Mất khả năng trả nợ thẻ tín dụng, ngân hàng khởi kiện thì phải làm sao?

Theo quy định pháp luật, việc sử dụng thẻ tín dụng là hình thức vay tiền tín chấp thời hạn 01 tháng.

 

Độc giả Nguyễn Thanh H gửi câu hỏi về Báo Điện tử VOV.VN: Tháng 02/2020, tôi có mở thẻ tín dụng hạn mức 50 triệu tại Ngân hàng X, theo hình thức tín chấp. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, tôi gặp tai nạn lao động, bị liệt nửa người nên không còn khả lao động để chi trả khoản nợ thẻ 45 triệu kể từ ngày 25/08/2021. Đến nay, ngân hàng khởi kiện tôi ra Toà án yêu cầu tôi trả số tiền lên tới 72.000.000 đồng.

Hiện nay, tôi bị mất khả năng lao động thì có phải trả nợ cho Ngân hàng nữa hay không?

Về câu hỏi của độc giả Nguyễn Thanh H, luật sư Lê Hồng Hiển - Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Hồng Hiển & Cộng sự tư vấn giải quyết như sau:

Theo quy định tại Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 thì đến hạn thanh toán nợ theo thỏa thuận đối với hợp đồng vay thì anh có nghĩa vụ trả nợ, nếu quá hạn phải trả lãi theo quy định của pháp luật.

Gói vay tín chấp qua thẻ tín dụng được khá nhiều ngân hàng, công ty tài chính triển khai nhằm mang đến cơ hội tiếp cận nguồn vốn cho mọi đối tượng khách hàng.Như anh trình bày, từ thời điểm 22/08/2021, anh bị tai nạn lao động nên không còn khả năng chi trả khoản nợ thẻ tín dụng, số tiền gốc và lãi là: 72.000.000 đồng. Theo quy định pháp luật, việc sử dụng thẻ tín dụng là hình thức vay tiền tín chấp thời hạn 01 tháng. Do vậy, hết thời hạn vay, anh phải trả tiền nợ thẻ tín dụng cho bên Ngân hàng X. Nếu hết thời hạn, anh không trả được thì anh phải trả lãi theo thoả thuận đã giao kết khi mở thẻ tín dụng.

Việc anh bị tai nạn lao động, bị liệt và không còn khả năng lao động không thuộc trường hợp được miễn nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, với tình trạng hiện tại của anh thì anh có thể làm đơn yêu cầu phía Ngân hàng xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Thông tư 39/2016/TT-NHNN hoặc xin giảm, miễn khoản lãi phải trả.

“3. Trường hợp khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay, tổ chức tín dụng xem xét chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Điều 19 hoặc chuyển nợ quá hạn theo quy định tại Điều 20 Thông tư này. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận việc tính tiền lãi phải trả phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư này.”

Nếu hợp đồng vay tín dụng của anh có sử dụng hợp đồng bảo hiểm tín dụng thì có thể yêu cầu phía bảo hiểm thực hiện thay nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

CTV Vững Nguyễn/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận