BÀI 2: CẦN MỘT QUYẾT ĐỊNH HỢP TÌNH, HỢP LÝ, VÌ DÂN

Cần sự thống nhất trong việc hỗ trợ, đền bù khi thu hồi đất của các hộ dân nhận khoán từ Trạm thực nghiệm Văn Giang.

 

ĐỂ CHỦ TRƯƠNG ĐỀN BÙ, GPMB VÀNH ĐAI 4 CỦA TỈNH ỦY HƯNG YÊN VÀO CUỘC SỐNG

Trong khi UBND huyện Khoái Châu thực hiện đền bù, hỗ trợ đối với các hộ dân được nhận khoán đất từ Trạm thực nghiệm Văn Giang thì Ban quản lý dự án đầu tư huyện Văn Giang lại cho rằng không có cơ sở đền bù, hỗ trợ.

BÀI 1: CÔNG SỨC NỬA THẾ KỶ VÀ MỨC GIÁ 0 ĐỒNG

UBND huyện Khoái Châu đền bù, hỗ trợ

Theo quy hoạch đường Vành đai 4, đoạn qua Trạm thực nghiệm Văn Giang sẽ phải thu hồi hàng chục nghìn mét vuông đất nằm trên địa bàn huyện Khoái Châu và huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Ông Lê Khánh Duy, Phó trưởng phòng Phòng TN-MT huyện Khoái Châu cho hay, là người địa phương nên ông Duy biết rất rõ về nguồn gốc đất tại Trạm thực nghiệm Văn Giang. Khi thực hiện giao khoán, các hộ dân nơi đây đã cải tạo những thửa đất cằn cỗi, công trình lán trại nuôi lợn thành những thửa đất màu mỡ để sản xuất nông nghiệp cho năng suất cao, nuôi sống gia đình, nộp sản cho Trạm.

Từ tình hình thực tế giao khoán ở Trạm, để bảo đảm quyền lợi của người dân, căn cứ Điều 25, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, UBND huyện Khoái Châu đã báo cáo, xin chủ trương hỗ trợ cho các hộ như đối với trường hợp thu hồi đất theo Nghị quyết số 03-NQ/TU.

Theo đó, UBND huyện Khoái Châu đề xuất UBND tỉnh Hưng Yên cho phép các trường hợp nhận giao khoán được hỗtrợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, thực hiện cho cả hai huyện Khoái Châu và Văn Giang. Sau đó, đề xuất này đã được tổng hợp, báo cáo lên tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông báo số 920-TB/TU ngày 30/12/2022;Thông báo 353 ngày 5/10/2023 của UBND tỉnh Hưng Yên nhất trí hỗ trợ cho các trường hợp nhận giao khoán đất của Trạm.

UBND huyện Khoái Châu ban hành quyết định 5774, ngày 15/11/2023, có nội dung phê duyệt kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề, kinh phí hỗ trợ đời sống, kinh phí bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất.

Trước khi Thông báo 353 được ban hành, ngày 11/8/2023, Sở TN-MT tỉnh Hưng Yên có báo cáo số 464 về kết quả kiểm tra thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng Trạm thực nghiệm Văn Giang của UBND huyện Khoái Châu.

Báo cáo 464 có những điểm đáng lưu ý: Thứ nhất, việc giao khoán của Trạm thực nghiệm Văn Giang cho các cá nhân chưa bảo đảm đầy đủ theo quy định tại Nghị định 135/2005/NĐ-CP, ngày 8/11/2005 của Chính phủ, Thông tư số 102/2006/TT-BNN, ngày 13/11/2006 của Bộ NN&PTNT. Hồ sơ giao khoản năm 2007, chưa đầy đủ thành phần theo quy định, hết thời gian hợp đồng giao khoán hai bên không ký tiếp hợp đồng… Đối với hồ sơ năm 2012, hợp đồng giao khoán đều không có ngày, tháng, không nêu thời gian thực hiện hợp đồng…

Thứ hai, Sở TN-MT tỉnh Hưng Yên cho rằng, UBND huyện Khoái Châu đã bám sát các quy định pháp luật, Luật Đất đai 2013, Nghị định 47, ngày 15/5/2014… Thông báo 920 của Tỉnh ủy Tỉnh Hưng Yên, trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng tại Trạm thực nghiệm Văn Giang.

Thứ ba, việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đối với các trường hợp đã nghỉ hưu là không phù hợp theo quy định tại Nghị định 47, ngày 15/5/2014 và Nghị định 01, ngày 6/1/2017.

Thứ tư, đối với việc bồi thường, hỗ trợ tài sản, hoa màu trên đất. Theo Sở TN-MT tỉnh Hưng Yên, tại Khoản 1, Điều 88, Luật Đất đai 2013 thì khi Nhà nước thu hồi đất thì tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường. Như vậy, khi Nhà nước thu hồi đất, đất có thể không được bồi thường nhưng tài sản vẫn được bồi thường. UBND huyện Khoái Châu đã tổ chức rà soát, tổng hợp số liệu, kiểm kê tài sản, hoa màu…, xây dựng và phê duyệt theo đơn giá của Sở Tài chính công bố hằng năm.

Từ đó, Sở TN-MT tỉnh Hưng Yên kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh Hưng Yên báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo các Dự án trọng điểm tỉnh và ra quyết định: Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm bằng tiền, bằng 3 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất đối với các hộ gia đình, cá nhân nhận khoán đất của Trạm thực nghiệm Văn Giang trước ngày 15/2/2017 (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp). Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất bằng tiền đối với các hộ gia đình cá nhân nhận khoán của Trạm thực nghiệm Văn Giang…

Căn cứ báo cáo 464 và tờ trình 465, ngày 5/9/2023 của Sở TN-MT, ngày 5/10/2023, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Thông báo 353, trong đó có nội dung nhất trí với đề xuất, kiến nghị của Sở TN-MT. Việc UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Thông báo 353 là việc làm thiết thực để triển khai Thông báo 920 của Tỉnh ủy Tỉnh Hưng Yên.

Căn cứ các quy định pháp luật, Thông báo 353 của UBND tỉnh Hưng Yên, ngày 17/10/2023, UBND huyện Khoái Châu ban hành quyết định 5285, có nội dungphê duyệt kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề, kinh phí hỗ trợ đời sống, kinh phí bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất hơn 5,2 tỷ đồng. Tiếp đó ngày 15/11/2023, UBND huyện Khoái Châu ban hành quyết định 5774, có nội dung phê duyệt kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề, kinh phí hỗ trợ đời sống, kinh phí bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất hơn 5,3 tỷ đồng.

Trước đó, UBND huyện Khoái Châu đã phê duyệt và chi trả hơn 6 tỷ đồng cho 17 hộ dân. Trong đó, có ba trường hợp công nhân của Trạm đã nghỉ hưu là ông Nguyễn Văn Dương và bà Đoàn Thị Hoàn, hộ bà Nguyễn Thị Dung, hộ ông Đỗ Hùng Sơn và bà Mai Thị Chiến.

Cần sự thống nhất trong hỗ trợ, đền bù

Trong khi UBND huyện Khoái Châu triển khai thực hiện Thông báo 920 của Tỉnh ủy Hưng Yên, Thông báo 353 của UBND tỉnh Hưng Yên thì Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDAĐTXD) huyện Văn Giang lại cho rằng không có cơ sở xem xét bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ, cá nhân nhận đất khoán từ Trạm thực nghiệm Văn Giang.

Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Lê Quý Cử, Giám đốc Ban QLDAĐTXDhuyện Văn Giang cho hay, để triển khai việc giải phóng mặt bằng, xây dựng đường Vành đai 4 đoạn qua Trạm thực nghiệm Văn Giang, đơn vị đã hoàn thành việc kiểm kê hoa màu, tài sản trên đất của các hộ gia đình, cá nhân nhận đất khoán của Trạm…Khi kiểm tra nguồn gốc đất, tài liệu hồ sơ thì quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Trạm thực nghiệm Văn Giang không được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc quản lý đất đai của Trạm thực nghiệm Văn Giang đến nay vẫn do Viện di truyền nông nghiệp, Bộ NN&PTNT trực tiếp quản lý…Ông Lê Quý Cử cũng cho biết, xuất phát từ thực tiễn giao khoán tại Trạm thực nghiệm Văn Giang, đối chiếu với các quy định pháp luật thì không có cơ sở để xem xét bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ, cá nhân.

Liên quan đến việc phúc đáp đơn kiến nghị và tâm thư của các hộ gia đình, ngày 24/1/2024, ông Lê Quý Cử, Giám đốc Ban QLDAĐTXD huyện Văn Giang ký ban hành văn bản số 29, trong đó có nội dung: “Quá trình sử dụng đất và giao khoán đất sản xuất nông nghiệp của Trạm thực nghiệm Văn Giang, Viện di truyền cho các hộ gia đình công nhân là không đúng theo quy định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ: 1993, 2003 và 2013 (Viện di truyền không có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; không có dự án đầu tư hoặc phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; không có giấy tờ ủy quyền của Viện di truyền cho Trạm thực nghiệm Văn Giang được ký hợp đồng giao đất sản xuất…). Từ các nội dung nêu trên, căn cứ Nghị định số 47; Quyết định số 03, ngày 10/1/2020 của UBND tỉnh Hưng Yên ban hành về quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, không có cơ sở để bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản gắn liền với đất cho các hộ gia đình công nhân đang canh tác…”.

Các hộ dân, cá nhân nhận khoán từ Trạm thực nghiệm Văn Giang mong muốn được đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất để thực hiện dự án đường Vành đai 4.Cần phải nhắc lại, trước khi Ban QLDAĐTXD huyện Văn Giang phát hiện ra những sai sót, yếu kém trong việc quản lý, giao đất nhận khoán tại Trạm thực nghiệm Văn Giang thì Sở TN-MT tỉnh Hưng Yên đã chỉ rõ những vấn đề này trong báo cáo 464, ngày 11/8/2023.

Dù phát hiện ra những sai sót, yếu kém trong quá trình quản lý, giao nhận khoán của Trạm thực nghiệm Văn Giang, Viện di truyền, nhưng Sở TN-MT Hưng Yên vẫn kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh Hưng Yên hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm; hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất bằng tiền đối với các hộ gia đình canh nhân nhận khoán của Trạm thực nghiệm Văn Giang…

Còn ông Lê Khánh Duy, Phó trưởng phòng Phòng TN-MT huyện Khoái Châu thì cho rằng, việc sai sót liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ là trách nhiệm của đơn vị, chứ không phải lỗi của người dân. Các hộ dân chỉ biết nhận đất khoán sản xuất để tạo kế sinh nhai, nộp sản cho Trạm.

Cũng liên quan đến việc đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất, ngày 29/12/2023, Viện di truyền nông nghiệp có văn bản số 392 gửi Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Hưng Yên, Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam, UBND huyện Văn Giang, trong đó có nội dung: “Viện di truyền nông nghiệp nhận thấy, nếu các hộ bị thu hồi đất không được đền bù tài sản trên đất và hỗ trợ chuyển đổi nghề, sẽ tạo ra sự bất ổn về sinh kế và cuộc sống của các hộ dân là cán bộ, công nhân của Trạm thực nghiệm Văn Giang…”.

Viện di truyền nông nghiệpcũng đề nghị các cơ quan trên xem xét nguồn gốc lịch sử, thực trạng canh tác trên đất thuộc Trạm thực nghiệm Văn Giang, từ đó  vận dụng những văn bản hiện có để hỗ trợ, đền bù các hộ dân thuộc diện thu hồi đất.

Cần lưu ý rằng, để giải quyết những vấn đề liên quan đến dự án Vành đai 4, trong thông báo số 10 - TB/BCĐ, ngày 10/10/2023, Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra nhiệm vụ: Khẩn trương xử lý dứt điểm thu hồi đất giao cho Trạm thực nghiệm, Viện di truyền - Bộ NN&PTNT. Nếu vướng mắc vượt thẩm quyền của địa phương thì phải báo cáo ngay Ban chỉ đạo Dự án đường Vành đai 4, Thủ tướng Chính phủ để xử lý, chỉ đạo.

Trong khi UBND huyện Khoái Châu, Sở TN-MT nhận thấy việc hỗ trợ, đền bù khi thu hồi đất là đúng các quy định pháp luật thì Ban QLDAĐTXD huyện Văn Giang lại cho rằng, không có cơ sở để đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất của các hộ dân nhận khoán từ Trạm thực nghiệm Văn Giang.

Để giải quyết những vấn đề người dân đã phản ánh, rất mong Tỉnh ủy Hưng Yên, UBND tỉnh Hưng, các cơ quan chức năng đưa ra quyết định, hợp tình, hợp lý, vì dân, thống nhất trong việc đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất, thiết thực đưa chủ trương đền bù, GPMB Vành đai 4 của Tỉnh ủy Hưng Yên vào cuộc sống.

Điều 25, Nghị định 47 quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

        Hỗ trợ khác đối với người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất

Ngoài việc hỗ trợ quy định tại các Điều 19, 20, 21, 22, 23 và 24 của Nghị định này, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định biện pháp hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất và công bằng đối với người có đất thu hồi; trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại Điều 75 của Luật Đất đai thì UBND cấp tỉnh xem xét hỗ trợ cho phù hợp với thực tế của địa phương; trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận