Xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BHYT, Bệnh viện E nói gì?

Bệnh nhân khám cấp cứu trái tuyến tại Bệnh viện E phải ký cam kết tự nguyện sử dụng các dịch vụ y tế mà không được hưởng bảo hiểm y tế theo quy định. Bệnh viện E đang xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm y tế?

 

Áp đặt và không đảm bảo quyền lợi cho người bệnh

Báo TNVN nhận được phản ánh của gia đình bệnh nhân anh N.V.H với nội dung, bệnh nhân đến khám cấp cứu tại Bệnh viện E do nghi bị sốt xuất huyết. Tại phòng cấp cứu, gia đình được nhân viên y tế phát cho một bản Cam kết tự nguyện sử dụng các dịch vụ y tế mặc dù bệnh nhân vào cấp cứu (trái tuyến) và có bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, sau khi kết thúc khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán sốt virut và cho về nhà tự điều trị. Bệnh nhân đã không được tính theo bảo hiểm y tế và phải thanh toán 100% chi phí khám và xét nghiệm cho Bệnh viện E.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nội dung ghi rõ: Xin được cho bệnh nhân khám và điều trị tại khoa cấp cứu Bệnh viện E; Xin được tự chi trả việc dùng thuốc, vật tư y tế, dịch vụ y tế ngoài định mức của bảo hiểm y tế dùng trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân hoặc không nằm trong danh mục thầu hoặc hết thầu, hết thuốc – vật tư y tế của Bệnh viện E; Xin không thanh toán lại với bảo hiểm y tế và Bệnh viện E; Xin được thanh toán dịch vụ hoàn toàn cho bệnh nhân;…Không đòi hỏi Bảo hiểm xã hội và Bệnh viện thanh toán sau khi ra viện, không thắc mắc khiếu kiện.

Bản Cam kết tự nguyện sử dụng các dịch vụ y tế của Bệnh viện E.

Trao đổi với phóng viên về việc này, nguyên một vụ trưởng vụ bảo hiểm y tế (xin được giấu tên) cho rằng, việc bắt bệnh nhân ký cam kết này là áp đặt cho người bệnh. Không đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. Người bệnh mất quyền được bảo hiểm y tế bảo vệ. Trong khi Bảo hiểm y tế là chính sách an sinh xã hội ưu việt của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo, giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn...

Vụ trưởng vụ bảo hiểm y tế này phân tích: “Yêu cầu không được dùng bảo hiểm y tế để chi trả trong khám chữa bệnh là không đúng quy định. Vì theo quy định, khám cấp cứu dù trái tuyến cũng được hưởng bảo hiểm y tế theo tỷ lệ quy định. Bắt bệnh nhân phải ký cam kết như vậy sẽ gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm y tế. Theo Điều 11, Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, các hành vi nghiêm cấm liên quan đến bảo hiểm y tế gồm: Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm y tế; Lợi dụng quyền hạn, chuyên môn và nghiệp vụ để làm trái với quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế”.

Bệnh viện không cố ý làm trái mà do sơ suất!

Để có thông tin khách quan đa chiều, phóng viên đã liên hệ làm việc với Bệnh viện E, tại buổi làm việc bác sỹ Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp khẳng định, không phải trường hợp bệnh nhân nào bệnh viện cũng yêu cầu ký cam kết như trên mà chỉ những trường hợp bệnh nhân sử dụng thuốc, vật tư y tế không nằm trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả mới phải ký.

Bệnh viện E. Nguồn: Internet

Đối với trường hợp bệnh nhân trên đã sốt ở nhà 2-3 ngày nhưng khi vào viện không sốt nữa, bác sỹ xác định không trong tình trạng cấp cứu. Nơi khám chữa bệnh ban đầu của bệnh nhân không phải ở Bệnh viện E, bảo hiểm y tế của bệnh nhân là 198 nên bệnh nhân khám trái tuyến. Cái chưa đúng của kíp trực là bệnh nhân chỉ nằm theo dõi tại viện 2,5h, chưa đủ điều kiện để điều trị nội trú mà chỉ điều trị ngoại trú nhưng kíp trực lại cho làm bệnh án nội trú dẫn đến sự hiểu lầm giữa bệnh nhân và kíp trực và kíp trực không giải thích rõ cho bệnh nhân hiểu.

“Việc bắt bệnh nhân ký cam kết trên không phải là chủ trương của bệnh viện mà do khoa Cấp cứu tự phát. Bệnh viện đã phê bình khoa Cấp cứu. Khoa Cấp cứu đã kiểm điểm, nhận sai sót và rút kinh nghiệm. Sau khi sự việc xảy ra, Bệnh viện E đã chấn chỉnh, rà soát lại toàn bộ giấy cam kết của các khoa trong bệnh viện", bác sỹ Hà nhấn mạnh.

Đồng thời bác sỹ Hà cũng thừa nhận, lần đầu tiên Bệnh viện E nhận được phản ánh là không cho bệnh nhân được hưởng bảo hiểm y tế thì rõ ràng là đi ngược lại chính sách của Nhà nước và Ngành y tế nói chung. Tuy nhiên, Bệnh viện E không cố ý làm trái mà do sơ suất.

Cũng tại buổi làm việc bác sỹ Phạm Xuân Hiếu, Trưởng khoa Cấp cứu cũng khẳng định, việc yêu cầu bệnh nhân ký cam kết Khoa chưa báo cáo với ban giám đốc bệnh viện mà tự phát của Khoa vì nghĩ để cho an toàn cho bệnh nhân chứ không vì lợi ích gì. Khoa đã rút kinh nghiệm và chỉ mong được làm chuyên môn cho tốt, để được cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội.

Theo thông tin từ phía bệnh nhân, Bệnh viện E đã liên hệ và muốn hoàn trả lại số tiền thu sai của bệnh nhân.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật TNHH A&H:

Tùy theo nội dung, tính chất và mức độ vi phạm mà hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 87, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 124/2021/NĐ-CP, ngày 28/12/2021 của Chính phủ, với mức phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm. Đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt sẽ bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Ngoài ra, tổ chức hoặc cá nhân vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hoàn trả số tiền mà đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bị thiệt hại (nếu có). Trường hợp không hoàn trả được cho đối tượng thì nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật TNHH A&H cho rằng, theo quy định tại Điều 36 và Điều 37 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì người tham gia bảo hiểm y tế có quyền “được khám bệnh, chữa bệnh” và “được tổ chức bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế”. Đồng thời, người tham gia bảo hiểm y tế cũng có nghĩa vụ “thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài phần chi phí do quỹ bảo hiểm y tế chi trả”. Tuy nhiên, khi người bệnh phải sử dụng các dịch vụ, thuốc, vật tư, các kỹ thuật không được cơ quan Bảo hiểm y tế chi trả thì cơ sở khám, chữa bệnh phải có trách nhiệm giải thích rõ để bệnh nhân hoặc người thân của họ biết để quyết định lựa chọn. Nếu phải lập cam kết thì cũng phải nêu rõ các dịch vụ, thuốc, vật tư, các kỹ thuật được cơ quan Bảo hiểm y tế chi trả một phần hoặc không chi trả.

Pháp luật hiện hành không có bất kỳ quy định nào về việc bắt buộc người bệnh hoặc người thân của họ phải ký “cam kết tự nguyện sử dụng các dịch vụ y tế” như cách mà Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E đã thực hiện. Bởi vì, nội dung văn bản cam kết này có sự “mập mờ”, không tách bạch rõ ràng giữa việc “tự trả việc dùng thuốc, vật tư y tế, dịch vụ y tế ngoài định mức của Bảo hiểm dùng trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân” với việc “thanh toán dịch vụ hoàn toàn cho bệnh nhân”, cũng như không nêu rõ các loại dịch vụ, thuốc, vật tư, các kỹ thuật cụ thể nào sẽ không được cơ quan Bảo hiểm y tế chi trả và người bệnh sẽ phải thanh toán.

Khi người bệnh có tham gia bảo hiểm y tế và có mong muốn được hưởng các quyền lợi bảo hiểm y tế thì cơ sở khám, chữa bệnh phải có trách nhiệm bảo đảm các quyền lợi cho họ theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, nếu Bệnh viện E căn cứ vào văn bản “cam kết tự nguyện sử dụng các dịch vụ y tế” để yêu cầu người bệnh phải thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh mà không cho họ được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế theo quy định là trái pháp luật, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm y tế. Đây là hành vi “làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm y tế”, bị pháp luật nghiêm cấm tại Khoản 4 Điều 11 Luật bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận