Hệ sinh thái của Shark Thủy: Tiền vào túi ai, trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?

Hàng loạt nhà đầu tư đã gom góp số tiền tiết kiệm cả đời, tiền chữa bệnh để "rót" vào hệ sinh thái của Shark Thủy có nguy cơ không lấy được tiền. Nhà đầu tư tố hệ sinh thái của Shark Thủy 'bất tín' và có dấu hiệu lừa đảo.

 

“Sống dở, chết dở” vì đầu tư vào Egame

Bà Mai Thị Thanh ở Thanh Nhàn, Hà Nội phản ánh đến Báo Tiếng nói Việt Nam (Báo VOV) với nội dung nghe lời quảng cáo hùn vốn đưa cho Shark Thủy với kỳ vọng lãi suất khoảng 15%/năm, ngày 15/5/2021, bà đã mang số tiền tích cóp cả đời để mua cổ phần của công ty mẹ là Egroup qua Công ty cổ phần đầu tư và phân phối Egame (Egame) có địa chỉ tại tầng 2, nhà 25T1 lô đất N05 KĐT Đông Nam đường Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) do ông Nguyễn Ngọc Thủy (shark Thủy), Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT). Bà Thanh kỳ vọng nắm được cổ phần, rồi được hưởng lãi suất cao thì sẽ thêm được ít tiền chi tiêu khi trái gió trở trời. Tuy nhiên, sau 3 năm lãi không thấy đâu mà gốc cũng không lấy về được.

Theo hồ sơ phóng viên có được, nhà đầu tư sẽ ký “Hợp đồng thỏa thuận hợp tác chiến lược” với Công ty Egame để sở hữu số lượng cổ phần của Công ty cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup. Theo đó, khách hàng sẽ phải nắm giữ cổ phần đến thời hạn quy định để được tặng thêm số cổ phần nhất định. Ví dụ, như trường hợp của bà Mai Thị Thanh đang nắm giữ 2.815 cổ phần (tương đương 106.951.000 đồng) thì sau 01 năm sẽ nhận được 377 cổ phần. Hợp đồng cũng quy định rõ, nếu bà Thanh muốn nhượng lại một phần cổ phần hoặc toàn bộ số cổ phần đang sở hữu thì công ty cam kết và đảm bảo sẽ tìm đối tác có nhu cầu mua (nếu không có đối tác mua), công ty sẽ mua lại với giá 43,700 đồng/cổ phần. Mặc dù các điều khoản được ghi rõ ràng trong hợp đồng, nhưng thực tế khi hết hạn hợp đồng bà Thanh yêu cầu tất toán và nhận lại tiền thì phía công ty liên tục hứa hẹn rồi không trả. Bà Thanh cho rằng, Shark Thủy “bất tín” và có dấu hiệu lừa đảo.

Hợp đồng “Hợp đồng thỏa thuận hợp tác chiến lược” với Công ty Egame.

Tương tự là trường hợp của bà N.T.L trú tại Hà Đông, Hà Nội cho biết, ngày 27/8/2020, bà có tham gia góp vốn làm cổ đông tại Công ty cổ phần đầu tư và phân phối Egame với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Đến ngày 13/3/2022, toàn bộ số tiền gốc cộng lãi mà bà đã đầu tư vào công ty đã lên đến hơn 8 tỷ đồng. “Dù đã rất nhiều lần đề nghị công ty thanh toán nhưng tôi vẫn không nhận được câu trả lời bằng văn bản nào về thời gian cụ thể công ty sẽ thanh toán. Đó là số tiền mồ hôi nước mắt tích cóp nhiều năm qua và số tiền để mẹ tôi dưỡng già, hiện tại tôi cũng không biết số tiền đó sẽ đi đâu, về đâu…”, bà N.T.L bức xúc nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đã có nhiều trường hợp ký hợp đồng với hệ sinh thái của Shark Thủy đang “sống dở, chết dở” vì khi đến hạn nhưng không thể rút được tiền. Bi đát hơn, có trường hợp đem sổ đỏ thế chấp ngân hàng để đầu tư mua cổ phần Egroup, trong khi lợi nhuận không thấy đâu nhưng vẫn phải “còng lưng” trả lãi ngân hàng như trường hợp bà P.T.H cùng người nhà nghe lời quảng cáo hùn vốn vào hệ sinh thái của Shark Thủy với kỳ vọng lãi suất khoảng 15%/năm. Với tính toán giản đơn của người lao động chân tay, bà thế chấp nhà cửa vào ngân hàng GP để vay vốn với lãi suất dưới 10%/năm, sau đó đưa cho Shark Thủy để ăn chênh lệch khoảng 5%/năm. Tổng tiền bà H và người nhà hùn cho Shark Thủy khoảng 5 tỷ, nhưng tới kỳ cả năm không nhận được một đồng lãi, gốc cũng không. Quá túng quẫn, bà H đã uống thuốc ngủ tử tử, người nhà đã phải đưa đi cấp cứu.

Bên cạnh đó, đơn vị thành viên trong hệ thống sinh thái của Shark Thủy cũng tung ra chiêu gọi vốn khi phát hành trái phiếu lãi suất cao, kèm tặng vàng để “dụ dỗ” nhà đầu tư tham gia. Cụ thể, Tập đoàn Phát triển Hạ tầng Giáo dục Việt Nam đã thông báo phát hành trái phiếu mệnh giá 1.000.000đồng/trái phiếu với tổng số vốn huy động lên tới 630 tỷ đồng, kỳ hạn trái phiếu là 5 năm. Trái phiếu do tập đoàn này phát hành là loại trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Trái phiếu được phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ. Lãi suất cố định 12%/năm cho 6 kỳ tính lãi đầu tiên và lãi suất cố định 12,9%/năm cho các kỳ tính lãi tiếp theo. Cụ thể, lô trái phiếu có mã EIGCH2227002 kỳ hạn 5 năm, trái phiếu được phát hành tại thị trường trong nước. Khối lượng phát hành là 1.340.895 trái phiếu có giá 1.000.000 đồng/trái phiếu. Lô trái phiếu này được chào bán vào ngày 4/4/2022 và hoàn tất ngày 29/6/2022. Tổng khối lượng trái phiếu của doanh nghiệp này đã phát hành lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hàng nghìn tỷ đồng đi đâu?

Để có thông tin khách quan đa chiều, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với Egame theo số điện thoại ghi trong hợp đồng nhưng không ai nhấc máy. Ngày 31/7 phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Thập phụ trách truyền thông của Công ty, nhưng ông Thập cho biết ông đã nghỉ không làm tại Tập đoàn Egroup nữa.

Qua nhiều nguồn, phóng viên lấy được số điện thoại của ông Tiến. Liên hệ với ông Tiến, ông Tiến hỏi phóng viên về thông tin khiếu nại ở công ty nào và ông này yêu cầu phóng viên gửi thông tin khiếu nại vào địa chỉ zalo cho ông. Khi xem xong thông tin phóng viên gửi, ông Tiến cho biết sẽ “báo cáo với lãnh đạo và đưa vào danh sách ưu tiên”. Ngoài ra, ông này còn chia sẻ thêm với phóng viên, những trường hợp nhà đầu tư góp vốn và yêu cầu thanh lý hợp đồng giống như bà Thanh, bà N.T.L rất nhiều. “Nhiều lắm em ah. Anh đau đầu lắm luôn”, ông Tiến than thở.

Bà P.T.H phải cấp cứu tại bệnh viện vì quẫn trí uống thuốc ngủ tử tử.

Tuy nhiên, thật bất ngờ ngày 17/8, khi phóng viên liên hệ lại để xem tình hình đã giải quyết như thế nào với nhà đầu tư thì ông Tiến cho biết mình đã nghỉ làm tại Công ty từ 4 tháng trước. Ngày 18/8, phóng viên liên hệ lại để hỏi thêm họ tên của ông Tiến thì ông này khẳng định: “Anh đã nghỉ việc 5 tháng nay” và “anh cũng không phải người công ty lâu rồi nên anh chỉ hỗ trợ truyền tải thông tin”. 

Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi với ông Tiến: “Ngày 31/7, anh còn bảo em chuyển thông tin cho anh để anh báo cáo lãnh đạo xử lý ạ?” thì ông này cho rằng: “Anh hỗ trợ truyền tải thông tin đến ban lãnh đạo cũ, còn về công việc anh đã nghỉ”. Vậy, lý do gì mà ông Tiến lại “quay xe” phủ nhận mình không làm tại công ty sau hơn nửa tháng tiếp nhận thông tin? Cách hành xử của ông này liệu có giống cách hành xử “bội tín” mà các nhà đầu tư đang tố hệ sinh thái của Shark Thủy hay không?.

Tìm hiểu thêm phóng viên nhận thấy, hiện ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) thành lập nhiều tập đoàn như Tập đoàn Egroup, Công ty cổ phần Đầu tư và Phân phối Egame (Tập đoàn Egame), Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Ecapital (Tập đoàn Ecapital), Công ty cổ phần Apax English (Tập đoàn Apax English).... Shark Thủy là Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc với tỷ suất chiếm hữu 35% vốn điều lệ Egroup. Đồng thời Shark Thủy còn nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị tại các công ty như Công ty cổ phần Đầu tư và phân phối Egame (Công ty Egame), Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings, Công ty cổ phần Apax English…

Ngoài hệ thống các tập đoàn này, ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) còn thành lập nhiều trung tâm Tiếng Anh Apax English – Apax Leaders, hàng chục trường mầm non STEAMe GARTEN, 11 Viện trị liệu thẩm mỹ Yakson Beauty, 50 cửa hàng Soya Garden trên toàn quốc và 12 trung tâm CMS (chương trình giáo dục sớm cho trẻ thời 4.0) và 1 trung tâm trải nghiệm STEM chuẩn quốc tế.

Số tiền mà hệ sinh thái của Shark Thủy đã huy động là rất nhiều nhưng điều ngạc nhiên là khi đến hạn tất toán hợp đồng thì các nhà đầu tư không rút được lãi, gốc cũng không. Vậy câu hỏi đặt ra, số tiền khổng lồ đó đã đi đâu, vào túi ai? Trách nhiệm của cơ quan quản lý thế nào khi để Shark Thủy đứng tên và đồng đứng tên thành lập hàng loạt công ty lớn nhỏ trong cả nước để huy động vốn dẫn đến nhiều nhà đầu tư rơi vào cảnh khốn cùng?

Báo VOV sẽ tiếp tục thông tin!

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận