Lập nhóm 'báo chốt' lực lượng CSGT trên mạng xã hội: Xử lý thế nào?

Theo luật sư Tuấn, việc đăng các thông tin liên quan đến hoạt động kiểm tra, kiểm soát giao thông của cảnh sát giao thông là một trong các hành vi vi phạm.

 

Thời gian gần đây cơ quan chức năng đẩy mạnh việc kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Chính bởi vậy, trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo… xuất hiện nhiều hội, nhóm thông báo cho nhiều người cùng biết về việc cơ quan chức năng đang lập các chốt kiểm soát giao thông tại các địa điểm nào, từ đó nhằm tránh bị kiểm tra hoặc xử lý vi phạm giao thông. Hành vi này đã gây ra nhiều thiệt hại, ảnh hưởng đến hoạt động, hiệu quả của cơ quan có thẩm quyền cũng như gây ra nhiều bức xúc trên thực tế.

Mới đây, Công an huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, hình thức phạt tiền 7,5 triệu đồng một đối tượng có hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật”. Theo Công an huyện Mỹ Đức, đối tượng này đã đăng tải công khai lên trang Facebook cá nhân của mình dòng trạng thái kèm 2 hình ảnh lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện Mỹ Đức đang phối hợp với Công an xã An Mỹ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm nồng độ cồn.

Hay gần đây nhất, ngày 26/9, Công an thành phố Hòa Bình giải tán và xử lý người lập nhóm Zalo “Trên mọi nẻo đường” 7,5 triệu đồng. Nhóm này chuyên "báo chốt" giúp sức cho một số thành viên tránh bị kiểm tra nồng độ cồn. Qua điều tra, Công an thành phố Hòa Bình xác định nhóm “Trên mọi nẻo đường" có hơn 700 thành viên, tự lập ra với mục đích thông báo cho nhau các chốt CSGT đang làm nhiệm vụ kiểm tra an toàn giao thông và nồng độ cồn trên toàn tỉnh Hoà Bình

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Gia (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc lập các chốt kiểm tra giao thông hoặc việc tuần tra giao thông của cơ quan cảnh sát giao thông là nhằm đảm bảo hoạt động tham gia giao thông của người dân đúng quy định pháp luật, tránh các hành vi vi phạm có thể gây ra những hậu quả ảnh hưởng đến tài sản, sức khoẻ, tính mạng của người tham gia giao thông. Bản chất của việc kiểm tra, tuần tra là mang tính chất đột xuất, bất ngờ tại các địa điểm được cơ quan có thẩm quyền lựa chọn trước đó.

Công an làm việc với người lập ra nhóm Zalo “Trên mọi nẻo đường”.“Việc lập các hội, nhóm trong đó có thể hiện các thông tin liên quan đến địa điểm lập chốt giao thông, số lượng người thực hiện kiểm tra tại chốt, thời gian cơ quan công an lập chốt… và đăng, chia sẻ công khai trên các hội, nhóm có số lượng người theo dõi lớn một cách vô tình hay cố ý đều làm cho công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền không hiệu quả và có thể tiềm ẩn nhiều nguy hại”- luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn nói.

Theo luật sư Tuấn, từ các bài đăng, thông tin liên quan đến việc kiểm tra giao thông đó làm cho người tham gia giao thông chủ quan, không có ý thức trong việc tham gia giao thông. Nhiều người đang tham gia giao thông mà có hành vi vi phạm như không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định… sẽ lựa chọn các tuyến đường khác nhằm trốn tránh việc bị phát hiện và xử phạt. Có nhiều trường hợp sau khi đã sử dụng rượu, bia nhưng vẫn cố tình tham gia giao thông… tiềm ẩn nguy cơ lớn gây nguy hiểm đến bản thân và những người khác khi tham gia giao thông.

Ngoài ra, việc thông báo công khai các thông tin này còn gây ra thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Bởi lẽ, ngoài mục đích chính là kiểm tra, kiểm soát đảm bảo việc tham gia giao thông đúng luật thì cảnh sát giao thông còn có quyền xử phạt những hành vi vi phạm. Việc xử phạt này vừa tạo tính răn đe cho người tham gia giao thông, vừa tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Những người đăng các thông tin về chốt giao thông lên hội, nhóm có nhiều trường hợp không ý thức được hành vi của mình là hành vi vi phạm. Thực tế, hành vi này được xác định là một trong những hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.

“Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm e Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (mức phạt áp dụng với tổ chức), cá nhân có hành vi vi phạm này thì mức phạt sẽ bằng ½ mức phạt của tổ chức cụ thể là từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Thông thường mức phạt với hành vi này của cá nhân sẽ là 7.500.000 đồng”- luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn phân tích.

Hiện nay, theo luật sư Tuấn, pháp luật đề cao và đẩy mạnh quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do sử dụng mạng xã hội của công dân, tuy nhiên, không phải vì vậy mà công dân được quyền đăng tải bất cứ thông tin gì lên mạng xã hội. Việc đăng các thông tin liên quan đến hoạt động kiểm tra, kiểm soát giao thông của cảnh sát giao thông là một trong các hành vi vi phạm, nếu bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, người đăng các thông tin này sẽ bị xử lý theo quy định.

Mạng xã hội hiện nay đã là phương tiện để tìm kiếm, trao đổi và nắm bắt thông tin phổ biến. Do đó, không khó để có thể tìm hiểu được các quy định pháp luật liên quan. Do vậy, để tránh các hậu quả đáng tiếc khi tham gia giao thông xảy ra liên quan gián tiếp từ hành vi đăng tải thông tin của mình, cũng như tránh được các rủi ro về pháp luật liên quan cho bản thân, mỗi cá nhân nên tìm hiểu kỹ quy định pháp luật trước khi thực hiện hành vi của mình.

Nguyễn Hiền/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận