Viết tiếp bài: 'Những viển vông từ Tập đoàn Lã Vọng'

Bài 2: Sự gian lận của Tập đoàn Lã Vọng

 

Nếu như các cơ quan quản lý Nhà nước thực sự giám sát chặt chẽ, biết lắng nghe từ các cơ quan chuyên môn để đưa ra một “quyết định” đúng thì không thể dẫn đến việc các doanh nghiệp hay nhà đầu tư “lợi dụng” để “trục lợi”. Câu chuyện thực tế ở Tập đoàn Lã Vọng là sự cảnh báo về chính sách - cơ chế “xin - cho” sẽ tạo nên môi trường đầu tư không lành mạnh, tạo cơ hội cho “nhóm lợi ích”.

 

Khái toán gian lận… để được cấp đất?

Như vậy, Cty Cổ phần Thương mại Ngôi Nhà Mới (Cty NNM) chính thức đã “thò được chân” vào khu đất vàng tại Đại Mỗ với dự án hơn 3ha đất, và nhìn ra được khu đất này còn rất rộng và tiềm năng. Ngay sau đó, Cty NNM đã tìm cách xin được đầu tư thêm 02 hồ khác và hệ thống cống nối thông giữa 03 hồ tại quận Long Biên - nâng vốn đầu tư để được tăng diện tích đối ứng, không dừng lại 3ha đã được phê duyệt trước đó.

Ban đầu, Cty NNM khái toán khoảng 120 tỷ đồng để thực hiện chỉ riêng với Dự án cải tạo môi trường hồ Đầu Băng. Sau đó Cty lại có tờ trình số 246 khái toán tổng mức đầu tư của dự án này khoảng 390,716 tỷ đồng. Tiếp tục, Cty được sự chấp thuận của các sở, ban, ngành và UBND TP. Hà Nội cho phép đầu tư Dự án cải tạo hồ Đầu Băng - hồ Vục - hồ Tư Đình và dự án đầu tư cải tạo xây dựng hệ thống cống nối thông 3 hồ (kể trên) theo hình thức hợp đồng BT với tổng mức đầu tư lên con số hơn 600 tỷ đồng.

Hệ thống cống nối thực hiện còn dở dang

Nhận thấy “Bản khái toán” của Cty NNM với con số tổng mức đầu tư của dự án: 610,834 tỷ đồng có dấu hiệu không rõ ràng, Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng (GPMB) thành phố đã ngay lập tức có văn bản gửi Sở KH&ĐT: “…Đề nghị chủ đầu tư không đưa chi phí GPMB của 22 hộ dân vào dự án này, do 22 hộ thuộc chỉ giới GPMB Dự án cải tạo môi trường hồ Đầu Băng đã được thực hiện bằng nguồn ngân sách của UBND thành phố”… Thế nhưng, Sở KH&ĐT cố tình bỏ qua nội dung công văn này của Ban chỉ đạo GPMB thành phố, vẫn đưa khoản chi phí này vào giá trị đầu tư của chủ dự án để báo cáo UBND TP. Vì sao số tiền GPMB của 22 hộ bằng nguồn ngân sách của thành phố lại được tính vào giá trị số tiền của chủ đầu tư để được tính giá trị đối ứng?

Dựa trên báo cáo không chính xác, không minh bạch này, UBND thành phố đã lấy khái toán hơn 600 tỉ đồng làm căn cứ để tính toán (đối ứng) - giao đất cho nhà đầu tư 9,9ha và đề xuất bổ sung khoảng 3,85ha tại Khu chức năng đô thị Tây Nam đường 70, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm để cân đối cho dự án BT mà Cty NNM thuộc Tập đoàn Lã Vọng đầu tư bỏ ra khoản tiền trên 610 tỷ đồng (?!.)

Tổng mức đầu tư của dự án 610,834 tỉ đồng được thẩm định thì có 02 khoản lớn nhất: Chi phí xây dựng 389,119 tỷ đồng; Chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 114,381 tỷ đồng (mà chủ yếu là đất nông nghiệp). Điều đáng lưu ý là việc GPMB về đất ở đang bị các hộ dân khiếu nại chưa thể thực hiện công tác đền bù. Chủ đầu tư chưa bỏ tiền bồi thường về đất và công trình trên đất cho Trường THCS Long Biên là trường chuẩn Quốc gia (trong diện giải tỏa). Công trình hệ thống cống nối thông 3 hồ mới chỉ thực hiện được một phần khối lượng. Cụ thể là cả 3 hồ mới được nạo vét, kè sơ sài dở dang… Trong khi đó, Quyết định 580 của UBND TP. Hà Nội cho phép tiến độ thực hiện dự án từ quý III năm 2015 đến quý III năm 2018 phải hoàn thành - đảm bảo công trình đầu tư có chất lượng và đáp ứng tiến độ được duyệt - kết nối đồng bộ công trình với hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án hệ thống cống nối thông hồ Đầu Băng -  hồ Vục - hồ Tư Đình. Như vậy, tổng dự án này chưa thể nghiệm thu - quyết toán và đưa vào sử dụng được (?!). Vậy thì dựa vào đâu để khẳng định rồi cho rằng khoản “Chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hết 114,381tỷ đồng”?!.

Mô hình tham vọng của ông chủ dự án - từ 3ha mở rộng thành trên 30ha khu Đại Mỗ - Nam Từ Liêm

Sai phạm “chồng lấn” những sai phạm?

Theo quy định tại Khoản 3; Điều 43 Nghị định số: 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Cty NNM phải hoàn thành nghiệm thu - quyết toán tổng dự án tại quận Long Biên thì mới có căn cứ để xác định giá trị kinh phí của chủ đầu tư (đã bỏ tiền). Từ đó, UBND TP. Hà Nội mới xác định giá trị đầu tư của doanh nghiệp (Tập đoàn Lã Vọng) để làm căn cứ ra quyết định - kế hoạch bàn giao số diện tích đất “đối ứng” ở Đại Mỗ, huyện Từ Liêm cho Cty NNM. Việc dự án BT chưa hoàn thành và chưa được nghiệm thu, nhưng Cty NNM đã được UBND TP. Hà Nội “ưu ái” giao 9,9ha + 3,85ha = 13,75ha đất tại Đại Mỗ là bất thường. Thế nhưng, không hiểu dựa vào đâu mà Cty NNM lại dám công bố trên sàn giao dịch là có 30,5ha đất ở Đại Mỗ, huyện Từ Liêm? Dự án BT ở Long Biên là cơ sở để UBND TP. Hà Nội giao đất thì Cty đầu tư nhỏ giọt. Trong khi đó Cty lại gấp rút, tập trung đầu tư vào nhiều hạng mục công trình nhà ở, biệt thự liền kề để nhằm mục đích bán lấy tiền tái đầu tư?

Một điều quan trọng nữa, dự án đối ứng ở Đại Mỗ chủ đầu tư đã nhanh chóng GPMB, quây tôn, san nền để đem bán. Khi hoạt động này bị các hộ dân có đất trong diện thu hồi khiếu nại, Tập đoàn Lã Vọng liên tục thúc giục UBND phường Đại Mỗ, UBND quận Nam Từ Liêm cưỡng chế để giao đất cho Tập đoàn. Những hợp đồng mua bán các căn hộ chung cư và biệt thự liền kề được thể hiện thời hiệu trước cả khi có quyết định giao đất của UBND thành phố...

Theo Luật Kinh doanh bất động sản khi bán nhà liền kề hoặc biệt thự thì phải xây dựng cơ sở hạ tầng và xây xong phần thô mới được giao dịch mua bán, nhưng khu biệt thự mới được đổ cát san nền trên mặt ruộng thì Cty này đã thực hiện “bán nhà - biệt thự”. Trong khi đó, việc GPMB đang bị người dân phản đối - khiếu nại và chưa được chính quyền địa phương giải quyết.

Ông chủ Tập đoàn Lã Vọng tự đổi tên dự án thể hiện trên Hợp đồng mua bán nhà, biệt thự

Ông chủ Lã Vọng còn tự ý đổi tên dự án đã được phê chuẩn: “Khu chức năng đô thị tây nam đường 70” thành Dự án: “Louis City” - Một thoáng Paris trong lòng Hà Nội. Ngay cả trong hợp đồng mua bán nhà ở cũng được thể hiện Logo với cái tên “Louis City”. Vậy, việc làm sổ đỏ cho khách hàng mua những căn hộ hoặc biệt thự liền kề tại dự án này sẽ được thể hiện cái tên nào cho đúng quy định của pháp luật hiện hành?

Mô hình khu đô thị Tây Nam đường 70 đổi thành Louis City - Một thoáng Paris trong lòng Hà Nội

Trên đây chỉ là một trong nhiều dự án có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng tại Tập đoàn Lã Vọng. Tập đoàn Lã Vọng và các đơn vị thành viên được ưu ái giao nhiều khu “đất vàng” tại Hà Nội để thực hiện dự án bất động sản, sản xuất kinh doanh, giao thông theo hình thức hợp đồng BT… Chính vì lẽ đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 5387/VPCP-V.I ngày 7/6/2018 chỉ đạo thanh tra các dự án của Tập đoàn Lã Vọng. Và ngày 3/8/2018, Thanh tra Chính phủ đã công bố Quyết định số 687/QĐ-TTCP về việc thanh tra toàn diện các dự án của Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Lã Vọng (Tập đoàn Lã Vọng) và các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội theo chỉ đạo của Thủ tướng. Thời hạn thanh tra 70 ngày, kể từ ngày công bố 3/8/2018, đến nay đã hết thời gian, nhưng không hiểu tại sao kết quả thanh tra vẫn chưa được công bố rộng rãi?

Báo TNVN sẽ tiếp tục làm rõ.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận