấp nhiều lần mức 20% lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự mà luật cho phép.
Đồng hành công nhân
Từ khảo sát trên, CEP cùng tổ chức Công đoàn xây dựng đề án “Tổ chức Công đoàn phòng, chống tín dụng đen trong công nhân lao động”. Điểm nhấn của đề án là chương trình cho vay khẩn cấp, hỗ trợ khách hàng khoản vay nhỏ ngắn hạn để giải quyết các nhu cầu cấp thiết do bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh với lãi suất 0,5%/tháng; thủ tục, hồ sơ vay vốn đơn giản, dễ dàng. Chương trình tiết kiệm theo khoản vay nhằm giúp người lao động tiết kiệm, giảm thiểu rủi ro trong cuộc sống.
Tính đến ngày 31/7/2023, CEP đã cung cấp dịch vụ tín dụng, tiết kiệm và phát triển cộng đồng cho trên 5,4 triệu lượt khách hàng công nhân lao động nghèo và người có thu nhập thấp với số tiền trên 83.000 tỷ đồng, thông qua 36 chi nhánh CEP tại TP.HCM và 9 tỉnh miền Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Hoàng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổ chức tài chính vi mô CEP cho biết, CEP đưa ra nhiều sản phẩm tín dụng với lãi suất thấp từ 0,4-0,72%/tháng và hoàn trả linh hoạt (hàng tuần hoặc tháng). Khách hàng có thể vay vốn từ CEP theo hình thức tín chấp, mức vốn tối đa 50 triệu đồng, trả nợ trong thời hạn tối đa là 36 tháng.
Mục tiêu là CEP cùng hệ thống công đoàn huy động thêm nguồn lực, có thêm vốn để mở rộng hỗ trợ cho nhiều công nhân lao động và đoàn viên công đoàn hơn nữa. Riêng trong năm 2023, CEP dành 14,1 tỷ đồng thực hiện chương trình CEP chia sẻ yêu thương - Cùng công nhân và người lao động phòng chống “tín dụng đen” nhằm góp phần cùng tổ chức Công đoàn chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công nhân và người lao động.
Ông Hoàng Văn Thành cho biết, để hỗ trợ được cho công nhân lao động nghèo thì công nghệ là yếu tố rất quan trọng, do vậy đó là ưu tiên trọng tâm của CEP. Phát triển công nghệ thì cũng phải đi kèm với cải tiến thủ tục quy trình, để làm sao tinh gọn nhất, để người lao động nghèo có thể tiếp cận với nguồn vốn nhanh và sớm nhất.
Theo ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM, thời điểm sau COVID-19 hoặc từ cuối năm 2022, tình hình công việc, đời sống công nhân gặp khó khăn cũng là mảnh đất màu mỡ để “tín dụng đen” nổi lên lộng hành và biến tướng. Liên đoàn Lao động TP đã báo cáo với Thành ủy, UBND TP.HCM, làm việc với lực lượng công an để đưa ra nhiều giải pháp ngăn ngừa.
"Các cơ quan chức năng, trong đó có tổ chức công đoàn, chúng ta sớm phát hiện những biểu hiện, đường dây, cách thức mà tín dụng đen tiếp cận với công nhân, từ đó có sự ngăn ngừa sớm. Điều này đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ. Quan trọng nhất là chúng ta vẫn phải tuyên truyền để cho công nhân không vì giải quyết khó khăn trước mắt mà để lại những hệ lụy nghiêm trọng lâu dài"- ông Trần Đoàn Trung nói.
Thời gian qua, TP.HCM đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, gần đây nhất là hoạt động như truy quét tội phạm “tín dụng đen”. Từ việc rà soát, thu gom số điện thoại cho vay tiền nhanh ở các khu vực dân cư, Công an TP.HCM đã triệt phá nhiều vụ cho vay lãi nặng do những băng nhóm “tín dụng đen” thực hiện. Lực lượng công an phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, đồng loạt triển khai bóc gỡ, xóa các sản phẩm quảng cáo sai quy định, quảng cáo “tín dụng đen”.
Về hoạt động hỗ trợ tín dụng, mới đây, tổ chức Tài chính Vi mô CEP đã ký kết phối hợp phòng, chống “tín dụng đen” trong công nhân lao động với Liên đoàn Lao động 9 tỉnh phía Nam với mục tiêu từ 2023 - 2028 sẽ cung cấp sản phẩm tín dụng cho 1,4 triệu lượt công nhân, hộ gia đình với hơn 50.000 tỷ đồng, kịp thời bổ sung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động.
Kim Dung/VOV-TPHCM