“Thu hồi như lấy không”
Đó là nhận định của ông Vũ Xuân Ba sinh sống tại tổ dân phố 1, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, khi nói về việc bồi thường, hỗ trợ di dời thu hồi đất cho dự án nêu trên. Theo đó, hộ gia đình ông Ba và cùng hơn 50 hộ gia đình khác chỉ nhận được số tiền hỗ trợ di dời vài chục triệu đồng, bởi chính quyền địa phương đã không xác định thấu đáo về nguồn gốc đất ở của họ, khiến cho nhiều hộ sinh sống ở đây từ những năm 1992 không được bồi thường về đất ở.
Ông Phạm Hữu Song, một hộ gia đình trong diện di dời cho biết, mới đây, gia đình ông đã nhận được quyết định về việc phê duyệt phương án bồi thường để thực hiện dự án xây dựng đường Tây Thăng Long. Theo quyết định, toàn bộ ngôi nhà 4 tầng của ông được bồi thường hơn 150 triệu đồng và không được đền bù tiền đất ở do đất được xác định là có nguồn gốc đất thủy lợi. “Với số tiền này, gia đình tôi sẽ làm như thế nào để lo chỗ ở cho 10 thành viên”, ông Song bức xúc.
Cùng như ông Song, 3 mẹ con chị Vương Huyền Thu chỉ có căn nhà cấp 4 để ở. Theo phương án bồi thường, mẹ con chị được đền bù hơn 24 triệu đồng. “Chồng tôi mất sớm, 2 con còn đi học, 3 mẹ con tôi sẽ sinh sống như thế nào, sẽ ở đâu với số tiền hỗ trợ di dời 24 triệu đồng”, chị Thu than thở.
Khó khăn hơn gia đình chị Thu, gia đình ông Nguyễn Trí Khơi ở số nhà 524 chỉ được hỗ trợ hơn 31 triệu đồng cho căn nhà cấp 4 diện tích 110m2. Điều đáng nói, hai vợ chồng ông Khơi với thu nhập chính là khoản lương hưu ít ỏi đang phải chật vật làm công việc lao động tự do để có thêm thu nhập chăm sóc đứa con tàn tật. Họ sẽ đi đâu, về đâu với số tiền hỗ trợ di dời hơn 31 triệu đồng.
Tình cảnh tương tự là gia đình bà Trần Thị Mai với 4 nhân khẩu, 3 thế hệ sống trong ngôi nhà cấp 4 diện tích 35m2 với khoản hỗ trợ di dời hơn 10 triệu đồng; gia đình ông Nguyễn Xuân Giảo gồm 2 vợ chồng, ông Giảo cán bộ hưu trí do thương tật với mức lương hưu hơn 2 triệu đồng, phải đi xe lăn, 2 vợ chồng ông bà và 1 cháu nhỏ sống trong ngôi nhà 34,5m2 sẽ được nhận hỗ trợ di dời hơn 30 triệu đồng.
Cuộc sống của họ rồi sẽ trôi về đâu, hay là dắt díu nhau ra đường ở?
Đó là thực trạng chung của hơn 50 hộ dân thuộc diện thu hồi đất cho dự án đường Tây Thăng Long. Đất họ đang quản lý, sử dụng được xác định là có nguồn gốc đất thủy lợi thuộc hành lang sông Nhuệ. Vì vậy, họ không được hưởng chính sách tái định cư, không được bồi thường về nhà ở, đất ở, trong khi rất nhiều hộ chỉ có căn nhà duy nhất, hoàn cảnh sống vốn đã khó khăn sẽ càng trở nên bế tắc.
Chưa xác định rõ nguồn gốc đất
Theo phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư của UBND quận Bắc Từ Liêm, các hộ dân trong diện di dời nêu trên không được bồi thường về đất, các hộ dân chỉ được hỗ trợ di dời với số tiền từ 15 - 45 triệu đồng, tùy theo từng hộ. Chỉ có 2 hộ được phê duyệt xuất mua nhà tái định cư. Lý do mà UBND quận Bắc Từ Liêm phê duyệt phương án bồi thường 0 đồng đối với các hộ dân nêu trên là vì “diện tích đất thu hồi có nguồn gốc thuỷ lợi” do UBND xã Cổ Nhuế, nay là phường Cổ Nhuế 2 quản lý.
Tuy nhiên, trao đổi với các hộ dân, được biết, năm 1992, khi các hộ dân về khai hoang, sinh sống thì hai lô đất trên là vùng hoang hoá, hai bên bờ sông không có đê và đường đi như hiện nay. Đường đi ven sông được đắp vào cuối năm 1994 và không có văn bản giao đất nào của cơ quan có thẩm quyền giao đất dọc 2 bên bờ sông Nhuệ đoạn từ Cầu Noi đến cống Liên Mạc cho Xí nghiệp thuỷ nông sông Nhuệ quản lý.
Căn cứ nghị định số 141-CP ngày 26/9/1963 có hiệu lực tại thời điểm năm 1992, phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi được xác định là 10m, tính từ mép bờ đất trên cùng của sông vào phía nội đồng. Như vậy, diện tích 2 lô đất nêu trên nằm ngoài phạm vi bảo vệ công trình đê điều, không thuộc quản lý của Xí nghiệp thuỷ nông sông Nhuệ.
Làm việc với phóng viên, đại diện UBND phường Cổ Nhuế 2 cho biết, theo bản đồ địa chính năm 1994 đang lưu giữ tại phường, khu đất các hộ dân sinh sống nằm trong diện tích 2 khu đất thuộc quản lý của Viện cây trồng và của Đại học Mỏ địa chất. Trên bản đồ thể hiện một phần diện tích có nhà. Tuy nhiên, kết quả xác minh đến thời điểm hiện tại, hai đơn vị này vẫn chưa cung cấp được quyết định giao đất của các cơ quan có thẩm quyền với diện tích trên, trong suốt thời gian dài cũng không quản lý diện tích đất này.
Tại thời điểm các hộ dân đến khai hoang năm 1992, Luật Đất đai chưa quy định trách nhiệm quản lý đất đai chưa sử dụng thuộc về UBND cấp xã, chưa quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã đối với việc quản lý đất chưa giao, chưa cho thuê tại địa phương.
Đến thời điểm này vẫn chưa có câu trả lời chính xác đất có phải là đất thuỷ lợi, có phải là đất thuộc quản lý của Xí nghiệp thủy nông sông Nhuệ, Đại học Mỏ - Địa chất, Viện Cây trồng hay là đất ở do người dân đến khai hoang từ hơn 30 năm qua. Chính vì vậy, mặc dù đã nhận được quyết định bồi thường với mức hỗ trợ, đền bù không thoả đáng, các hộ dân vẫn không đến nhận tiền, không đồng ý di dời.
Trong khi đó, từ năm 2005, hơn 50 hộ dân trong diện bị di dời nói trên đã kê khai, nộp thuế sử dụng đất hằng năm, cơ quan thuế đã truy thu tiền thuế sử dụng đất từ ngày các hộ dân đến khai hoang năm 1992 dành cho loại hình đất ở đô thị. Suốt từ khi khai hoang đến nay đã hơn 30 năm, nhiều hộ dân khai hoang ban đầu đã sang nhượng lại đất cho những hộ đến sau. Những hộ dân đến sau sinh sống ổn định, không tranh chấp, đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế đất ở đô thị cho Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Thanh ở tổ dân phố 1 phường Cổ Nhuế 2 bày tỏ: Chúng tôi ủng hộ chính sách của Nhà nước khi cần di dời phục vụ xây dựng công trình giao thông. Chúng tôi mong muốn thành phố Hà Nội và các cơ quan hữu trách có chính sách bồi thường phù hợp, thoả đáng để bảo đảm an sinh cho các hộ dân, tạo điều kiện để các hộ dân không có nơi ở nào khác được mua một căn hộ tái định cư của thành phố.
Báo TNVN sẽ tiếp tục thông tin thêm về vụ việc ở các số tiếp theo./.