Đấu tranh quyết liệt với tội phạm và vi phạm pháp luật về pháo dịp Tết

Thời điểm gần Tết Nguyên đán, tình trạng chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo gia tăng và diễn biến phức tạp.

 

Càng gần Tết Nguyên đán, tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo lậu càng có chiều hướng gia tăng. Trước thực trạng này, lực lượng chức năng trong cả nước đã và đang tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiên quyết đấu tranh bóc gỡ các đường dây mua bán, vận chuyển pháo lậu.

Mới đây, Công an huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận bắt quả tang Lê Văn.N (trú tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đang điều khiển xe ô tô bán tải gắn biển số giả, vận chuyển pháo nổ từ biên giới Campuchia giáp với tỉnh Bình Phước về xã Vũ Hoà, huyện Đức Linh để giao cho bà Lê Thị.T (trú tại xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh). Qua khám xét, lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 1 tấn pháo.

Trước đó, trong quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông công an quận Hà Đông, Công an Thành phố Hà Nội trong quá trình làm nhiệm vụ đã phát hiện xe chở hàng vượt quá trọng tải cho phép. Kiểm tra lực lượng công an đã phát hiện hơn 18.000 quả pháo hoa, với tổng trọng lượng 1,8 tấn đang trên đường đi tiêu thụ. Đây chỉ là 2 trong rất nhiều vụ buôn bán, vận chuyển trái phép pháo nổ bị lực lượng công an bắt giữ.

Thượng tá Ngô Tiến Bắc, Phó Trưởng Công an quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, lợi dụng triệt để không gian mạng để trốn tránh cơ quan chức năng.

“Đối tượng thường có mối quan hệ gia đình với nhau, hoạt động chủ yếu trên không gian mạng nên việc tập trung đấu tranh với tội phạm này rất khó khăn. Tuy nhiên, Đảng ủy công an quận tập trung chỉ đạo các đội nghiệp vụ và cũng vận động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Liên quan không gian mạng, tập trung nghiên cứu để tham mưu cho Đảng ủy, chỉ huy công an quận cũng như tham mưu cho Ban giám đốc có những giải pháp, biện pháp để làm sao phối hợp với các bộ, ngành làm sao hoạt động phòng ngừa trên mạng, không để tình hình tội phạm mới cũng như nào đẩy tình hình phức tạp lên”.

Bên cạnh hoạt động vận chuyển, buôn bán trái phép pháo nổ, nhiều đối tượng còn tổ chức sản xuất, chế tạo và tàng trữ pháo nổ. Mới đây, công an huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ 3 đối tượng về hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ và pháo. Khám xét khẩn cấp tại nơi ở của 1 trong 3 đối tượng, cơ quan Công an phát hiện đối tượng đã thiết kế một căn hầm bí mật, kiên cố để làm nơi sản xuất pháo giả. Cùng thời điểm công an thành phố Thanh Hóa đã thu giữ 500 giàn pháo hoa các loại với tổng trọng lượng 600kg; 400kg các thành phẩm dùng để sản xuất pháo, 2 kg bột thuốc pháo hoa, hơn 50.000 tem nhãn giả pháo hoa của Bộ Quốc phòng và nhiều vật chứng khác phục vụ cho việc sản xuất pháo hoa giả.

Nguyễn Văn Sơn bị Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội bắt giữ khi đang vận chuyển trái phép pháp nổ.Đại tá Dương Văn Tiến, Phó Giám đốc công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, nếu như năm ngoái chủ yếu là mua bán thì năm nay chuyển sang sản xuất. Buôn bán và hoạt động vi phạm pháp luật về pháo hiện nay cũng diễn ra trên không gian mạng, gây hậu quả vô cùng lớn. Công an tỉnh tập trung ra quân rất quyết liệt đấu tranh với loại tội phạm này.

Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an nhận định, pháo chủ yếu được thẩm lậu qua biên giới Lào, Campuchia, nhất là biên giới các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Tây Ninh, Bình Phước, Long An; hoạt động chế tạo, sản xuất pháo xảy ra nhiều, chủ yếu là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, nhiều vụ tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong hơn 1 tháng cao điểm (từ ngày 15/12/2023 đến ngày 28/1/2024), Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, bắt giữ hơn 1.000 vụ, hơn 2 nghìn đối tượng, thu hơn 26 tấn pháo các loại. Trong đó, tâm điểm của tập kết pháo lậu vẫn là các tỉnh miền Trung, đặc biệt là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh với số lượng “hàng” được vận chuyển lên đến hàng tấn pháo.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo trong dịp Tết Nguyên đán, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH đề nghị các Cục nghiệp vụ tiếp tục chỉ đạo hệ lực lượng đấu tranh hiệu quả với các đối tượng, đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo trái phép, ngăn chặn nguồn pháo thẩm lậu vào Việt Nam; tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp khẩn trương áp dụng điều tra theo thủ tục rút gọn đối với các vụ án về pháo, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án Nhân dân cùng cấp đưa ra truy tố, xét xử điểm, lưu động trước Tết Nguyên đán để răn đe giáo dục, phòng ngừa chung.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an khuyến cáo: "Người dân thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và pháo. Thực hiện nghiêm Nghị định 137/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo; không thực hiện hành vi bị cấm theo quy định pháp luật về quản lý súng pháo hoặc hành vi vi phạm về sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ đốt pháo là hành vi phải được lên án, kịp thời đấu tranh và xử lý theo quy định pháp luật. Nếu phát hiện được trường hợp cố ý vi phạm các quy định này cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng địa phương xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật; nghiêm túc quy định sử dụng pháo để góp phần đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội và bình yên, hạnh phúc của nhân dân”

Hoạt động buôn bán, vận chuyển pháo nổ trái phép dự báo còn diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là trong thời gian cận kề Tết Nguyên đán. Điều này đòi hỏi lực lượng chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác nắm tình hình địa bàn, kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, bắt giữ pháo lậu ngay tại biên giới, ngăn chặn không để pháo lọt sâu vào nội địa. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân về tác hại của việc tàng trữ sử dụng pháo nổ trái phép.

Việt Cường/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận