Thiếu kiếm tra, giám sát, trích, chi Quỹ BOG thiếu cơ sở pháp luật
Theo kết quả thanh tra, việc cho phép thuê kho, bể chứa xăng dầu để làm điều kiện cấp giấy phép, giấy xác nhận chưa khuyến khích các thương nhân đầu mối KDXD đầu tư phát triển kho chứa xăng dầu, dẫn đến khó đáp ứng được yêu cầu về kho dự trữ xăng dầu (từ năm 2017 - tháng 9/2022, kết quả thực hiện đầu tư xây dựng kho xăng dầu thương mại theo quy hoạch chỉ đạt 15%); các thương nhân đầu mối KDXD và thương nhân PPXD chủ yếu thuê kho, bể chứa xăng dầu để làm điều kiện xin cấp giấy phép và giấy xác nhận. Nhiều thương nhân đầu mối KDXD và TNPP ký hợp đồng thuê kho, bể chứa xăng dầu chỉ theo mùa vụ, theo thực tế sử dụng để giảm chi phí.
Kết luận thanh tra nêu rõ, từ 01/01/2017 - 30/6/2022, sau khi được cấp giấy phép, nhiều thương nhân đầu mối KDXD không đảm bảo hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định; nhiều hợp đồng thuê kho, bể chứa xăng dầu không phát sinh gửi hàng, thanh lý hợp đồng... ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trên thị trường. Bộ Công Thương đã thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý lỏng lẻo, không kịp thời phát hiện các vi phạm trong việc duy trì điều kiện về kho, bể chứa, về hệ thống phân phối xăng dầu... để xử lý theo quy định.
Đối với việc trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG), Kết luận thanh tra cũng chỉ ra, Bộ Công Thương chưa có ý kiến kịp thời để sửa đổi, bổ sung về phương pháp xác định mức trích, mức chi Quỹ BOG, phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định dẫn đến từ năm 2017 đến năm 2021, Liên Bộ Công Thương-Tài chính quyết định mức trích, mức chi Quỹ BOG là thiếu cơ sở pháp luật.
Liên Bộ Công Thương-Tài chính quyết định chi bình ổn giá khi giá chưa tăng với số tiền khoảng 1.142.448 triệu đồng và chi bình ổn giá cao hơn mức tăng giá với số tiền khoảng 318.137 triệu đồng; tại kỳ điều hành từ 01/01/2017 đến trước 15h ngày 23/4/2018 ban hành văn bản điều hành giá không rõ ràng, dẫn đến, 19/27 thương nhân đầu mối KDXD trích lập Quỹ BOG sai chủng loại xăng RON 95 với số tiền khoảng 1.013.449 triệu đồng và chi sử dụng Quỹ BOG với sổ tiền khoảng 679.843 triệu đồng.
07/15 thương nhân đầu mối KDXD đã sử dụng Quỹ BOG sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản quỹ BOG mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp, trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại Quỹ BOG với số tiền là 7.927.005,2 triệu đồng. “Bộ Công Thương chưa kịp thời xem xét, xử lý đình chỉ hoạt động kinh doanh hoặc thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo thẩm quyền dẫn đến Quỹ BOG liên tục bị các thương nhân đầu mối chiếm dụng và sử dụng sai mục đích bình ổn giá xăng dầu”, Kết luận nêu rõ.
Nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu
Các thương nhân đầu mối KDXD có vai trò như nhau nhưng do cách quản lý, điều hành thiếu khách quan, công bằng của Bộ Công Thương, dẫn đến một số thương nhân đầu mối KDXD phải thực hiện nhiệm vụ của một số thương nhân đầu mối KDXD còn lại, do đó nhiều thương nhân không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ khi cần thiết. Cụ thể năm 2022, Bộ Công Thương chỉ giao cho 10/32 thương nhân đầu mối KDXD nhập khẩu trong Quý 11/2022 với tống sản lượng là 2.400.000 m³ xăng dầu tại Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/02/2022, nhưng có 09/10 thương nhân đầu mối KDXD nhập thiếu 589.035m³ xăng; 06/10 nhập thiếu 628.637 tấn dầu. Qua đó cho thấy, trong trường hợp nguồn cung xăng dầu đòi hỏi cấp thiết, việc điều hành xuất, nhập khẩu xăng dầu của Bộ Công Thương không hiệu quả. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu.
Từ ngày 01/01/2017 - 31/12/2021, có 27 thương nhân đầu mối với 48 lượt đơn vị nhập khẩu xăng dầu không đạt hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu được Bộ Công Thương phân giao. Các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công Thương đã kiểm tra và xử lý 06 đơn vị, còn 26 thương nhân đầu mối với 42 lượt vi phạm chưa được kiểm tra, xử lý.
Do Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý không nghiêm, chấn chỉnh không kịp thời, dẫn đến, hoạt động kinh doanh xăng dầu diễn biến phức tạp, nhiều hành vi mua bán trái quy định, phá vỡ các nguyên tắc đã được quy định trong Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, xảy ra thường xuyên trong thời gian dài. Cụ thể như: Công ty CP Thương mại và Dầu khí Đồng Tháp uỷ quyền việc mua bán xăng dầu cho các công ty không phải là công ty con và không được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ủy quyền cho các công ty con thuộc Tập đoàn được thực hiện ký hợp đồng mua, bán xăng dầu với thương nhân đầu mối khác và bán tái xuất xăng dầu, với sản lượng 4.469.821m³, các Công ty cố phần của Petrolimex bán tái xuất xăng dầu, với sản lượng 6.266.301m³; các công ty con của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng bán xăng dầu cho Công ty mẹ, mua xăng dầu của các thương nhân đầu mối, mua xăng dầu của các thương nhân phân phối khác; Công ty Thương mại kỹ thuật và Đầu tư - CTCP (PETEC)-Công ty con của PVOil đã mua xăng dầu của các thương nhân đầu mối và các đơn vị thành viên khác thuộc PVOil với 87.801 m³ xăng dầu, các Công ty con của PVOil đã bán xăng dầu cho các thương nhân đầu mối khác là 131.162m³/tấn; các Công ty con của Công ty TNHH Petro Bình Minh mua xăng dầu của các thương nhân đầu mối và các Công ty con của thương nhân đầu mối với số lượng 82.673 m³/tân xăng dầu, bán xăng dầu cho các thương nhân đầu mối và các Công ty con của thương nhân đầu mối với số lượng 36.806 m³/tấn, mua bán xăng dầu với nhau với số lượng 278.168 m³/tấnxăng dầu.
Thanh tra chính phủ kết luận, “nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu xảy ra thường xuyên, trong nhiều năm nhưng Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiếm tra, giám sát, xử lý không nghiêm, dẫn đến nhiều vi phạm chưa được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời”.
Chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra
Trước những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an điều tra, xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật với một số nội dung: Hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; việc sử dụng Quỹ BOG tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức; Hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil; Hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; việc sử dụng Quỹ BOG sai mục đích bình ổn giá tại Công ty TNHH Vận tải thuỷ bộ Hải Hà.
Hành vi vi phạm pháp luật trong việc góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Hóa dầu Phước Khánh; UBND tỉnh Đồng Tháp đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp đầu tư xây dựng kho ngoại quan khi chưa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch kho ngoại quan; việc xác định giá trị tài sản (bồn chứa xăng dầu T10, TI 1, T12) để góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Hóa dầu Phước Khánh chưa theo tiêu chuẩn thẩm định giá, có nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước; việc góp vốn bằng tiền mặt sai quy định; Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp được hoàn lại vốn bằng tiền mặt với số tiền 18.900 triệu đồng, đây là khoản tiền chênh lệch giữa giá trị tài sản góp vốn và giá trị cổ phần, có khả năng tài sản nhà nước được bán ra chưa được thẩm định lại...
Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp mua xăng dầu của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Phúc, hạch toán nhập kho, xuất kho không rõ ràng, thiếu hồ sơ hạch toán nhập, xuất, tồn kho.
Đồng thời Thanh tra Chính phủ chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm nêu tại Kết luận thanh tra.