Phần lớn các vụ án mạng do bộc phát nên khó khăn trong công tác phòng ngừa

Đại tá Vũ Văn Đấu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho rằng, trong thời gian vừa qua các vụ án mạng có xu hướng gia tăng, phức tạp.

 

Thời gian gần đây, cả nước xảy ra không ít vụ án mạng đau lòng; tính chất, mức độ của các vụ có chiều hướng ngày càng manh động, dã man... Điều đáng nói, hung thủ đến từ mọi tầng lớp xã hội, từ học sinh, sinh viên, lao động tay chân,… thậm chí cả người có việc làm ổn định đều có thể trở thành tội phạm. Điểm chung là họ đủ khả năng tự chủ về hành vi, nhận thức về hành động, nhưng lại có thể xuống tay một cách tàn độc.

Ví như, cuối tháng 10 vừa qua, dư luận không khỏi bàng hoàng trước vụ việc nữ giúp việc Giáp Thị Huyền Trang (sinh năm 1996, quê Bắc Giang) bắt cóc và giết bé gái ở huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội để đòi tiền chuộc 1,5 tỷ đồng. Gần đây nhất, nhiều người cảm thấy sợ hãi trước thông tin một cô gái 17 tuổi bị sát hại, phân xác phi tang ở sông Hồng, Hà Nội. Đối tượng gây ra vụ án này là Tạ Duy Khanh (sinh năm 1985, quê ở Thái Bình, trú tại 1 khu đô thị ở huyện Gia Lâm, Hà Nội). Nguyên nhân được xác định ban đầu là do cô gái nợ Khanh 50 triệu không trả, nên Khanh đã sát hại nạn nhân.

Gia tăng các vụ án phức tạp

Phân tích về đặc điểm chung của tội phạm giết người, Đại tá Vũ Văn Đấu - Cục phó Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, nguyên nhân chủ yếu, chiếm đại đa số vụ việc là do mâu thuẫn bộc phát trong sinh hoạt.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây xảy ra một số vụ án giết người, giết nhiều người, đặc biệt là các vụ án giết người có tính chất man rợ, như phân xác, phi tang, đốt xác,… trong đó, một số vụ gây ảnh hưởng lớn đến dư luận quần chúng nhân dân, gây tâm lý bất an trong cuộc sống.

Giải thích về vấn đề này, Đại tá Đấu khẳng định, nguyên nhân chủ yếu, chiếm đại đa số vụ việc là do mâu thuẫn bộc phát trong sinh hoạt.

Cụ thể như, mâu thuẫn trong tham gia giao thông, rượu bia, tham gia giải trí; Tiếp theo là mâu thuẫn tích tụ lâu dài trong cuộc sống hằng ngày của đời sống nhân dân như, tranh chấp đất đai, nợ nần; cuối cùng là mâu thuẫn trong sinh hoạt vợ chồng, sinh hoạt đôi lứa, … các vụ án do người tâm thần, ngáo đá chiếm tỷ lệ nhỏ.

 Tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình điều tra vụ án được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an.“Phần lớn giết người do mâu thuẫn bộc phát trong sinh hoạt cuộc sống chiếm tỷ lệ rất cao khoảng 90%. Còn giết người do băng nhóm xã hội gây ra thường chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 10% trong số vụ các vụ án”- Đại tá Vũ Văn Đấu khẳng định

Phân tích về đặc điểm chung của tội phạm giết người, Cục phó Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, nhóm đối tượng giết người chủ yếu vẫn là nam giới, chiếm tới 97%. Trong đó, số đối tượng có trình độ học vấn thấp, chiếm tới 74%.

Về tội phạm lứa tuổi, Đại tá Đấu khẳng định, liên quan đến hành vi giết người, chiếm tỷ lệ cao từ 18-40 tuổi.

“Về hung khí gây án giết người rất đa dạng, nhưng phần lớn là hung khí, vũ khí liên quan đến cuộc sống hằng ngày, dễ dàng trong việc mua hoặc sử dụng như dao, kiếm, mã tấu, …. Súng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ khác, chiếm tỷ lệ rất nhỏ”, Đại tá Đấu khẳng định.

Phần lớn vụ án mạng do bộc phát nên khó khăn trong phòng ngừa

Do phần lớn các vụ án giết người liên quan đến nguyên nhân bộc phát nên Đại tá Đấu cho rằng, đó cũng là hạn chế, gây ra nhiều khó khăn trong việc phòng ngừa tội phạm này.

Giải thích vì sao rất khó trong công tác phòng ngừa, Cục phó Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho rằng, đó là hạn chế trong việc nắm bắt mâu thuẫn, đặc biệt là mâu thuẫn gốc rễ trong sinh hoạt đời sống nhân dân. Điều đó dẫn đến, các tổ chức chính quyền chưa chủ động để có các biện pháp hòa giải, chủ động trong phòng ngừa loại tội phạm này.

Để giảm bớt tình trạng này, Cục phó Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ chú trọng giải pháp phòng ngừa xã hội, trong đó, có sự chung tay của các cấp, các ngành, hệ thống chính trị. Đặc biệt là vai trò của các tổ chức xã hội tham gia cùng lực lượng công an làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với người dân. Thứ hai, vận động quần chúng nhân dân tố giác tội phạm. Thứ ba, xây dựng lại các tổ hòa giải ở cộng đồng dân cư.

“Chủ động trong việc phát hiện các mâu thuẫn, phát sinh trong cuộc sống hằng ngày của người dân để có biện pháp hòa giải, qua đó, ngăn chặn tội phạm nói chung và giết người nói riêng”, Đại tá Đấu phân tích.

Một giải pháp nữa, theo Đại tá Đấu, đó là giải pháp về phòng ngừa nghiệp vụ. Hiện Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng, công an các địa phương tập trung đấu tranh các loại tội phạm, cao điểm là đấu tranh tội phạm về trật tự xã hội, trong đó có tội phạm giết người. Cùng với đó, làm tốt công tác phòng ngừa nghiệp vụ đối với tội phạm giết người. Trong đó, có quản lý các đối tượng có dấu hiệu, biểu hiện liên quan đến tội phạm, đặc biệt là tội phạm giết người.

Về phía Cục Cảnh sát Hình sự, Đại tá Vũ Văn Đấu thông tin, Cục đã ban hành kế hoạch cụ thể, chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự công an các địa phương triển khai kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm giết người. Trong đó, nhấn mạnh đến vai trò của lực lượng công an xã, công an cơ sở. Bởi, theo Cục phó Vũ Văn Đấu, công an xã nắm tình hình nhân khẩu, hộ khẩu trong địa bàn để có biện pháp phòng ngừa.

“Phòng ngừa ở đây là quản lý từ các hộ gia đình, liên quan đến cuộc sống để có thể chủ động nắm bắt được các mâu thuẫn phát sinh. Cùng với đó, quản lý được các đối tượng có nguy cơ hoạt động phạm tội để chủ động ngăn ngừa”. Ttừ nhận định trên, Cục phó Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an khẳng định, phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc như hiện nay có rất nhiều mô hình tốt để phát hiện và chủ động trong công tác hòa giải các mâu thuẫn trong quần chúng nhân dân, nhất là các phong trào này đã góp phần lớn trong việc giảm tội phạm xảy ra.

Nguyễn Hiền/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận