Bài 2: Quy trình 'khép kín' vì sao 'con voi chui qua lỗ kim'?

Công trình xây dựng phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vi phạm về trật tự xây dựng phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch... Quy trình quản lý trật tự xây dựng chặt chẽ, thế nhưng sai phạm vẫn xảy ra và có chiều hướng phức tạp. Điều đó cho thấy có 'chống lưng' cho vi phạm...

 

Bài 1: “Nở rộ” chung cư mini “núp bóng” nhà ở riêng lẻ

“Nhóm lợi ích” đang chống lưng cho vi phạm

Ngày 13/8/2019, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 04/2019/QĐ- UBND về việc: “Quy định Quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội”. Quyết định này đã đưa ra nguyên tắc chung trong quản lý trật tự xây dựng: Công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vi phạm về trật tự xây dựng phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch.

Cũng tại Quyết định 04 quy trách nhiệm cụ thể trong quản lý trật tự xây dựng: “Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục triệt để theo quy định của pháp luật; Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các vi phạm trật tự xây dựng thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm bị xử lý hành chính, bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại vật chất phải bồi thường theo các quy định của pháp luật”.

Căn cứ Điều 5, Điều 6, Điều 7 Quyết định 04, Đội quản lý trật tự xây dựng: “Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng trên địa bàn; Phát hiện, lập hồ sơ xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng theo quy định của pháp luật và theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo thẩm quyền…”. Đối với UBND cấp xã: “Kiểm tra, giám sát tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn, hoàn thiện hồ sơ, trình Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành các quyết định xử lý vi phạm trật tự xây dựng vượt thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã…”. UBND cấp huyện: “Thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý; Kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, quyết định xử lý vi phạm trật tự xây dựng của cấp thẩm quyền đối với các công trình xây dựng trên địa bàn...”.

Về phía chủ đầu tư, theo quy định hiện hành, chủ đầu tư trước khi khởi công xây dựng công trình phải gửi thông báo về ngày khởi công xây dựng đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương trước thời điểm khởi công ít nhất là 03 ngày, kèm theo hồ sơ có liên quan: Giấy phép xây dựng; Thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình… Đồng thời, chủ đầu tư phải niêm yết giấy phép xây dựng phía trước công trình đang xây dựng để cơ quan chức năng, người dân giám sát.

Với quy trình quản lý trật tự xây dựng “khép kín” nêu trên cho thấy không có “kẽ hở” cho con kiến chui qua, thế nhưng câu chuyện “con voi chui qua lỗ kim” lại đang phản ánh đúng thực trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội trong nhiều năm qua. Điều đó khiến dư luận đặt câu hỏi: Công trình vi phạm do có “bảo kê”, “chống lưng”?

Khẳng định rằng, phản ánh của dư luận hoàn toàn có cơ sở, bởi rất nhiều trường hợp khi người dân cải tạo, sửa chữa công trình nhà ở, xây dựng tường rào chỉ cần tập kết nguyên vật liệu tại công trình đã “xuất hiện” đội quản lý trật tự xây dựng đến “nhắc nhở”, yêu cầu người dân làm đơn gửi UBND phường mới cho xây dựng, nếu không chấp hành sẽ tiến hành lập biên bản, xử phạt hành chính...

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài chung cư mini tại số 37 ngách 29/70 Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân vi phạm vượt tầng, vượt mật độ xây dựng, vụ cháy tại công trình này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì chủ đầu tư là Nghiêm Quang Minh, cùng cộng sự còn nhiều công trình khác được UBND quận Thanh Xuân cấp giấy phép xây dựng như: Số 18, phố Ngụy Như - Kon Tum, phường Nhân Chính được cấp phép xây dựng 6 tầng, 1 hầm, 1 lửng, 1 tum, tuy nhiên công trình này “hô biến” thành 9 tầng, 1 hầm; Công trình số 28, ngõ 12, phố Chính Kinh, phường Nhân Chính được cấp phép xây dựng 6 tầng, mật độ xây dựng 80%, sau đó công trình này được xây 8 tầng, mật độ xây dựng 100%; Công trình số 26, ngõ 203, đường Trường Chinh, phường Khương Mai xây dựng 10 tầng…

Từ đó cho thấy, vi phạm của chủ đầu tư Nghiêm Quang Minh là có “hệ thống” được lặp đi lặp lại nhiều lần với “quy trình tương tự”: Xin cấp phép nhà ở riêng lẻ, chia tách nhiều phòng, xây vượt tầng, vượt mật độ “hô biến” thành chung cư mini để bán, cho thuê.

Đối với lực lượng chức năng có liên quan trong quản lý trật tự xây dựng như: UBND các phường; Đội quản lý trật tự xây dựng quận Thanh Xuân; UBND quận Thanh Xuân đang quản lý trật tự xây dựng theo quy trình: Lập biên bản, ra quyết định vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt hành chính; ra Quyết định khắc phục hậu quả xong “đóng hồ sơ” để cho công trình “tồn tại”.

Mới đây, trao đổi với báo chí, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhìn nhận đang có một thực tế là xử phạt rồi để cho các công trình vi phạm trật tự xây dựng này tồn tại. Đặc biệt, ông Nghị cho rằng đằng sau mỗi công trình, chung cư mini xây vượt tầng so với giấy phép là cả một thế lực lớn “chống lưng”.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ quản lý lĩnh vực để xảy ra vi phạm...

Sau vụ cháy, cơ quan chức năng đã thống kê được trên địa bàn TP Hà Nội hiện có hơn 2.000 chung cư mi ni đang hoạt động. Dư luận đang đặt câu hỏi, có bao nhiêu công trình vi phạm trật tự xây dựng trong tổng số hơn 2.000 chung cư mini đang hoạt động? Các công trình vi phạm này sẽ bị xử lý như thế nào? Quy trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra sai phạm ra sao? Việc xử lý vi phạm cần phải được làm rõ, quy trách nhiệm cụ thể, công khai, minh bạch tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, gây ra nhờn luật vi phạm vẫn không được xử lý triệt để.

Vụ cháy chung cư mini gây hậu quả nghiêm trọng, để truy trách nhiệm”đến cùng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Đinh Tiến Dũng đã thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy ký ban Quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3 tổ chức Đảng: Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Xuân, Đảng ủy Công an quận Thanh Xuân, Đảng ủy phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025.

Trước đó, ngày 2/3/2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU về việc: “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Chỉ thị có nội dung: “Về công tác quản lý trật tự xây dựng, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là UBND các quận, huyện, thị xã cần chấn chỉnh kỷ cương, thực hiện chế độ xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Tổ chức rà soát, tổng kết, đánh giá và đề xuất các giải pháp hiệu quả, phù hợp để ổn định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của cơ quan, bộ phận chuyên môn làm công tác quản lý trật tự xây dựng của thành phố và các quận, huyện, thị xã. Tiếp tục rà soát, thống kê các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trong các giai đoạn trước để xử lý dứt điểm.Thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý, đồng thời có chế tài gắn trực tiếp trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc xử lý tồn tại cũ và phát sinh mới đối với các trường hợp vi phạm về đất đai, đặc biệt trong những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng…”.

Cũng tại Chỉ thị 14, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu: “Xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý có hành vi vi phạm hoặc buông lỏng quản lý, để xảy ra các sai phạm”.

Như vậy có thể thấy, Chỉ thị 14 nêu trên với quyết tâm “truy trách nhiệm” cụ thể đến tổ chức Đảng, người đứng đầu, cán bộ trực tiếp quản lý lĩnh vực để phát sinh vi phạm trật tự xây dựng là sự cương quyết “không bao che” “xử lý nghiêm” vi phạm.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận