Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết điều này khi báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước và các cơ quan liên quan về công tác của tòa án.
Hình phạt nghiêm khắc với người chủ mưu, cầm đầu
Năm 2023, các tòa án triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh số lượng các loại vụ việc phải thụ lý, giải quyết tiếp tục tăng với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp, nhất là các tội phạm ma túy, xâm phạm trật tự an toàn giao thông, tham nhũng, kinh tế, chức vụ, giết người….
Báo cáo cho thấy, từ ngày 1/10/2022 đến hết tháng 9 năm nay, các tòa án đã thụ lý 606.209 vụ việc, đã giải quyết được 540.490 vụ việc (đạt tỷ lệ 89,16%; cao hơn năm trước 0,26%). So với năm 2022, tòa án đã thụ lý tăng 38.688 vụ (tăng 6,8%); đã giải quyết tăng 35.809 vụ.
Đề cập việc thụ lý, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, các tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 3.730 vụ với 8.670 bị cáo; đã xét xử 3.197 vụ với 6.417 bị cáo phạm.
Trong 6.417 bị cáo đã xét xử sơ thẩm, các tòa án tuyên phạt tù chung thân 10 bị cáo; phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm 73 bị cáo; tù từ trên 7 năm đến 15 năm 475 bị cáo; tù từ 3 năm đến 7 năm 1026 bị cáo…
Các tòa án đã thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 307 vụ với 578 bị cáo phạm tội về tham nhũng, đã xét xử 226 vụ với 424 bị cáo; thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 4 vụ với 4 bị cáo, đã xét xử 3 vụ với 3 bị cáo.
“Các tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước. Trường hợp cho hưởng án treo được cân nhắc kỹ lưỡng, bảo đảm đúng quy định của pháp luật” - Chánh án Nguyễn Hoà Bình khẳng định.
Các tòa án đã chú trọng quyết định tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại.
Năm qua, các tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản 216 vụ với 761 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ với số tiền và tài sản trên 1.859 tỷ đồng. Có 163 vụ với 631 bị cáo đã khắc phục hậu quả nộp lại tài sản đã chiếm đoạt trên 490 tỷ đồng.
Không vùng cấm, không ngoại lệ
Liên quan vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, tòa án tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, theo tinh thần không có vùng cấm và không có ngoại lệ.
Các tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 21 vụ án, đã xét xử 17 vụ án, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung 3 vụ án (trong đó, 1 vụ được thụ lý lại); thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 15 vụ án, đã xét xử 12 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.
Các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo được đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh, bảo đảm đúng tiến độ, yêu cầu; đã thụ lý 785 vụ án với 1.759 bị cáo; xét xử theo thủ tục sơ thẩm 597 vụ án với 1.405 bị cáo; theo thủ tục phúc thẩm 137 vụ án với 252 bị cáo; quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung 45 vụ án với 136 bị cáo.
Tòa án đã phối hợp tốt với liên ngành tố tụng ở Trung ương chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Điển hình như vụ án Nhật Cường, Tân Hiệp Phát, Việt Á, Tân Hoàng Minh, vi phạm về đấu thầu tại Bệnh viện Bạch Mai, Viện tim Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Vụ án FLC, vụ án chuyến bay giải cứu…
Toà đã xử lý nghiêm nhiều vụ án gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, gây bức xúc lớn trong xã hội, được đông đảo dư luận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Cụ thể có các vụ án như Nguyễn Thị Thanh Nhàn và đồng phạm phạm các tội xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai; vụ án Cao Minh Quang và đồng phạm; vụ án xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; vụ chuyến bay giải cứu;…
Hiếu Minh/VOV.VN