Từ một công trình trái phép ở 85 Hạ Đình, nhiều cấp chính quyền của Thủ đô Hà Nội vào cuộc. Sai phạm rất rõ ràng, hàng loạt cán bộ bị kiểm điểm và xử lý, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân chỉ đạo rất cụ thể… thế nhưng cả hệ thống thực thi quyền lực từ phường đến thanh tra xây dựng và UBND quận không làm, dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Đâu là nguyên nhân để vụ việc thêm phức tạp?
Người hứa không làm, người “ra lệnh” rút đơn
Thông báo kết luận của UBND quận Thanh Xuân số 104/TB-UBND ngày 04/01/2018 ghi rõ: “…Ngày 02/11/2017, Tổ xác minh tiến hành kiểm tra hiện trạng công trình (nhà chị Yến) nhận thấy: Tường tầng 3 giáp số nhà 85 Hạ Đình hiện trạng có vết nứt. Tuy nhiên, công dân (tức chị Trần Hoàng Yến - PV) không cung cấp được chứng cứ chứng minh vết nứt có trước hay sau khi ông Phạm Văn Thủy cải tạo, sửa chữa nhà, do vậy không đủ cơ sở để khẳng định việc cải tạo, sửa chữa công trình tại số 85 Hạ Đình làm ảnh hưởng đến gia đình bà Nguyễn Thị Chính và chị Trần Hoàng Yến. Nội dung công dân tố cáo công trình xây dựng làm ảnh hưởng đến gia đình người có tố cáo là không có cơ sở”.
Thực tế, ngay khi ông Phạm Văn Thủy chủ công trình tại 85 phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội) bắt đầu tiến hành đổ cột bê-tông lên tầng 2, gia đình chị Yến đã làm đơn (ngày 06/6/2017) gửi UBND phường Thanh Xuân Trung phản ánh về việc lún nứt trần, tường nhà chị Yến. Kèm theo đơn có cả ảnh chụp. Sau đó, liên tiếp những lá đơn gia đình chị Yến gửi UBND phường, kèm theo những bức ảnh thể hiện rõ các vết nứt, bong tróc ngày càng lan rộng được thể hiện qua các bức ảnh chụp cùng 1 vị trí vào các ngày cụ thể từ tháng 6/2017 đến tháng 4/2018, nhưng không được chính quyền giải quyết. Công trình vẫn được ngang nhiên xây tiếp lên tầng 3.
Cùng với đó, gia đình chị Yến còn tố cáo ông Phạm Văn Thủy (chủ công trình) tự ý phá dỡ một phần mái khu bếp, chém mái ngói (phần tum tầng 3), xây dựng lấn chiếm sang phần đất của gia đình phía trước và phía sau, nhưng gần 2 năm nay, các nội dung tố cáo này của gia đình chị Trần Hoàng Yến vẫn không được chính quyền giải quyết (!?).
Ngày 19/6/2017, ông Phạm Văn Thủy sang nhà chị Yến tận mắt xem hiện trạng, trong biên bản, ông Thủy đã khẳng định, hứa hẹn: “…Tầng 3 có vết nứt cổ trần chạy xung quanh phòng. Sau khi ghi nhận hiện trạng, tôi (Phạm Văn Thủy) là chủ công trình số 85 đường Hạ Đình có trách nhiệm đền bù, sửa chữa, khắc phục các sự cố do việc xây dựng công trình số 85 Hạ Đình gây ra (các sự cố gây lún, nứt) đối với nhà của chị Yến. Nếu tôi không sửa chữa do việc xây dựng công trình gây ra lún, nứt nhà liền kề tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Biên bản đã được ông Phạm Văn Thủy ký và ông Nguyễn Xuân Đức, cán bộ đô thị phường Thanh Xuân Trung, có mặt đã ký và xác nhận. Lời hứa của ông Phạm Văn Thủy là như vậy, nhưng nói mà không làm, đến nay vẫn chỉ là lời hứa.
Chủ công trình hứa, còn chính quyền thì… “ra lệnh”! Tại biên bản làm việc ngày 02/8/2017, UBND phường Thanh Xuân Trung yêu cầu các bên tiếp tục thực hiện: ...Đối với việc gây lún nứt nhà của gia đình bà Chính - chị Yến, ông Thủy có trách nhiệm kiểm tra, sửa chữa, thỏa thuận đền bù các thiệt hại… Phần kết luận tại văn bản này, UBND phường “ra lệnh” cho gia đình chị Yến rằng: “Để tạo điều kiện cho gia đình ông Thủy hoàn thiện nốt công trình cải tạo nhà, bà Chính (mẹ chị Yến - PV) phải rút toàn bộ các lá đơn đã gửi các cấp và tuyệt đối không có bất cứ hành động gửi đơn vượt cấp từ nay về sau...”. Với nhiều nội dung bất bình thường trong buổi hòa giải này, gia đình bà Chính, chị Yến bỏ về không ký.
Ông Nguyễn Xuân Đức, cán bộ đô thị phường Thanh Xuân Trung lúc đó, thừa nhận rằng: “Ngày 19/6/2017, tôi có xuống làm việc với hai gia đình và lập biên bản ghi nhận hiện trạng nhà và chụp ảnh nhưng chưa đưa biên bản cho nhà bà Chính - chị Yến vào thời điểm đó”. Như vậy, UBND quận Thanh Xuân không thể kết luận và cho rằng “Nội dung công dân tố cáo công trình xây dựng làm ảnh hưởng đến gia đình người có tố cáo là không có cơ sở”. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến bức xúc của chị Trần Hoàng Yến với chủ công trình xây dựng tại 85 Hạ Đình và chính quyền về quyền lợi của gia đình, dẫn đến khiếu kiện kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.
Việc của chính quyền giao chi bộ tổ dân phố
Tháng 12/2017, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đã ra Kết luận số 2011/KL-CTUBND và chỉ đạo: UBND phường Thanh Xuân Trung phối hợp với Thanh tra xây dựng quận lập phương án xử lý công trình vi phạm theo quy định… Nhưng cho đến khi bài báo này lên trang, công trình vi phạm tại 85 Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân vẫn ngang nhiên tồn tại thách thức dư luận(?!).
Sau hơn 1 năm không thấy thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, phóng viên Báo TNVN gọi điện hỏi ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung để biết kế hoạch và thời gian triển khai thực hiện những nội dung đã kết luận thì thật bất ngờ, ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch phường hồn nhiên trả lời: “Cán bộ bị xử lý kỷ luật hết cả rồi, phường còn ai đâu mà lập kế hoạch, xử lý…”!?
Thêm một điều bất ngờ nữa đó là, theo đơn tiếp tố của chị Trần Hoàng Yến, tháng 1/2019, tại buổi tiếp xúc cử tri, bà Cảnh - Bí thư chi bộ tổ dân phố nói: “Đề nghị UBND phường và quận xuống trực tiếp kiểm tra để giải quyết chứ không thể giao cho chúng tôi giải quyết được vì chúng tôi không biết gì về xây dựng, về địa chính. Đồng thời không thể để đơn thư kéo dài được…”. Vấn đề ở đây là đã hơn 1 năm sau khi có kết luận, có chỉ đạo rất cụ thể và rõ ràng của Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân về hướng xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng tại 85 Hạ Đình, nhưng mọi việc vẫn y nguyên. Không rõ có phải do phường Thanh Xuân Trung “hết người làm” hay không mà việc này lại được “tùy tiện” giao cho chi bộ tổ dân phố làm thay chính quyền (!?).
Chưa hết, có lẽ do Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân chỉ đạo ngắn gọn quá: “UBND phường Thanh Xuân Trung phối hợp với Thanh tra xây dựng quận lập phương án xử lý công trình vi phạm theo quy định” đối với công trình không phép ở 85 Hạ Đình, cho nên ông Đặng Hồng Thái - Phó Chủ tịch quận (người trực tiếp theo dõi - phụ trách về trật tự xây dựng) nói với gia đình chị Yến trong buổi tiếp dân (2/2019) tại UBND quận rằng: “Họ đã xây dựng như thế rồi thì không thể tháo dỡ được… mà có nhiều hình thức phạt và tôi sẽ phạt công trình vi phạm trật tự xây dựng này bằng tiền mặt…”. Ông phó chủ tịch nói như vậy, bất chấp việc đã có công văn chỉ đạo xây dựng phương án tháo dỡ công trình. Để làm rõ nội dung này trong đơn tố cáo, ông Thái hẹn gặp phóng viên, nhưng sau đó lại bỏ không tiếp.
Nếu thực sự “không còn cán bộ” để xử lý công trình vi phạm theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, như ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung bày tỏ quan điểm; nếu thực sự chỉ có thể xử lý sai phạm tại công trình 85 Hạ Đình theo cách “phạt bằng tiền mặt” mà ông Đặng Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đã nói, thì câu chuyện này chưa biết bao giờ kết thúc. Và thực tế nhiều năm qua cho thấy, đây là trường hợp khiếu kiện kéo dài điển hình liên quan tới quản lý trật tự xây dựng ở quận Thanh Xuân nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.
Quản lý trật tự xây dựng đô thị là công việc quan trọng cần có sự giám sát nghiêm ngặt để phát hiện sai phạm và xử lý kịp thời, nếu không làm nghiêm minh sẽ diễn biến phức tạp khó lường, dẫn tới gia tăng tình trạng coi thường kỷ cương phép nước, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của nhân dân.
|