Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang: Vụ án 10 năm bỗng 'đội mồ sống dậy' và những quyết định hoãn phiên tòa kì lạ?

Cách thời hạn hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ vài tháng, ông Phan Văn Phúc, xã Cửa Cạn, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã bị TAND huyện Phú Quốc tuyên phạt 2 năm tù về tội hủy hoại tài sản. Sau nhiều lần hoãn phiên tòa, ngày 16/11/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang lại tiếp tục thông báo hoãn phiên tòa mà không đưa ra được lý do thuyết phục.

 

Vụ án 10 năm bỗng “đội mồ sống dậy”

Vào ngày 16/02/2012 và ngày 03/7/2012, UBND huyện Phú Quốc (nay là thành phố Phú Quốc) ban hành quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Đinh Thị Thủy và Phan Thị Triều tại Tiểu khu 80, phân khu phục hồi sinh thái rừng đặc dụng Vườn quốc gia Phú Quốc, thuộc ấp 4, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Trong lúc lực lượng đang thi hành nhiệm vụ thì ông Phan Văn Phúc (chồng bà Đinh Thị Thủy) dùng xăng đốt xe biển kiểm soát 68C-0926 của lực lượng thi hành nhiệm vụ rồi bỏ chạy. Ông Phúc đã bị công an và kiểm lâm rượt theo khống chế rồi đánh gây thương tích 12%.

Cụ thể, tại Kết luận giám định pháp y số 378, ngày 1/11/2013 của Trung tâm giám định pháp y tỉnh Kiên Giang, ghi rõ: “Theo hồ sơ do cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Phú Quốc cung cấp, vào khoảng 8 giờ, ngày 6/9/2013 đoàn cưỡng chế Cơ quan Kiểm lâm (Vườn Quốc gia huyện Phú Quốc) kết hợp với Công an huyện Phú Quốc tiến hành cưỡng chế lấn chiếm đất rừng đối với 3 hộ gia đình ông Phan Văn Phúc, bà Đinh Thị Thủy (sinh năm 1957) và bà Phan Thị Triều đều trú tại ấp 4, xã Cửa Cạn. Trong lúc lực lượng đang thi hành nhiệm vụ thì ông Phúc chống đối và dùng xăng đốt xe biển kiểm soát 68C-0926 của lực lượng thi hành nhiệm vụ rồi bỏ chạy. Lúc đó Nguyễn Hữu Tâm, Tạ Văn Tuấn và Nguyễn Hoàng Vinh (là công an và kiểm lâm) rượt theo khống chế còng tay bắt ông Phúc. Trong quá trình bị khống chế ông Phúc đã vùng vẫy chống cự nên Tâm, Tuấn và Vinh có dùng tay đánh ông Phúc… Kết luận giám định pháp y, ông Phan Văn Phúc bị chấn thương gãy cung bên xương sườn V, VI, VII, VIII, IX bên trái. Sức khỏe bị giảm do thương tích gây nên là 12%”.

 Kết luận giám định pháp y số 378

Như vậy, hành vi gây thương tích của người thi hành công vụ cần phải được xem xét trách nhiệm hình sự và yêu cầu bồi thường tổn hại sức khoẻ cùng chi phí nằm viện cho bị cáo Phan Văn Phúc. Tuy nhiên sau khi sự việc xảy ra, mặc dù ông Phan Văn Phúc đã có đơn yêu cầu cơ quan chức năng khởi tố những người đã gây thương tích cho ông nhưng ngày 20/11/2013, cơ quan cảnh sát điều tra của Công an huyện Phú Quốc đã có quyết định không khởi tố vụ án hình sự này.

Điều ngạc nhiên là trong khi chính cơ quan cảnh sát điều tra của Công an huyện Phú Quốc có quyết định không khởi tố đối với những người đã gây thương tích 12% cho ông Phúc nhưng lại có Quyết định khởi tố ông Phúc tội hủy hoại tài sản. Vậy lý do gì cơ quan cảnh sát điều tra của Công an huyện Phú Quốc không khởi tố vụ án người gây thương tích 12% cho ông Phúc? Dư luận đặt câu hỏi, điều này liệu có công tâm, khách quan, công bằng và đúng pháp luật?

Sau gần 10 năm khi vụ án gần hết thời hiệu, vụ án lại “đội mồ sống” dậy theo Quyết định số 01/QĐ-VKSPQ, ngày 08/5/2023, trong khi đây là vụ việc không nghiêm trọng, không còn nguy hiểm cho xã hội. Bản thân ông Phúc đã thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả và không có bất cứ hành động nào gây nguy hiểm cho xã hội.

Còn nhiều góc khuất?

Trao đổi với phóng viên, ông Phúc cho hay, 10 năm trước, do thiếu hiểu biết, học vấn hạn chế (ông Phúc mới học hết lớp 1) mà ông đã có những hành vi sai lầm. Nhưng ông luôn tâm niệm mình dám làm dám nhận. “Mình sai đến đâu thì mình chấp nhận pháp luật xử đến đó. Mình làm hỏng cái xe 50 triệu đồng khác mình làm hỏng cái xe 49 triệu đồng. Cơ quan chức năng chứng minh sai đến đâu thì chịu đến đó, kể cả khác nhau chỉ là một ngày tù nhưng cái gì đúng thì các cơ quan chức năng cũng phải làm cho ra lẽ”.

Sau gần 10 năm khi vụ án gần hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự bỗng dưng “sống” dậy và quá trình Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang chuẩn bị xét xử ông Phúc cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra khi Tòa liên tục hoãn mà không có lí do thuyết phục.

Ông Phúc cho biết: “Ngày 16/11/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang lại tiếp tục thông báo hoãn phiên tòa. Lần hoãn phiên tòa này là lần thứ hai và lần nào cũng hoãn một cách đột ngột (không có kế hoạch, không rõ lí do, thậm chí là không nhận được văn bản). Sức khỏe ông Phúc (bị ung thư) không thể cứ đi tàu từ Phú Quốc ra Kiên Giang rồi lại đột ngột quay về như vậy được. Chưa kể mỗi lần đi tàu ra phải chịu chi phí ăn ở rất tốn kém. Những chi phí này, Tòa án có trả cho tôi không mà Tòa cứ thích thì hoãn”, ông Phúc bức xúc nói.

Tại thời điểm xảy ra sự việc đánh người, ông Phúc nặng 49kg, người nhỏ con, trên tay không có bất kỳ hung khí nào. ảnh minh họa

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, bà Bùi Thị Kim Liên, đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi gây thương tích của người thi hành công vụ cũng cần phải được xem xét trách nhiệm hình sự và yêu cầu bồi thường tổn hại sức khoẻ cùng chi phí nằm viện cho bị cáo Phan Văn Phúc. Tại thời điểm xảy ra sự việc đánh người, ông Phúc nặng 49kg, người nhỏ con, trên tay không có bất kỳ hung khí nào. Ông Phúc vi phạm là vi phạm với Nhà nước, ông Phúc phải và đã chịu trách nhiệm với hành vi của mình theo quy định của pháp luật, còn những người đánh ông Phúc là hành vi của cá nhân nên cũng đều phải chịu trách nhiệm theo quy định của luật pháp như ông Phúc.

Đồng thời luật sư Kim Liên cũng đã chỉ ra nhiều tình tiết cần phải xem xét lại trong vụ án như: Tại bản kết luận định giá tài sản số: 71/KL-HĐĐG, ngày 23/9/2013 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự đã liệt kê một loạt sản phẩm bị hỏngcủa chiếc xe hiệu Mitsubishi biển số: 68C-0926 với tổng số tiền là: 65.160.000đ. Tuy nhiên, việc liệt kê này khi chúng tôi được sao chụp tài liệu chúng tôi không thấy có các chứng từ hoá đơn tài chính, đầu vào đầu ra của phụ tùng sửa chữa. Bên cạnh đó, chiếc xe hiệu Mitsubishi có đại lý sửa chữa của hãng, xe thuộc quyền sử dụng của Công an huyện Phú Quốc, là tài sản Nhà nước, tại sao cơ quan công an không đưa xe vào hãng Mitsubishi để được thay thế phụ tùng, niêm yết giá công khai chính hãng? Sản phẩm theo kết luận chỉ có nêu tên sản phẩm và giá sản phẩm, chứ không có “tên đơn vị sản xuất”. Chúng tôi nghi ngờ việc sử dụng hàng trôi nổi và có việc “gửi giá” và nâng khống giá?.

Ngoài ra, những phụ tùng thay thế được nêu tại bản Kết luận định giá tài sản số 71/KL-HĐĐG có phần chưa hợp lý như:

Đã có quạt máy lại có cả chụp gió quạt máy; đã có bình ắc quy lại thêm cả nắp che bình ắc quy. Tài sản là một mà phân thành hai, tài sản sửa chữa lại thay mới dẫn đến giá trị tài sản bị thiệt hại đội lên rất nhiều. Vì vậy, dẫn đến việc áp vào khung hình phạt cho ông Phúc là sai. Bên cạnh đó, kết luận định giá tài sản số 71/KL-HĐĐG, các tài sản được định giá đều không rõ mẫu mã, chủng loại, nhiều tài sản được định giá với giá bất hợp lý so với giá trị thị trường. Ví dụ: 01 ống thắng trước trị giá 2.500.000 đồng. Nhưng thực tế thì giá sản phẩm mới trên thị trường chỉ từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng mà chưa tính khấu hao do xe đã cũ, đã qua sử dụng từ lâu. Vì vậy cần phải định giá lại.

Xe hiệu Mitsubishi biển số: 68C-0926 là tang vật từ hành vi của bị cáo hiện nay đang ở đâu? Tài sản thay thế theo liệt kê còn ở trên xe không? Đề nghị các cơ quan chức năng cho biết để việc định giá đúng quy định tránh chỉ định giá trên hồ sơ mà không căn cứ vào tài sản thực tế.

Theo luật sư Kim Liên, vụ án của ông Phúc còn rất nhiều vấn đề cần làm rõ. Từ việc định giá tùy tiện, thiếu căn cứ khách quan thì ngay cả quá trình xét xử vụ án cũng còn rất nhiều vấn đề như thông báo đổi lịch phiên tòa chung chung, không có bất cứ căn cứ pháp lý nào. Tất cả các vấn đề trên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Phúc.

Như vậy, có thể nói vụ án vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời. Đặc biệt dư luận rất cần sự vào cuộc công tâm, khách quan, công bằng của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang trong phiên tòa sắp tới.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận