Ngày 10/10, TAND Tỉnh Thái Nguyên tiến hành xét hỏi với Châu Thị Mỹ Linh (SN 1970, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Yên Phước) trong vụ án khai thác lậu hơn 3 triệu tấn than tại mỏ than Minh Tiến, huyện Đại Từ (vượt gấp 47 lần trữ lượng khai thác được cấp phép), thu lợi bất chính hơn 375 tỷ đồng.
Trong vụ án này, bị cáo Châu Thị Mỹ Linh bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về thăm dò khai thác tài nguyên” và “Mua bán trái phép vật liệu nổ”. Bị cáo Linh bị cáo buộc là chủ mưu, câu kết cùng công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác thực tế hơn 3 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm, thu lợi bất chính hơn 151 tỷ đồng.
Trả lời tại tòa, bị cáo Châu Thị Mỹ Linh cho biết, trong quá trình làm việc, ký kết với Đông Bắc Hải Dương để khai thác than, chủ yếu bị cáo làm việc với Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh (là hai anh em sinh đôi, cổ đông công ty Đông Bắc Hải Dương).
“Giang và Thanh giống nhau quá nên khi làm việc đôi lúc bị cáo không phân biệt được rõ. Nhóm này có nhiều người, nhưng bị cáo chỉ làm việc chính với Giang và Thanh. Chỉ biết Giang làm nhiệm vụ chính là khai thác, còn Thanh bàn bạc với bị cáo là muốn mua lại than từ mỏ. Về nội dung hợp đồng ký kết khai thác 400.000 tấn than/năm, thực sự trong tâm thức bị cáo nghĩ là đó chỉ là hợp đồng nguyên tắc” - bị cáo Châu Thị Mỹ Linh trình bày.
Trong vụ án này, hai anh em Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” và “Mua bán trái phép hóa đơn”.
Về giá tiền, bị cáo Châu Thị Mỹ Linh khai bán cho Đông Bắc Hải Dương là 450.000 đồng một tấn than thành phẩm. “Cơ bản thì công ty Yên Phước chỉ cho Đông Bắc Hải Dương thuê mỏ để khai thác, không phải là bán mỏ” - Châu Thị Mỹ Linh khai.
Bị cáo Châu Thị Mỹ Linh thừa nhận đã nhận số tiền khoảng 120 tỷ đồng từ Đông Bắc Hải Dương từ tiền bán than tại mỏ Minh Tiến: “Bị cáo nhận nhiều lần, có lúc nhiều thì 5 tỷ đồng. Tổng số tiền đến năm 2021 là 90,3 tỷ đồng. Sau đó Đông Bắc Hải Dương xin nợ lại hơn 27 tỷ. Tổng cộng khoảng 120 tỷ đồng.”
Chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi, với số tiền lớn như thế, bị cáo Châu Thị Mỹ Linh phải biết được Đông Bắc Hải Dương khai thác bao nhiêu than ở mỏ Minh Tiến, có vượt hạn mức giấy phép được khai thác hay không. Vì Đông Bắc Hải Dương là doanh nghiệp, làm ăn phải có lãi thì mới chi tiền.
Theo cáo trạng, Công ty Yên Phước được Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ năm 2012 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do bà Châu Thị Mỹ Linh là Tổng giám đốc.
Công ty Yên Phước sau đó được UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép khai thác than trong khu 59ha ở mỏ than Minh Tiến, huyện Đại Từ đến giữa năm 2031 với trữ lượng hơn 136.000 tấn, công suất 8.500 tấn một năm.
Tuy nhiên, bị cáo Linh đã "cấu kết" với Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương do hai anh em Bùi Hữu Giang - Bùi Hữu Thanh góp vốn, để đưa công nhân, máy móc vào khai thác trái phép than, khoáng sản, với công suất gấp hơn 47 lần trữ lượng được cấp phép.
Tính đến thời điểm bị khởi tố, nhóm người này đã khai thác tổng số hơn 3 triệu tấn than cùng khoáng sản đi kèm. Trong đó, có 2,7 triệu tấn than; 420.000 mét khối bã sàng và đá đen. Quá trình điều tra xác định, tổng số tiền thu lợi bất chính của hai nhóm Công ty Yên Phước và Công ty Đông Bắc Hải Dương là hơn 375 tỷ đồng.
Ở vụ án này, cùng hầu tòa còn có nhiều cựu lãnh đạo tại tỉnh Thái Nguyên như: Ông Nguyễn Thanh Tuấn - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Thái Nguyên; Nguyễn Thế Giang - nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Thái Nguyên, Nguyễn Ngô Quyết - nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Bình bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trọng Phú/VOV.VN